Bước phát triển trong nhà trường
Tham quan triển lãm để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Trường THPT Chu Văn An |
Hệ lụy của thiếu kỹ năng sống
Em Hoàng Thị H. học sinh Trường THPT Tú Đoạn (Lộc Bình) nghe theo lời rủ rê của một số người đã bỏ học để sang Trung Quốc làm thuê. Nhà trường đã liên hệ với gia đình cùng nhau giải thích, vận động em trở lại trường học. Tâm sự với bạn bè, em nói, mới đầu nghe thấy thích lắm, song nghe phân tích, mình mới thấy dại, vì có nguy cơ bị bắt làm vợ người ta, hoặc là bị bán làm gái mại dâm… Chưa có một thống kê chính xác số học sinh phải làm mẹ ngay từ khi còn đang học lớp 11,12 song tình trạng yêu sớm dẫn đến có thai, nạo phá thai hoặc có con ngoài ý muốn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao cũng là một mặt của kỹ năng sống bị hạn chế. Năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có 688 trường hợp học sinh vi phạm pháp luật, tăng 433 trường hợp so với năm 2014. Trong đó phần lớn là vi phạm trật tự ATGT ( 653 em), gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích 10 em; trộm cắp tài sản 11 em, sử dụng trái phép chất ma túy 11 em và chống người thi hành công vụ 4 em. Đây chính là những biểu hiện cụ thể của việc thiếu kiến thức sống, giá trị sống và kỹ năng sống của học sinh phổ thông hiện nay.
Phân tích về vấn đề này, thầy giáo Đặng Hùng Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc nói rằng: biểu hiện rõ nhất của thiếu kỹ năng sống là có những hành vi ứng xử không phù hợp với chuẩn mực xã hội; sự ứng phó kém cỏi với các tình huống trong cuộc sống như: ứng xử thiếu văn hóa trong giao tiếp, thiếu lễ độ với thầy cô giáo, cha mẹ và người lớn tuổi, chưa có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng, gây phiền hà cho người khác… Cao hơn, do tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh luôn thích khẳng định mình, đề cao “cái tôi” một cách không phù hợp, dễ bị kích động, nhưng cũng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo. Thiếu kiến thức sống, giá trị sống, kỹ năng sống không những gây tổn hại cho xã hội mà bản thân sẽ chịu những hậu quả nặng nề.
Một hoạt động giáo dục quan trọng
Trong thời gian gần đây, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã được quan tâm nhiều hơn. Tuy không trở thành môn học riêng song kỹ năng sống luôn được lồng ghép vào các bộ môn, giáo dục pháp luật, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động trải nghiệm.Trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; giáo dục kỹ năng sống đã dần được hệ thống hóa từ cấp học mầm non đến cấp THPT. Ở cấp mầm non và tiểu học, học sinh được giáo dục nhóm kỹ năng học tập, làm việc, vui chơi giải trí ( kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giữ gìn vệ sinh, phân biệt hành vi đúng sai…). Ở cấp THCS và THPT, học sinh được giáo dục nhóm kỹ năng giao tiếp, hòa nhập, ứng phó với các tình huống cuộc sống (lễ phép, kiểm soát tình cảm , kỹ năng trình bày ý kiến, diễn đạt, thuyết trình, kỹ năng ứng phó với thiên tai, phòng chống tai nạn đuối nước; kiến thức về giới, kỹ năng từ chối, chống lại sự cám dỗ, chống xâm phạm tình dục, kỹ năng ứng phó với tình huống bạo lực…). Ngoài ra, giáo dục trong nhà trường kết hợp với các đoàn thể đã đi vào chiều sâu và từng bước mang lại hiệu quả tích cực như: tổ chức nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên, cắm trại, tham quan, “học kỳ quân đội”…
Giáo dục kỹ năng sống được các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú, trường THPT có học sinh trọ học… đặc biệt quan tâm. Thầy giáo Giang Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Gia cho biết: với hàng trăm học sinh các xã vùng sâu, vùng cao ra trọ học, nhà trường đã giành nhiều thời lượng hơn, phối hợp chặt hơn với lực lượng ngoài nhà trường để giáo dục kỹ năng sống cho các em. Vì vậy, trong nhiều năm qua, không có học sinh trọ học vi phạm pháp luật hoặc sa vào các tệ nạn xã hội.
Khẳng định kết quả của việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh những năm qua, nhà giáo ưu tú Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng cho lãnh đạo và đội ngũ giáo viên để các nhà trường, cơ sở giáo dục đưa công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào chiều sâu, đạt kết quả tốt hơn nữa.
Ý kiến ()