Thứ 4, 27/11/2024 01:42 [(GMT +7)]
Bước phát triển mới ở Viện Chiến lược Quân sự
Thứ 3, 05/01/2010 | 00:10:00 [(GMT +7)] A A
Với tinh thần “Trung thành, đoàn kết, trí tuệ và đổi mới”, hai mươi năm qua, Viện Chiến lược Quân sự (Bộ Quốc phòng) đã có bước phát triển mới. Những hình ảnh về sự đức độ, mẫn cán, tài trí của lớp cán bộ đi trước đang được noi theo; những bài học kinh nghiệm trong nghiên cứu chiến lược đang được truyền thụ vận dụng; những truyền thống tốt đẹp của Viện được gìn giữ và phát huy, luôn xứng đáng sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự T.Ư, Bộ Quốc phòng và các đơn vị trong toàn quân.
Xác định xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là khâu quyết định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược và phát triển đơn vị, lãnh đạo, chỉ huy Viện Chiến lược Quân sự từng bước đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, cán bộ có chức danh khoa học và trình độ trên đại học là 41 người, gồm: 13 Giáo sư và Phó Giáo sư, 16 Tiến sĩ khoa học, 12 Thạc sĩ thuộc các chuyên ngành khoa học quân sự khác nhau. Số cán bộ đang công tác tại Viện hầu hết được đào tạo cơ bản tại các học viện, nhà trường trong và ngoài nước, đã qua các cương vị lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở đơn vị, nhà trường, cơ quan của Bộ Quốc phòng.
Với tinh thần lao động khoa học nghiêm túc, tận tụy của đội ngũ cán bộ, Viện Chiến lược Quân sự đã hoàn thành hàng trăm nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược. Trong đó nổi bật là đầu tư nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự; nghiên cứu các cuộc chiến tranh khu vực, chiến tranh kiểu mới và đối sách của ta; nghiên cứu về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, những luận điểm về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, dự báo các hình thái chiến tranh, các vấn đề về biển, đảo, biên giới, kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh, những giải pháp bảo đảm quốc phòng-an ninh khi Việt Nam gia nhập WTO, chiến tranh vũ khí công nghệ cao… Quá trình nghiên cứu, Viện coi trọng công tác dự báo chiến lược, xây dựng các phương án và đề xuất các giải pháp chiến lược, phục vụ kịp thời lãnh đạo, chỉ huy Bộ Quốc phòng làm tham mưu cho Đảng và Nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở những thời điểm quan trọng. Đó cũng là quá trình phát triển nhiệm vụ nghiên cứu chiến lược, đổi mới tư duy chiến lược theo hướng bám sát thực tiễn, phục vụ kịp thời yêu cầu thực tiễn, khái quát thực tiễn để hình thành lý luận về nghiên cứu chiến lược, nhất là phát triển tư duy và đặc trưng cơ bản của tư duy chiến lược, tư duy quân sự, tư duy quốc phòng, tư duy chiến thuật, chiến dịch và chiến lược.
Viện chủ động đề xuất và tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học, đã nghiên cứu thành công 22 đề tài khoa học cấp Nhà nước và cấp Bộ Quốc phòng. Những đề tài khoa học khẩn trương được triển khai nghiên cứu, như: “Đối tượng – Đồng minh”, “Đường lối quân sự”, “Chiến lược quốc phòng”… Tháng 9-1991, Viện được giao là cơ quan chủ trì Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước mã số KX09 “Những luận cứ khoa học về chiến lược quốc phòng – an ninh trong giai đoạn mới” và Viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; kết quả nghiệm thu được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước đánh giá: “Chương trình đã có tác dụng thiết thực cho việc chuẩn bị Nghị quyết Đại hội Đảng khóa VIII, góp phần tích cực vào việc đổi mới tư duy về quốc phòng – an ninh trong tình hình mới”. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Viện đề xuất Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước mã số KH-XH-07 “Những vấn đề Chiến lược của bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước”. Chương trình nghiên cứu thành công đã góp phần bổ sung và hoàn thiện nội dung của Chiến lược quân sự và Chiến lược quốc phòng, xây dựng luận cứ khoa học cho các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước ta trình Đại hội Đảng khóa IX. Tiếp đó, Viện được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu và đã hoàn thành xuất sắc các đề tài khoa học: “Học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, “Chính sách phòng thủ quốc gia”… Các hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện tập trung chủ yếu vào giải quyết những vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, hoạt động của lực lượng vũ trang và nghệ thuật tác chiến trong các điều kiện tác chiến mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; trọng tâm là nghiên cứu về chiến tranh kiểu mới, chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Những năm gần đây, các đề tài khoa học đi sâu vào nghiên cứu xoay quanh chủ đề phòng thủ biển, đảo, các loại hình tác chiến chiến lược, nhất là tác chiến phòng thủ, tác chiến thời kỳ đầu chiến tranh và xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng. Các đề tài khoa học Viện chủ trì nghiên cứu được triển khai chặt chẽ, nghiêm túc và đạt chất lượng, hiệu quả, phát huy tốt trí tuệ tập thể, nhiều đề tài nghiệm thu đạt xuất sắc, phần lớn các đề tài sau khi nghiệm thu đã kịp thời phục vụ cho nghiên cứu chiến lược, làm cơ sở cho biên soạn hệ thống tài liệu huấn luyện trong toàn quân và phục vụ công tác giáo dục quốc phòng.
Viện Chiến lược quân sự đã cùng các cơ quan của Bộ Quốc phòng tham gia tích cực xây dựng Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, nhất là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, nội dung chủ yếu là đánh giá, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước liên quan đến quốc phòng-an ninh của Việt Nam, dự báo các tình huống quốc phòng, đề xuất nội dung và giải pháp về quốc phòng. Đặc biệt, năm 2002, Viện được giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Nghị quyết T.Ư 8 (khóa IX) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; tiếp đó năm 2008, Viện được giao chủ trì chuẩn bị Báo cáo cho Bộ Chính trị kiểm điểm năm năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 8 (khóa IX) gắn với nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới, kết quả thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị, trực tiếp là Chủ tịch nước đánh giá tốt. Tham gia xây dựng nghị quyết về Chiến lược Biển Việt Nam; chủ trì nghiên cứu tổng kết (phần về quốc phòng) trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2001 – 2010) và nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (2011 – 2020) để phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; tham gia tổng kết, bổ sung phát triển Cương lĩnh 91. Những đóng góp của Viện vào xây dựng các Văn kiện của Đảng được lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các Hội nghị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao.
Thực hiện đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ quốc tế của Đảng trong thời kỳ mới, Viện Chiến lược Quân sự đã được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng bổ sung thêm nhiệm vụ tham gia công tác đối ngoại quân sự trên một số lĩnh vực. Từ năm 1996 đến nay, Viện được Bộ trưởng Quốc phòng giao nhiệm vụ chủ trì thành lập Nhóm trung tâm nghiên cứu biên soạn “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam” nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế về chính sách quốc phòng của nước ta. Đến nay, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam đã ba lần xuất bản và công bố, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá tốt, gây được cảm tình của bè bạn quốc tế đối với chính sách yêu chuộng hòa bình của Việt Nam. Đã soạn thảo và tham gia ý kiến vào hàng trăm Văn bản phục vụ công tác đối ngoại của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, các cơ quan của Đảng và Nhà nước; tham gia nhiều đoàn ngoại giao đi công tác nước ngoài và đón nhiều đoàn nước ngoài đến thăm Việt Nam theo phân công của Bộ Quốc phòng. Viện đã quan hệ trao đổi khoa học với Quân đội nhiều nước trên thế giới. Các hoạt động này đã giúp cho nhiệm vụ nghiên cứu, phân tích chiến lược của Viện được mở rộng, chất lượng ngày càng được nâng cao, đồng thời, góp phần làm cho bạn bè các nước hiểu rõ hơn quan điểm, đường lối, chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta, xây dựng lòng tin, củng cố quan hệ hữu nghị giữa quân đội ta với quân đội các nước. Giúp bạn là giúp mình, Viện đã cử nhiều đoàn cán bộ sang Lào cùng bạn nghiên cứu xây dựng Chiến lược Quân sự, Chiến lược Quốc phòng của Lào theo Hiệp ước hợp tác quân sự giữa hai nước…
Với quan điểm “Nghiên cứu chiến lược phải bám sát tình hình thực tế, đi từ thực tế, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, những năm qua, Viện chú trọng mở rộng quan hệ với các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong cả nước, thường xuyên quan hệ chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu; đã nhận sự giúp đỡ to lớn từ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo cao học, nghiên cứu sinh và bồi dưỡng giáo dục kiến thức quốc phòng. Qua nghiên cứu thực tế, đã tranh thủ được nhiều ý kiến thật sự có giá trị của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, khai thác được nhiều kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn, tận dụng được trí tuệ tập thể, gắn nghiên cứu với thực tiễn. Vì vậy, công tác nghiên cứu chiến lược bảo đảm tính toàn diện, lý luận sâu sắc, thực tiễn phong phú, có cơ sở khoa học, cập nhật và dự báo tương đối tốt, có tính khả thi cao.
Nắm vững tính đặc thù cơ quan làm nhiệm vụ chủ yếu là nghiên cứu, với đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo chỉ huy và nhiều năm công tác trong quân đội, tuổi đời và tuổi quân đều cao, Đảng ủy, Chỉ huy Viện luôn quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng. Thường xuyên chăm lo bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, chỉ huy, năng lực nghiên cứu, khả năng phân tích, đánh giá, dự báo và đề xuất các vấn đề chiến lược, những kinh nghiệm về công tác xây dựng đảng ở cơ quan chiến lược. Vì vậy, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tụy công tác. Trong xây dựng Đảng, xây dựng đơn vị coi trọng và thực hiện tốt công tác chính sách, kịp thời động viên cán bộ, nhân viên và chiến sĩ trong cơ quan chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chăm lo xây dựng, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của các tổ chức quần chúng trong xây dựng Đảng và xây dựng đơn vị.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()