Bước tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Việt Nam
Lượng khách du lịch trong nước cũng ước đạt 35 triệu lượt khách, tổng thu nhập từ du lịch khoảng 195 nghìn tỷ đồng. Với mức tăng trưởng ngoạn mục này, du lịch nước ta không những khôi phục tốc độ tăng trưởng mà đã có những bước tạo đà phát triển mạnh mẽ.
Sớm hoàn thành mục tiêu phát triển
Tính từ thời điểm tăng trưởng du lịch bị giảm năm 2009 do suy thoái kinh tế thế giới, sau bốn năm phục hồi, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2013 đã tăng gấp hai lần, tổng thu du lịch tăng hơn 2,2 lần. Số liệu thống kê cũng cho thấy các mục tiêu của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015 đã hoàn thành sớm trước hai năm.
Sự tăng trưởng thể hiện ở quy mô mở rộng, đa dạng và ngày càng nâng cao về chất lượng. Kết cấu hạ tầng du lịch đã được cải thiện đáng kể, hệ thống giao thông đường không, đường bộ, đường thủy, thông tin – viễn thông được đầu tư, mở rộng. Cả nước hiện đã có hơn 14.200 cơ sở lưu trú với 320 nghìn buồng lưu trú cho du khách, riêng số buồng khách sạn từ ba đến năm sao đạt hơn 34%. Đã có hơn 1.250 doanh nghiệp lữ hành quốc tế cùng các cơ sở dịch vụ, nhà hàng, cơ sở giải trí, văn hóa, thể thao, hội nghị, triển lãm và nhiều loại hình dịch vụ liên quan ra đời. Năm 2013 cũng ghi nhận sự ra đời của hàng loạt khách sạn và tổ hợp resort từ bốn đến năm sao, góp phần đón nhận luồng khách cao cấp và giúp cho diện mạo du lịch nước ta đã có các thay đổi căn bản. Đội ngũ nhân viên ngành du lịch đã và đang tăng mạnh, đến nay toàn ngành đã có hơn 57 nghìn lao động trực tiếp trong tổng số 1,8 triệu lao động liên quan.
Bước phát triển ngoạn mục nêu trên cho thấy tính đúng đắn trong định hướng chỉ đạo phát triển du lịch với mục tiêu đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó là những yếu tố thuận lợi mà quan trọng nhất là sự đánh giá của du khách quốc tế về một điểm đến an toàn Việt Nam trong bối cảnh thế giới đầy biến động, tình hình an ninh, chính trị các nơi đang có nhiều bất ổn. Ngoài ra, nguồn tài nguyên du lịch phong phú cũng là tiền đề cho việc tạo dựng phong phú những sản phẩm du lịch mang giá trị độc đáo. Trên nhiều lĩnh vực, du lịch nước ta đang mở rộng về quy mô, tính chất và từng bước nâng cao về chất lượng, tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ không ngừng được đầu tư, đổi mới. Riêng số lượng buồng khách sạn cao cấp từ ba đến năm sao hiện tại đã chiếm 34% trong hơn 320 nghìn buồng lưu trú của các cơ sở lưu trú du lịch của cả nước. Cơ sở hạ tầng được đầu tư gắn với quy hoạch và đầu tư phát triển của các khu, tuyến, điểm, đô thị du lịch trên bảy vùng du lịch của cả nước. Hệ thống doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực lữ hành, lưu trú, vận chuyển, giải trí, dịch vụ với sản phẩm đa dạng đang hướng tới nhiều thị trường mới, đồng thời lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp cũng ngày càng được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên nghiệp.
Những khó khăn và thách thức
Tuy nhiên, đã có những tháng cuối năm 2012 và giai đoạn đầu năm 2013, những người làm du lịch không khỏi lo lắng khi lượng khách quốc tế tạm chững lại với nhiều nguyên nhân. Dù bất ổn về chính trị – xã hội, thiên tai, khủng hoảng kinh tế, tài chính buộc du khách ở các thị trường truyền thống phải giảm chi tiêu và chọn lựa điểm đến phù hợp, chúng ta cũng nhìn nhận một cách thẳng thắn về yếu kém, hạn chế của du lịch Việt Nam. Đó là công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả; tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xảy ra bên cạnh các tệ nạn ta-xi dù “chém khách”, hàng rong chèo kéo, đeo bám; Một số dịch vụ lữ hành, khách sạn ở các địa phương vẫn diễn ra việc núp bóng, lừa đảo, ép giá khách, nhất là vào mùa cao điểm. Đây là hệ quả của tình trạng tăng trưởng du lịch nóng, phát triển không đồng đều ở một số địa phương, tạo ra sự mất cân đối cục bộ. Môi trường du lịch nhiều nơi bị ô nhiễm, quá tải, thiếu quản lý do khai thác quá mức tài nguyên du lịch hoặc bị hủy hoại nghiêm trọng.
Công tác quản lý môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ở các điểm đến còn yếu kém và chưa được coi trọng. Gần đây, sự biến đổi khí hậu cũng dẫn đến thiên tai, bão lũ bất thường, tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng du lịch và hoạt động du lịch ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó là những trở ngại từ tính thiếu chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá. Sản phẩm du lịch đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo và còn trùng lặp giữa các vùng miền, thiếu tính liên kết. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế, nghiên cứu thị trường còn thụ động, yếu kém. So với các nước trong khu vực, kinh phí Nhà nước đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch điểm đến còn rất hạn chế cho nên chưa tạo được hiệu ứng kích cầu du lịch Việt Nam ở các thị trường mục tiêu. Hoạt động phối hợp liên ngành cũng như giữa các địa phương không thường xuyên và chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Các doanh nghiệp du lịch chưa chủ động trong công tác phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm còn hạn chế, chất lượng dịch vụ yếu.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành chưa đủ khả năng vươn ra thị trường quốc tế để khai thác khách. Một số thị trường còn có hiện tượng người nước ngoài thao túng, trực tiếp điều hành, còn các doanh nghiệp trong nước thì cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, trốn thuế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm và hình ảnh điểm đến Việt Nam. Nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp nước ta cũng còn thiếu và yếu. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh giá thành sản phẩm, chất lượng nhân lực, dịch vụ và năng lực doanh nghiệp với du lịch các nước trong khu vực ngày càng lớn. Việt Nam luôn luôn phải cạnh tranh với các điểm đến du lịch hàng đầu trong khu vực như Ma-lai-xi-a, Thái-lan, Xin-ga-po.
Đây là những quốc gia được đầu tư nhiều kinh phí, có trình độ chuyên nghiệp cao trong hoạt động du lịch và liên tục đổi mới về sản phẩm, thương hiệu du lịch. Đặc biệt là sau năm 2015 khi các nước ASEAN đồng loạt loại bỏ hàng rào phi thuế quan và thuế suất trong ASEAN chỉ còn từ 0 đến 5%.
Không có sự chuẩn bị tốt, chắc chắn thị trường khách của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ bị thu hẹp cả ở trong nước và quốc tế.
Giải pháp phát triển trước mắt và lâu dài
Trước bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, ngành du lịch tiếp tục thực hiện những định hướng chiến lược đã được xác định trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trước mắt, trong năm 2014, ngành du lịch tập trung thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ làm trong sạch, lành mạnh hóa môi trường du lịch, tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý tình trạng cướp giật, chèn ép, lừa đảo, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Đặc biệt là xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách tại tất cả các điểm tham quan, du lịch, một trong những nhiệm vụ cấp bách mà ngành du lịch đang triển khai trên toàn quốc. Thực tế cho thấy, để giải quyết vấn đề an ninh cho du khách, cần có một cơ quan chức năng chuyên trách thực thi pháp luật, bảo vệ du khách và xây dựng một môi trường du lịch an toàn và lành mạnh như nhiều nước có du lịch phát triển trong khu vực và thế giới đã thực hiện. Tình hình hiện tại cũng là điều kiện chín muồi để Việt Nam thành lập lực lượng Cảnh sát Du lịch, nhất là tại các thành phố, trung tâm du lịch lớn, đón nhiều du khách.
Về lâu dài, ngành du lịch cần hướng trọng tâm phát triển theo chiều sâu, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp liên quan đến du lịch, giải quyết các vấn đề liên ngành để tạo thuận lợi cho du lịch phát triển; coi trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch theo tám đề án phát triển thị trường du lịch trọng điểm và kế hoạch xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam của Tổng cục Du lịch; tổ chức tốt các hoạt động của Năm du lịch quốc gia 2014 tại Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên.
Trong những giải pháp thị trường để thu hút khách, ngành du lịch nên coi trọng thu hút khách đường bộ và đường biển bên cạnh khách quốc tế đi bằng đường không, giảm tỷ lệ khá mất cân đối trong cơ cấu giữa các đối tượng khách.
Ngoài ra, một trong các hướng phát triển bền vững mà ngành cần tập trung duy trì và phát triển là đầu tư thúc đẩy thị trường khách nội địa đặc biệt trong các thời điểm biến động bên ngoài khiến thị trường du khách quốc tế suy giảm.
Bên cạnh việc lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, lữ hành, loại bỏ các đơn vị lữ hành chui, kinh doanh kiểu chộp giật, các doanh nghiệp du lịch cần chủ động đổi mới, tăng sức cạnh tranh với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý ngành để có thể đứng vững khi nước ta hội nhập sâu hơn vào các định chế liên kết quốc tế. Trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, nhất là hướng dẫn viên quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có nhiều cuộc trao đổi, lấy ý kiến. Cùng với việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, có thể sẽ triển khai cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế tạm thời đối với các ngoại ngữ ít thông dụng để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách…
Trên đây chỉ là một số giải pháp trong tổng thể kiến nghị mà ngành du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang đề xuất Chính phủ chỉ đạo giải quyết, trong đó có việc ban hành Nghị quyết về giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2013-2014 nhằm thống nhất lãnh đạo, thúc đẩy phát triển du lịch trong bối cảnh mới, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, đồng thời tạo động lực phát triển cho các ngành kinh tế liên quan. Cùng với Nghị quyết, Bộ cũng đã kiến nghị về một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư về vay vốn, giảm thuế, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là các chế độ ưu đãi khung giá thuê đất làm dịch vụ du lịch, ưu đãi thuê đất tại khu vực biển, đảo hoặc vay vốn đầu tư phát triển du lịch; đơn giản hóa thủ tục hành chính để người nước ngoài mang phương tiện cơ giới vào Việt Nam du lịch và tổ chức hội nghị quốc tế tại các cơ sở lưu trú cao cấp…
Phát huy những thành tựu của năm 2013, hy vọng ngành du lịch nước ta sẽ có bước tạo đà mạnh mẽ, tiếp tục phát triển với mục tiêu thu hút khoảng tám triệu lượt du khách quốc tế và 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 220 nghìn tỷ đồng trong năm 2014. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ hướng vào trọng tâm phát triển theo chiều sâu với mục tiêu trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu và đậm đà bản sắc, đủ sức cạnh tranh với du lịch các nước trong khu vực và thế giới.
Ý kiến ()