Bước tiến dài từ một nghị quyết
LSO-Ngày 1/10/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp. Qua ba năm triển khai, lâm nghiệp toàn tỉnh đã có những bước tiến dài, nhiều hộ dân đã làm giàu từ rừng. Lâm nghiệp đã mang lại cho nông thôn miền núi một diện mạo mới.
Nông dân xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng ký cam kết bảo vệ rừng |
Nghị quyết hợp lòng dân
Ngồi pha trà đãi khách dưới mái ngói ba gian vừa đảo còn thơm mùi gỗ mới, chỉ chiếc máy cày tay còn tươi màu sơn, anh Hoàng Văn Thắng, thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh tâm sự: “Máy cày mua bằng tiền bán bạch đàn đấy chú ạ. Nhà tôi còn ít, chứ có hộ thu cả trăm triệu đồng mỗi vụ. Giờ người dân khá lên một phần cũng nhờ rừng”. Không riêng gì hộ anh Thắng, mà hàng trăm hộ dân xã Cai Kinh, rồi cả chục nghìn hộ dân trong toàn tỉnh cũng đang giàu lên từ rừng. Điều đấy được minh chứng rất rõ qua thống kê của ngành lâm nghiệp- có đến 35.000 lao động thâm canh nghề rừng. Lạng Sơn là tỉnh miền núi có tổng diện tích đất tự nhiên trên 800.000 ha, chiếm 91,13% diện tích tự nhiên. Trong đó, chủ yếu là đất lâm nghiệp. Thiên nhiên ưu đãi vùng đất biên ải này với 7 vùng, 16 tiểu vùng, 43 loại đất màu mỡ phù hợp với nhiều loại cây trồng (theo thống kê năm 1995). Đây là điều kiện để phát triển lâm nghiệp một cách bền vững mà nhiều vùng khác không thể có được. Thế nhưng, nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, người dân sống cạnh rừng mà vẫn nghèo, chưa biết làm giàu từ rừng, còn hiện tượng phá rừng dẫn đến cạn kiệt vốn rừng.
Nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững, tạo điều kiện cho nhân dân làm giàu từ rừng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 29 về phát triển lâm nghiệp Lạng Sơn. Mới chỉ qua 3 năm triển khai nhưng lâm nghiệp đã có những bước tiến rõ nét. Từ nghị quyết, các cấp, ngành đã tích cực tuyên truyền về phát triển vốn rừng, động viên nhân dân toàn tỉnh trồng rừng, bảo vệ rừng. Điều đó đã tạo sự đồng thuận trong nhận thức của cán bộ, nhân dân toàn tỉnh. Anh Chu Văn Đặng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình chia sẻ: “Người dân ngày càng biết quý rừng, tích cực trồng rừng. Những năm trước đây rừng dự án họ mới trồng, nhưng bây giờ toàn hộ gia đình bỏ vốn. Nhiều hộ có thu nhập từ rừng đã kích thích các hộ khác cùng làm. Hiện nay, trên địa bàn Lộc Bình đã có trên 50% số hộ dân sống được bằng nghề rừng”.
Trồng rừng từ tự phát đến tự giác
Trước đây, việc trồng rừng, làm rừng trên địa bàn toàn tỉnh đã được hình thành. Thế nhưng, việc trồng theo quy hoạch, phân định rõ giữa các loại rừng chưa rõ nét, chưa trở thành phong trào. Đặc biệt, thâm canh rừng mang tính cục bộ, chưa lan tỏa đồng bộ ra nhiều địa phương. Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, các cấp, ngành đã vào cuộc quán triệt, tuyên truyền, thu hút hàng trăm ngàn đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị – xã hội tham gia. Tính từ khi ban hành Nghị quyết 29 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới 39.804 ha rừng, khoanh nuôi tái sinh 45.233 ha. Hết năm 2014, độ che phủ rừng đạt khoảng 53,5%, cao hơn mức bình quân cả nước. Cùng với đó là hàng trăm các cơ sở chế biến sản phẩm từ rừng, sản xuất gỗ rừng trồng được hình thành. Rừng được chăm sóc, bảo vệ khiến cho các vụ phá rừng, cháy rừng ngày cảng giảm. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tính theo giá thực tế đạt trên 1,2 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Có thể thấy, giờ đây trên khắp các làng bản, từ vùng sâu, vùng xa đến các trung tâm xã, thị trấn, việc trồng rừng, thâm canh rừng đã trở thành phong trào. Nhiều địa phương đã tập trung thâm canh rừng sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm rừng trồng. Từ đó người dân có điều kiện tái đầu tư nâng cao chất lượng rừng.
Chế biến gỗ chất lượng cao tại Công ty Cổ phần sản xuất và Thương mại Lạng Sơn |
Rõ nét kinh tế lâm nghiệp
Kinh tế lâm nghiệp là tổng hợp; nghiên cứu khoa học rừng, phát triển rừng, thu lợi qua rừng… Từ những hàng hóa hiện hữu cho đến những nguồn lợi vô hình do rừng mang lại đã làm thay đổi đời sống của nhân dân các dân tộc Xứ Lạng. Ông Hoàng Văn Quân, Chi cục trưởng, Chi cục phát triển Lâm nghiệp khẳng định: Nghị quyết 29 ban hành chưa lâu nhưng sức lan tỏa của nó đã đủ rộng và sâu. Từ 2011 đến 2014, xã hội hóa nghề rừng được đẩy mạnh. Vốn huy động vào trồng rừng đạt gần 300 tỷ đồng. Cùng với đó, trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở đầu tư chế biến lâm sản làm ăn có hiệu quả. Điển hình như Công ty Cổ phần lâm sản Thịnh Lộc Shinec, hằng năm chế biến trên 10.000 m2 ván bóc, 5.000 m2 ván sàn, đạt doanh thu trên 60 tỷ đồng. Hợp tác xã 1/5 Tràng Định có doanh thu từ chế biến gỗ trên 2 tỷ đồng mỗi năm. Bằng nghề rừng, xuất hiện hàng trăm hộ nông dân tiêu biểu có thu nhập từ 100 đến 250 triệu đồng mỗi năm như hộ ông Lý Văn Thăng, xã Thiện Long, huyện Bình Gia; Vi Văn Thảo, xã Thiện Kỵ, huyện Hữu Lũng; Phan Văn Hồi, thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng… Những hộ dân tiêu biểu ấy đã minh chứng rất rõ nét bước tiến dài của nghề rừng và góp phần làm nên thành công của Nghị quyết 29.
Từ năm 2011 đến 2014, toàn tỉnh tập huấn 4.039 cuộc về lâm nghiệp cho 150.466 lượt người; triển khai 7 đề tài khoa học; cấp chứng nhận cho 12 doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, tổng vốn đạt 1.100 tỷ đồng. |
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()