Bước phát triển quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào
Ngày 9-7, tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) - Nậm On (Bo-ly-khăm-xay) diễn ra Lễ khánh thành cột mốc đại 460 và Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam - Lào trên thực địa. Phóng viên Báo Nhân Dân ghi lại một số ý kiến của các đại biểu dự buổi lễ này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
– Ngày 9-7, tại khu vực cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An) – Nậm On (Bo-ly-khăm-xay) diễn ra Lễ khánh thành cột mốc đại 460 và Lễ chào mừng hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào trên thực địa. Phóng viên Báo Nhân Dân ghi lại một số ý kiến của các đại biểu dự buổi lễ này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ðồng chí Bun-cợt Xẳng-xổm-xắc, Thứ trưởng Ngoại giao CHDCND Lào, Chủ tịch Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới Lào và Việt Nam:
Phấn đấu hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Lào – Việt Nam vào năm 2014
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước, Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới Lào và Việt Nam đã chú trọng và đề cao tinh thần trách nhiệm, cùng các bộ, ngành, địa phương và nhân dân hai nước thực hiện Dự án nêu trên, bắt đầu triển khai Dự án từ năm 2008 và sẽ kết thúc trong năm 2014. Trong hơn năm năm qua, toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Lào và Việt Nam trong Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới Lào – Việt Nam đã cùng nhau vượt mọi khó khăn, thử thách như: núi cao, vực thẳm, thời tiết thay đổi thất thường và nhất là nhiều nơi là rừng sâu nước độc, chưa có đường giao thông. Với nỗ lực to lớn, kết hợp kế hoạch chi tiết, công tác cắm mốc trên thực địa giữa hai nước đã diễn ra an toàn, đúng tiến độ, xây dựng mới và tôn tạo được 793 vị trí mốc (tương đương với 835 cột mốc), cắm bổ sung trên 20 cọc dấu, hoàn thành toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo mốc biên giới trên thực địa trong tháng 6 vừa qua.
Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, khẩn trương hoàn thành hồ sơ pháp lý mốc giới, lập bộ bản đồ mới đường biên giới quốc gia Lào – Việt Nam, đồng thời sớm bắt tay vào việc soạn thảo Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ toàn bộ Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Lào – Việt Nam vào năm 2014 như lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.
Ðại tá Ðinh Ngọc Văn, Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, Phó trưởng Ban chỉ đạo Dự án tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào trên thực địa:
Sự phối hợp, giúp đỡ của nhân dân đã góp phần không nhỏ tháo gỡ nhiều khó khăn
Là lực lượng đầu tiên tiếp quản hạ tầng cửa khẩu Thanh Thủy, chúng tôi nhận thức rõ ràng về trách nhiệm quản lý cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân cũng như hàng hóa, phương tiện qua lại giữa hai nước chúng ta.
Nghệ An là một trong số các tỉnh có đường biên giới Việt Nam – Lào dài nhất. Ðến nay, công tác phân giới cắm mốc trên thực địa đã cơ bản hoàn thành. Lực lượng Biên phòng Nghệ An tham mưu tốt cho cấp ủy chính quyền địa phương và là lực lượng nòng cốt tham gia vào đội tăng dày và tôn tạo mốc giới. Do tỉnh có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, có những đoạn biên giới có độ cao hơn 2.000 m nên trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Hành quân từ trung tâm lên cột mốc có nơi phải đi ba, bốn ngày đường khiến lực lượng thi công gặp rất nhiều gian nan, vất vả. Ðược sự quan tâm của các cấp, nhất là sự phối hợp, giúp đỡ của nhân dân tại địa bàn, nên các khó khăn dần được tháo gỡ. Nhân dân giúp lực lượng cắm mốc về nơi ăn ở, hướng dẫn chỉ đường, đồng thời là lực lượng nòng cốt giúp vận chuyển nguyên, vật liệu lên biên giới.
Nhiệm vụ ưu tiên trước mắt của đơn vị chúng tôi là tiếp quản tất cả các vị trí mốc đã được tôn tạo, quản lý và tăng cường công tác bảo vệ để giữ vững chủ quyền của đất nước, đồng thời tạo điều kiện thông thoáng cho cư dân của vùng biên giới hai nước đi lại thăm thân và tăng cường giao lưu hợp tác.
Ông Bua-lay Khun-vông-chon, Trưởng bản Chúp-tơng, huyện Xay-chăm-phon, tỉnh Bo-ly-khăm-xay:
Gìn giữ tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai vùng giáp biên
Tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân sống gần khu vực biên giới giữa hai nước không ngừng được giữ gìn và ngày càng phát triển. Cuộc sống của người dân bản Chúp-tơng và các bản, làng ở biên giới hai nước rất bình yên. Ðặc biệt, được sự quan tâm của hai Ðảng và hai Nhà nước, chúng ta được chứng kiến Lễ khánh thành cột mốc đại 460 ở cửa khẩu biên giới Nậm On – Thanh Thủy. Nhân dân Lào ở vùng giáp cửa khẩu Thanh Thủy nói riêng và nhân dân khu vực biên giới của Lào giáp Việt Nam nói chung rất biết ơn sự quan tâm đó. Chúng tôi tự hào về tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và quan hệ hợp tác toàn diện Lào và Việt Nam.
Việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo mốc biên giới Việt Nam – Lào trên thực địa Thanh Thủy (Nghệ An) – Nậm On (Bo-ly-khăm-xay) đã cho chúng ta có một hệ thống mốc giới rõ ràng. Với tư cách là Trưởng bản Chúp-tơng, tôi sẽ vận động nhân dân trong bản làm hết sức mình để gìn giữ các cột mốc biên giới, giữ gìn tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai vùng giáp biên để xứng đáng với sự quan tâm và tin yêu của lãnh đạo hai Ðảng, hai Nhà nước Lào và Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()