Bước nhảy vọt trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc sau 30 năm
Với việc nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện, ASEAN và Trung Quốc càng có động lực mạnh mẽ hơn cho việc mở rộng hợp tác, nhất là về kinh tế và thương mại.
Sau 30 năm, quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã phát triển từ đối thoại lên đối tác chiến lược toàn diện, quy mô thương mại song phương cũng tăng hơn 80 lần.
Với việc nâng cấp quan hệ song phương, hai bên càng có động lực mạnh mẽ hơn cho việc mở rộng hợp tác, nhất là về kinh tế và thương mại.
Bước đi tạo sự tin cậy lẫn nhau về chính trị
Trung Quốc-ASEAN khởi động quan hệ đối thoại vào tháng 7/1997 với sự kiện Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kỳ Tham tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 24 tại Kuala Lumpur, Malaysia. 5 năm sau, Trung Quốc trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN.
Vào tháng 12 cùng năm, cuộc họp không chính thức đầu tiên của các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN được tổ chức tại Malaysia, thống nhất thiết lập quan hệ láng giềng hữu nghị và tin cậy lẫn nhau hướng tới thế kỷ 21.
Vào tháng 10/2003, hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN lần thứ 7 đã xác nhận việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược hướng tới hòa bình và thịnh vượng.
Cùng năm, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố gia nhập “Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á,” trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN tham gia “Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.”
Trung Quốc cũng là nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ Hiệp ước về Khu vực không vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á và là nước đầu tiên xác định thiết lập thương mại tự do với ASEAN.
Tại hội nghị trực tuyến cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc diễn ra ngày 22/11 vừa qua, cột mốc mới trong lịch sử quan hệ hai bên đã được xác lập khi các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã chính thức công bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc.
Hai bên cũng thống nhất về nội hàm, những định hướng thúc đẩy mối quan hệ này để tương xứng với tầm vóc chiến lược và toàn diện trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Trung Quốc-ASEAN sẽ tạo động lực mới cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực chúng ta cũng như toàn thế giới.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng chia sẻ nhận định rằng sau 30 năm, quan hệ hai bên đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và đây là một trong những mối quan hệ đối tác năng động nhất của ASEAN.
Thực tế cho thấy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt được những thành tựu tốt đẹp trong 30 năm qua. Cơ chế đối thoại và hợp tác ở các cấp đã được thiết lập, đặt nền tảng vững chắc cho sự tin tưởng về chiến lược giữa hai bên.
24 hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc và một số hội nghị cấp cao đặc biệt đã được tổ chức thành công, định hướng phát triển mối quan hệ giữa hai bên.
Hai bên cam kết có thiện chí và quan hệ láng giềng tốt đẹp, nêu gương vì một sự hợp tác thành công ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bước tiến lịch sử trong lĩnh vực kinh tế thương mại
Kinh tế thương mại có lẽ là lĩnh vực ghi nhận nhiều cột mốc nhất trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc.
Năm 1991, khi Trung Quốc và ASEAN thiết lập quan hệ đối thoại, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 7,96 tỷ USD.
Tháng 1/2010, khi hai bên xây dựng xong Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN, kim ngạch thương mại song phương đã tăng 37 lần với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20% và đạt 292,78 tỷ USD.
Năm 2019, hai bên đã nâng cấp Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN. Số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy mức thuế bằng 0 đã bao trùm hơn 90% các mặt hàng chịu thuế của cả hai bên.
Năm 2020, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 684,6 tỷ USD, tức là đã tăng 85 lần trong vòng 30 năm qua. Từ tháng 1-10/2021, kim ngạch thương mại Trung Quốc-ASEAN đạt 703,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ, dự kiến sẽ lại đạt dấu mốc lịch sử mới.
Hiện nay, những sản phẩm mang tính nhận diện của các nước ASEAN như cà phê trắng của Malaysia, xoài sấy của Thái Lan, thanh long của Việt Nam… đã không còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng Trung Quốc và ngày càng dễ dàng đến với người tiêu dùng Trung Quốc thông qua các nền tảng mua sắm trực tuyến.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, có gần 1.500 nông sản và thực phẩm từ 10 nước ASEAN có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2020, ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, còn Trung Quốc cũng tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN năm thứ 12 liên tiếp.
Dự kiến cùng với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), ASEAN và Trung Quốc có thể tối ưu hóa hơn nữa lợi thế nguồn lực và thị trường, thông qua hội nhập sâu rộng với các nước thành viên RCEP khác.
Khi RCEP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022, đây sẽ là một điểm khởi đầu rất tốt để Trung Quốc và ASEAN tăng tốc hợp tác kinh tế và thương mại trong tương lai.
Đánh giá về quan hệ Trung Quốc-ASEAN 30 năm qua, nghiên cứu viên Hứa Lợi Bình thuộc Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu Trung Quốc cho biết kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược 18 năm đã trôi qua. 10 năm đầu (2003-2013) đã được cộng đồng quốc tế gọi là “thập kỷ vàng.” Hai bên đã thiết lập được “con đập vững chắc” cho mối quan hệ tin cậy lẫn nhau về chính trị, cùng có lợi về kinh tế và láng giềng hữu nghị tốt đẹp.
10 năm sau đó là “thập kỷ kim cương.” Lĩnh vực hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN không ngừng đi sâu, chất lượng hợp tác không ngừng nâng cao, phạm vi hợp tác không ngừng mở rộng. Việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện sẽ giúp Trung Quốc và ASEAN mở rộng hợp tác khu vực và thúc đẩy hợp tác toàn diện ở trong nhiều lĩnh vực khác nhau./.
Ý kiến ()