Bước phát triển quan trọng của thông tin, truyền thông Cu-ba
Mới đây, Cu-ba đã chính thức tiếp nhận đường cáp quang ngầm hiện đại dưới đáy biển dài hơn 1.600 km nối quốc đảo này với Vê-nê-xu-ê-la. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong chiến lược thúc đẩy hạ tầng cơ sở thông tin, truyền thông của hòn đảo Tự do trên biển Ca-ri-bê.Hệ thống cáp quang này có thể tăng tốc độ đường truyền dữ liệu lên 640 GB, gấp 3.000 lần tốc độ hiện nay, đồng thời có khả năng xử lý khoảng 80 triệu cuộc gọi điện thoại và cung cấp thông tin liên lạc chất lượng cao hơn, góp phần cải thiện rõ dịch vụ viễn thông và giảm mạnh giá thành dịch vụ in-tơ-nét của nước này.Các hãng tin lớn trên thế giới đều đưa tin và bình luận về sự kiện này. Với nhan đề 'Đường truyền in-tơ-nét làm suy yếu lệnh cấm vận' của Mỹ chống Cu-ba, Hãng AFP đưa tin nhấn mạnh, đường cáp quang ngầm dưới biển nối hòn đảo Tự do với Vê-nê-xu-ê-la là một đòn giáng mạnh vào lệnh cấm vận của Mỹ chống nước này kéo dài nhiều thập kỷ qua. Phát...
Hệ thống cáp quang này có thể tăng tốc độ đường truyền dữ liệu lên 640 GB, gấp 3.000 lần tốc độ hiện nay, đồng thời có khả năng xử lý khoảng 80 triệu cuộc gọi điện thoại và cung cấp thông tin liên lạc chất lượng cao hơn, góp phần cải thiện rõ dịch vụ viễn thông và giảm mạnh giá thành dịch vụ in-tơ-nét của nước này.
Các hãng tin lớn trên thế giới đều đưa tin và bình luận về sự kiện này. Với nhan đề 'Đường truyền in-tơ-nét làm suy yếu lệnh cấm vận' của Mỹ chống Cu-ba, Hãng AFP đưa tin nhấn mạnh, đường cáp quang ngầm dưới biển nối hòn đảo Tự do với Vê-nê-xu-ê-la là một đòn giáng mạnh vào lệnh cấm vận của Mỹ chống nước này kéo dài nhiều thập kỷ qua. Phát biểu ý kiến tại thành phố Xan-ti-a-gô trong lễ đón nhận đường cáp quang ngầm dưới biển, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Cu-ba M.Đi-át tuyên bố, đường cáp quang ngầm này sẽ giúp phá bỏ hàng rào bao vây, cấm vận kinh tế do Mỹ đơn phương áp đặt chống Cu-ba và là công cụ giúp Cu-ba tăng cường củng cố độc lập, chủ quyền và chủ động phát triển lĩnh vực viễn thông; nhấn mạnh đường cáp mới sẽ phục vụ nhân dân Cu-ba trên đường hội nhập và phát triển. Người dân Cu-ba cũng rất vui mừng, phấn khởi trước sự kiện này. Nhạc sĩ La-da-rô sống ở Thủ đô La Ha-ba-na, một người thường xuyên truy cập in-tơ-nét nhận xét, việc lắp đặt tuyến cáp quang dưới biển mở rộng dịch vụ in-tơ-nét thật là tuyệt vời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân Cu-ba dễ dàng giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Dự án lắp đặt tuyến cáp quang nói trên có số vốn đầu tư lên tới gần 70 triệu USD do Liên minh Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA) tài trợ. Đây là dự án chiến lược giúp Cu-ba phát triển hạ tầng viễn thông, đồng thời chấm dứt sự phụ thuộc vào việc thuê bao các đường truyền vệ tinh với giá 'đắt đỏ' để có thể liên lạc thông tin với các nước khác trên thế giới. Việc triển khai lắp đặt hệ thống cáp quang dưới biển được bắt đầu thực hiện ngày 22-1 vừa qua, từ điểm đầu tại bờ biển thành phố cảng La Gu-ai-ra ở miền bắc Vê-nê-xu-ê-la. Sau khi nối với Cu-ba, hệ thống cáp quang này sẽ kéo dài thêm 230 km nối với bờ biển Gia-mai-ca. Công ty Alcatel-Lucent của Pháp là đơn vị thực hiện việc kéo hệ thống cáp quang ngầm này dưới biển bằng một rô-bốt hiện đại. Dự án lắp đặt hệ thống cáp quang ngầm nối hai nước Cu-ba và Vê-nê-xu-ê-la được triển khai đúng tiến độ và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7 tới. Hệ thống cáp quang ngầm hiện đại này được đặt ở độ sâu 5.400 m và còn có khả năng kết nối với Ni-ca-ra-goa và Ha-i-ti.
Chính sách cấm vận do Mỹ áp đặt đối với Cu-ba từ năm 1962 đã ngăn cản các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông quốc tế hợp tác với quốc đảo trên biển Ca-ri-bê này. Theo các chuyên gia, nếu không bị Mỹ cấm vận, Cu-ba chỉ cần đầu tư 500.000 USD để kết nối với đường truyền thông tin liên lạc thế giới vì hệ thống cáp quang giữa TP Mai-a-mi (Mỹ) và TP Can-cun (Mê-hi-cô) chỉ cách bờ biển Thủ đô La Ha-ba-na 32 km. Mặc dù đạt được nhiều thành tựu về giáo dục và y tế trong khu vực, nhưng do những chính sách cấm vận kinh tế và thương mại kéo dài của Mỹ, Cu-ba vẫn chưa có đường truyền in-tơ-nét tốc độ cao và là quốc gia có tỷ lệ người truy cập in-tơ-nét chỉ ở mức gần 3%. Việc lắp đặt đường cáp quang ngầm dưới biển không chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển thông tin, truyền thông của Cu-ba, mà còn là minh chứng hùng hồn của sự tăng cường hợp tác, liên kết nhiều mặt, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển giữa các nước trong khối ALBA.
Theo Nhandan
Ý kiến ()