Bước ngoặt lịch sử hướng tới hòa bình cho Cô-lôm-bi-a
Với tuyên bố chính thức ấn định thời điểm ký thỏa thuận hòa bình toàn diện và vĩnh viễn vào cuối tháng 9 tới, Chính phủ Cô-lôm-bi-a và Lực lượng vũ trang cách mạng Cô-lôm-bi-a (FARC), bằng những nỗ lực từ cả hai phía trong suốt gần bốn năm đàm phán, đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đối đầu vũ trang kéo dài hơn 50 năm qua tại Cô-lôm-bi-a. Đây là bước ngoặt lịch sử, song cũng mới chỉ là bước khởi đầu trong hành trình mang lại hòa bình trọn vẹn cho quốc gia Nam Mỹ này.
Ngày 29-8 vừa qua đánh dấu tuyên bố ngừng bắn giữa lực lượng quân đội Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC chính thức có hiệu lực. Trong chỉ thị của mình, Tổng thống Cô-lôm-bi-a M.Xan-tốt yêu cầu quân đội nước này thực thi lệnh ngừng bắn dứt khoát với FARC, bắt đầu từ 12 giờ đêm 29-8 (giờ địa phương). Đáp lại, lãnh đạo FARC T.Hi-mê-nết chỉ đạo các chỉ huy và tay súng của nhóm vũ trang du kích này ngừng bắn hoàn toàn, cũng như chấm dứt các hành động đối địch nhằm vào Chính phủ Cô-lôm-bi-a. Các động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận hòa bình cuối cùng, toàn diện và vĩnh viễn được hai phái đoàn đàm phán của Chính phủ Cô-lôm-bi-a và FARC ký kết tại thủ đô La Ha-ba-na của Cu-ba trước đó dưới sự chứng kiến của đại diện hai nước bảo trợ là Cu-ba và Na Uy cùng các bên quan sát. Dư luận quốc tế nhận định, đây là một cái kết thành công và được thế giới mong đợi từ lâu, đóng lại hồ sơ đàm phán ròng rã gần bốn năm với nhiều thăng trầm, có thời điểm tưởng chừng đổ vỡ giữa hai bên. Thỏa thuận này cũng đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến kéo dài 52 năm tại Cô-lôm-bi-a, đồng thời là cuộc xung đột vũ trang dai dẳng nhất ở khu vực Nam Mỹ, cướp đi sinh mạng của khoảng 260 nghìn người và khiến hơn sáu triệu người dân Cô-lôm-bi-a phải rời bỏ nhà cửa, cũng như làm rào cản khiến nền kinh tế nước này chưa thể phát triển mạnh mẽ.
Thỏa thuận hòa bình lịch sử mà hai bên vừa đạt được bao gồm sáu điểm, trong đó quy định về phát triển nông thôn, sự tham gia vào chính trường Cô-lôm-bi-a của FARC, cuộc chiến chống ma túy, xét xử tội phạm chiến tranh, vấn đề bồi thường cho các nạn nhân và lộ trình giải giáp vũ khí, tái hòa nhập quân du kích vào đời sống dân sự, kinh tế – xã hội ở Cô-lôm-bi-a. Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cô-lôm-bi-a U.Ca-giê nhấn mạnh, đây là thỏa thuận tốt nhất và khả thi nhất có thể đạt được với FARC, dù thừa nhận các bên và người dân của quốc gia Nam Mỹ này có thể kỳ vọng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, mục đích của tiến trình hòa đàm đã được hoàn thành, đó là chấm dứt xung đột vũ trang thông qua đối thoại.
Cộng đồng quốc tế, nhất là các nước khu vực Mỹ la-tinh chúc mừng và hoan nghênh thỏa thuận hòa bình, nhấn mạnh nền hòa bình lâu dài ở Cô-lôm-bi-a sẽ đóng góp cho sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun tiếp tục hối thúc các bên liên quan nỗ lực thực thi thỏa thuận, đồng thời kêu gọi quốc tế hỗ trợ Cô-lôm-bi-a tái thiết đất nước sau chiến tranh. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) cùng cho rằng, thỏa thuận này là cơ hội “lịch sử và duy nhất” để người dân quốc gia Nam Mỹ hưởng hòa bình trong tương lai. Tại thủ đô Bô-gô-ta và nhiều địa phương khác, người dân Cô-lôm-bi-a xuống đường ăn mừng lễ ký kết đã giúp khép lại hơn 50 năm của khổ đau và chết chóc, hướng tới thời kỳ mới của hy vọng, của những ý tưởng được bảo vệ bằng lý lẽ, chứ không phải bằng súng đạn.
Tuy cánh cửa đến với hòa bình đã mở, song thách thức vẫn đang chờ đợi người dân quốc gia Nam Mỹ này ở phía trước. Một cuộc trưng cầu ý dân dự kiến được tổ chức vào ngày 2-10 tới, với mục tiêu lấy số phiếu ủng hộ của ít nhất 13% số cử tri Cô-lôm-bi-a, tương đương 4,4 triệu người, để thỏa thuận hòa bình được thông qua rộng rãi. Tổng thống M.Xan-tốt cho rằng, cuộc trưng cầu ý dân này quan trọng hơn bất kỳ cuộc tổng tuyển cử nào, bởi trong trường hợp Chính phủ không vận động đủ số cử tri nêu trên thông qua thỏa thuận hòa bình, đồng nghĩa công sức và những nỗ lực hàn gắn nội bộ suốt nhiều năm qua sẽ đổ sông, đổ bể.
Bên cạnh đó, một trong những nội dung của bản thỏa thuận được người dân Cô-lôm-bi-a quan tâm, là quá trình FARC tham gia chính trường và cách thức tái hòa nhập cộng đồng cho gần 7.000 cựu tay súng du kích, khi thỏa thuận hòa bình chính thức có hiệu lực. Bởi theo các chuyên gia, dù đông đảo người dân Cô-lôm-bi-a có xu hướng bỏ phiếu thông qua bản thỏa thuận hòa bình, song vẫn tồn tại những luồng ý kiến không khoan hồng những vụ bắt cóc và thảm sát dân thường mà các tay súng FARC từng gây ra trong thời gian xung đột. Nếu người dân đồng ý thỏa thuận nêu trên, xung đột vũ trang với FARC sẽ chấm dứt, nhưng Bô-gô-ta vẫn phải tiếp tục thương lượng để khởi động hòa đàm với Quân đội giải phóng quốc gia Cô-lôm-bi-a (ELN), nhóm vũ trang lớn thứ hai ở nước này sau FARC. Và dù kịch bản nào xảy ra, vận mệnh đất nước Cô-lôm-bi-a cũng đều nằm trong tay người dân nước này tại cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào đầu tháng 10 tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()