Bước ngoặt lịch sử của ASEAN
Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 27 và một loạt các HNCC liên quan được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Cu-a-la Lăm-pơ (KLCC), nằm ngay trung tâm sầm uất của thủ đô, gần tòa Tháp đôi Petronas nổi tiếng của “Xứ sở cọ dầu” Ma-lai-xi-a. Trước những diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trên thế giới vừa qua, nước chủ nhà đã phải tăng cường an ninh ở mức cao nhất so với các kỳ HNCC trước đây với việc huy động lực lượng binh sĩ quân đội và cảnh sát hùng hậu, cùng nhiều phương tiện, thiết bị tham gia bảo vệ an toàn. Dọc các tuyến phố từ các khách sạn-nơi nghỉ của các đoàn, đến KLCC đều có nhân viên an ninh, binh sĩ cắm chốt.
Các phương tiện truyền thông Ma-lai-xi-a những ngày này đều đăng tải nổi bật các bài viết, phóng sự về hình thành Cộng đồng ASEAN. Theo đó, hiện nay, ASEAN đã đạt tổng mức GDP gần 2.600 tỷ USD, không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại. Theo tính toán, tỷ lệ tăng trưởng GDP của ASEAN sẽ đạt 7,1% vào năm 2025 so với 4,6% năm 2014; tạo thêm 14 triệu việc làm trong mười năm tới…
So với HNCC ASEAN lần thứ 26 đối nội đầu năm nay, tại kỳ cuối năm có tính chất đối ngoại này, HNCC ASEAN 27 có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử của ASEAN với quyết định của các nhà lãnh đạo ASEAN về hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015 và thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025 làm cơ sở và khuôn khổ cho liên kết ASEAN trong 10 năm tới. Các nhà lãnh đạo ASEAN còn có cuộc “ma-ra-tông ngoại giao” quan trọng như HNCC Đông Á (EAS) lần thứ 10, HNCC với các nước đối thoại và LHQ. Các hội nghị đều kéo dài so lịch trình bởi có nhiều nội dung quan trọng, thiết thực được thảo luận sôi nổi.
Tại phiên khai mạc HNCC ASEAN 27, Thủ tướng Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc đánh giá: Đây là thời khắc lịch sử của ASEAN và Hiệp hội sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong thế kỷ 21-Thế kỷ châu Á, cũng như tăng cường kết nối với tất cả các đối tác trên khắp các châu lục để tạo nên hòa bình, thịnh vượng. Các nước thành viên đã vượt qua các rào cản và khác biệt, cùng chung tay xây dựng một Cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”. Thành công đó có được trên cơ sở quyết tâm chính trị của các nước thành viên, chia sẻ tầm nhìn chung, các giá trị, chuẩn mực và lợi ích chung. Tại Phiên họp toàn thể HNCC ASEAN 27, trước đông đảo các nhà lãnh đạo, nguyên thủ khu vực, nhấn mạnh việc hình thành Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa lịch sử, thể hiện nhận thức chung và quyết tâm của các quốc gia thành viên ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh một số ưu tiên và trọng tâm của ASEAN, bao gồm có biện pháp và nguồn lực thích đáng triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể trên từng trụ cột, tăng cường đoàn kết, thống nhất lập trường chung, nâng cao năng lực, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nhất là xử lý những thách thức lớn đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực cũng như trong quan hệ với các đối tác đối thoại, tiếp tục dành ưu tiên cao cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Thông điệp này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá cao.
Điểm nhấn quan trọng nhất, được chờ đón nhất trong kỳ HNCC lần này chính là lễ ký Tuyên bố Cu-a-la Lăm-pơ về Hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và Tuyên bố Cu-a-la Lăm-pơ về Tầm nhìn ASEAN 2025 với sự chứng kiến của các nước đối thoại và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo lần lượt ký vào hai bản tuyên bố lịch sử và Thủ tướng Ma-lai-xi-a với tư cách là chủ nhà đã đại diện trao hai văn kiện này cho Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Sau đó, các nhà lãnh đạo đã cùng nhau thực hiện nghi thức gõ trống, báo hiệu thời khắc quan trọng đối với ASEAN. Trong hai ngày diễn ra các HNCC, hình ảnh lịch sử của ngày thành lập ASEAN (8-8-1967) tại Băng-cốc (Thái-lan) luôn được chiếu trên màn hình của các hội nghị, như thể kết nối hai dấu mốc lịch sử của Đông-Nam Á. Các nhà lãnh đạo tin tưởng mạnh mẽ rằng, sự hình thành của Cộng đồng ASEAN tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, bảo đảm hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng gắn kết và có bản sắc.
Tại các HNCC lần này, chủ đề an ninh khu vực cũng được các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác thảo luận sôi nổi, đưa vào chương trình nghị sự. Tại HNCC ASEAN 27, các nhà lãnh đạo ASEAN chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), kêu gọi các bên kiềm chế và không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng; nhất trí cần phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề này. Nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nêu rõ, một trong những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất đối với khu vực ASEAN hiện nay là những diễn biến ngày càng phức tạp ở Biển Đông. Do đó, việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN cũng như các nước trong và ngoài khu vực; thể hiện uy tín và vai trò trung tâm của ASEAN. Còn tại HNCC Đông Á lần thứ 10, trước đông đảo các nhà lãnh đạo Đông Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật, hòa bình và an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương và Đông-Nam Á luôn gắn với bảo đảm hòa bình và ổn định trên biển, nhất là ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, Việt Nam luôn chủ trương làm hết sức mình cùng các nước đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác vì phát triển; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình…
Bên cạnh việc tham gia các HNCC rất thành công với lịch trình dày đặc, cường độ cao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn có các cuộc tiếp xúc song phương quan trọng, đặc biệt là các cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma, Thủ tướng Nga Đ.Mét-vê-đép, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a M.Tơn-bun… Tại các cuộc gặp này, các nhà lãnh đạo đều bày tỏ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế; mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại và đầu tư; đồng thời ủng hộ và nhất trí với quan điểm của Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có buổi tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Đại sứ M.Phrô-men. Thủ tướng khẳng định sự tin tưởng mạnh mẽ khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, chắc chắn kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ có bước nhảy vọt, tăng trưởng mạnh mẽ, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Về phần mình, ông M.Phrô-men bày tỏ Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để hỗ trợ Việt Nam tận dụng được các cơ hội ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 27 và các HNCC liên quan đã thành công tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp tích cực của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, qua đó càng khẳng định Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động, có trách nhiệm với vị thế và vai trò quan trọng trong Cộng đồng ASEAN cũng như trên các diễn đàn quốc tế. Với sự kiện lịch sử lần này, Việt Nam và các nước thành viên nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Theo Nhandan.org.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()