Bước tiến dài trong quan hệ Ấn Độ - UAE
Trong thập kỷ qua, quan hệ giữa Ấn Độ với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã có những bước phát triển đáng kể trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2015 ghi dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước từ chuyến thăm UAE của Thủ tướng Narendra Modi, chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới UAE sau 34 năm. Từ đó đến nay, Thủ tướng Modi đã thực hiện thêm 6 chuyến thăm tới quốc gia vùng Vịnh. Cùng với đó, quan hệ song phương giữa hai nước đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, với di cư, kinh tế-thương mại, quốc phòng, an ninh là trụ cột cốt lõi.
Về mặt di cư, trong số 7,93 triệu công dân Ấn Độ sống ở các nước vùng Vịnh, có hơn 3,5 triệu người cư trú tại UAE, tạo thành cộng đồng người thiểu số lớn nhất UAE, chiếm 30% dân số nước này. Modern Diplomacy dẫn số liệu của Chính phủ Ấn Độ cho hay, 65% người Ấn Độ làm việc tại UAE thuộc nhóm cổ cồn xanh (chủ yếu làm việc trong các công ty xây dựng ở đô thị và các trang trại nông nghiệp); 20% làm công việc văn phòng (văn thư, bán hàng, kế toán...); 15% là các chuyên gia và doanh nhân. Đến cuối năm 2022, có 83.000 công ty Ấn Độ đăng ký kinh doanh tại UAE và người Ấn Độ sở hữu 30% số công ty khởi nghiệp ở UAE.
Báo cáo Di cư thế giới 2024 nhấn mạnh, hành lang Ấn Độ-UAE là tuyến di cư quốc tế lớn thứ ba thế giới, sau tuyến Mexico-Mỹ và Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Còn báo cáo của Ngân hàng Thế giới xác định, Ấn Độ là quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới vào năm 2022, trong đó UAE là nguồn cung cấp kiều hối lớn thứ hai, chiếm 18% tổng lượng kiều hối đổ về Ấn Độ.
Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, UAE là đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ, sau Mỹ và Trung Quốc; là một trong những nhà cung cấp dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của Ấn Độ. Hai bên đặt mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương phi dầu mỏ lên 100 tỷ USD vào năm 2030. Mục tiêu này có lẽ không nằm ngoài tầm với, bởi sau khi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Ấn Độ và UAE có hiệu lực vào tháng 5-2022, thương mại song phương đã đạt mức 84,8 tỷ USD trong năm 2023. Các nhà đầu tư Ấn Độ có những đóng góp đáng kể vào thị trường nhà ở của UAE, với lượng mua sắm vượt quá 4 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, năm 2023, UAE là nhà đầu tư lớn thứ tư vào Ấn Độ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ UAE vào Ấn Độ tăng từ hơn 1 tỷ USD giai đoạn 2021-2022 lên 3,35 tỷ USD giai đoạn 2022-2023, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực bất động sản, vận tải-kho bãi, dịch vụ tài chính và năng lượng.
Trong thập kỷ qua, UAE đã nổi lên là đối tác quốc phòng quan trọng của Ấn Độ trong khu vực. Hai bên đẩy mạnh hợp tác đào tạo quốc phòng và xây dựng năng lực phòng thủ, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển và trên không; hướng tới hợp tác sản xuất quốc phòng nhằm mở rộng quy mô ngành công nghiệp quốc phòng ở mỗi nước.
Tháng 2-2023, Tập đoàn quốc phòng hàng đầu UAE EDGE ký bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Hàng không vũ trụ Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL) trong lĩnh vực thiết kế và phát triển chung hệ thống tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Công nghệ đóng tàu sân bay, tên lửa BrahMos cùng một số sản phẩm mũi nhọn của ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ cũng đang được UAE đặc biệt quan tâm.
Với việc Thủ tướng Modi nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba, quan hệ giữa Ấn Độ với các nước vùng Vịnh nói chung, với UAE nói riêng được dự đoán sẽ còn tiến xa. Về phía Ấn Độ, mối quan hệ bền chặt với UAE có thể giúp New Delhi bảo đảm an ninh năng lượng, thu hút nguồn vốn FDI và nguồn kiều hối khổng lồ phục vụ phát triển kinh tế. Với UAE, hợp tác cùng quốc gia tỷ dân có nguồn nhân lực dồi dào, một cường quốc mới nổi không chỉ ở khu vực mà còn ở quy mô toàn cầu, sẽ đem lại cơ hội giúp Abu Dhabi bù đắp nguồn nhân lực thiếu hụt trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, cũng như củng cố năng lực phòng thủ quốc gia trong một thế giới đầy biến động.
Ý kiến ()