Bước đột phá về thâm canh lúa ở Phú Yên
Tham quan mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao tại HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa. Những năm qua, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa của Phú Yên đã đạt trung bình hơn 15 tấn/ha/năm, cá biệt có nhiều mô hình sản xuất thâm canh lúa đạt 16 đến 24 Tấn/ha/năm. Hiện Phú Yên đang tập trung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng cây lúa.Thay đổi tập quán người trồng lúa Sạ hàng, sạ thưa, đưa các giống lúa mới vào áp dụng trên đồng ruộng được xem là tiền đề cho các biện pháp thâm canh cây lúa ở Phú Yên. Biện pháp này được thực hiện ở Phú Yên từ hơn 10 năm trước và hiện nay đã được phổ biến rộng rãi trong toàn vùng. Từ tập quán sạ lan, mật độ dày đến nay, nông dân Phú Yên đã chuyển hẳn sang việc sạ hàng, sạ thưa hợp lý. Với mật độ sạ từ 80 kg đến 100 kg giống/ha (giảm khoảng...
Tham quan mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao tại HTX Nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa. |
Thay đổi tập quán người trồng lúa
Sạ hàng, sạ thưa, đưa các giống lúa mới vào áp dụng trên đồng ruộng được xem là tiền đề cho các biện pháp thâm canh cây lúa ở Phú Yên. Biện pháp này được thực hiện ở Phú Yên từ hơn 10 năm trước và hiện nay đã được phổ biến rộng rãi trong toàn vùng. Từ tập quán sạ lan, mật độ dày đến nay, nông dân Phú Yên đã chuyển hẳn sang việc sạ hàng, sạ thưa hợp lý. Với mật độ sạ từ 80 kg đến 100 kg giống/ha (giảm khoảng 100 kg đến 120 kg/ha so với sạ dày), đã cho năng suất lúa bình quân ở Phú Yên từ dưới 6,5 tấn/ha/vụ, lên đến 7 tấn/ha/vụ. Đáng chú ý, sạ lúa theo hàng là tiền đề để ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa ở các công đoạn tiếp theo, như sử dụng máy phun thuốc, sử dụng máy sục bùn, bón phân dúi gốc, máy gạt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp… Không chỉ làm chuyển biến nhận thức và thay đổi tập quán sản xuất trong nông dân, chương trình sạ lúa theo hàng kết hợp với dự án sản xuất lúa giống nông hộ đã giúp các HTX nông nghiệp ở Phú Yên làm dịch vụ sản xuất lúa giống, làm vệ tinh cung cấp lúa giống xác nhận cho các đơn vị sản xuất lúa giống trong và ngoài tỉnh.
Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam (HTX NN KDTH Hòa Quang Nam) huyện Phú Hòa có 879 ha lúa, trong đó có 819 ha trồng lúa hai vụ. Đã có 500 ha diện tích áp dụng biện pháp sạ hàng, còn lại dùng biện pháp sạ thưa hợp lý. Nếu như trước kia, bà con sử dụng từ 12 kg đến 14 kg lúa giống/sào, thì nay chỉ gieo 6 kg đến 10 kg giống/sào. Nhờ kết hợp các biện pháp thâm canh khác, đã đưa năng suất lúa của HTX từ khoảng 6,5 tấn/ha lên đến bình quân 7 tấn/ha/vụ, tức 14 tấn/ha/năm. Mỗi năm một ha sản xuất lúa ở HTX NN KDTH Hòa Quang Nam có thể thu nhập khoảng 98 triệu đồng. Chủ nhiệm HTX NN KDTH Hòa Quang Nam Lê Văn Bình cho biết, ban đầu, khi vận động chuyển đổi tập quán từ sạ dày, sạ lan sang biện pháp sạ theo hàng, với mật độ thưa, bà con phản đối, nhưng nay ai “cũng mê” vì hạn chế được sâu bệnh phá hoại, công đầu tư chăm sóc ít. Điều quan trọng là giảm lượng lúa giống nhưng năng suất cao hơn. Ông Nguyễn Minh Sinh, ở đội 14 HTX NN KDTH Hòa Quang Nam có sáu sào đất lúa, nhờ biện pháp sạ hàng, kết hợp sản xuất giống nông hộ, mỗi vụ ông thu được 2,1 tấn lúa giống. Với giá lúa giống trung bình ở vụ hè thu này là 10.500 đồng/kg, ông có thu nhập 22 triệu đồng, trừ chi phí, ông Sinh lãi khoảng 15 triệu đồng.
Phú Hòa là một huyện thuần nông của Phú Yên, được xem là địa phương dẫn đầu trong việc áp dụng các biện pháp thâm canh cây lúa. Mô hình “Cánh đồng chỉ sản xuất hai vụ lúa chính đạt năng suất 16 tấn/ha/năm trở lên hoặc tăng thêm thu nhập sáu triệu đồng/ha/năm” đã thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cao và làm thay đổi tập quán trước đây của người trồng lúa. Với tổng diện tích đất hai vụ lúa 5.518 ha, trước đây bà con có tập quán sản xuất ba vụ lúa trong năm; trong đó ngoài hai vụ lúa chính trong năm là đông xuân và hè thu, còn có thêm vụ lúa thứ ba gọi là lúa vụ 10 (thu hoạch vào tháng 10 âm lịch). Từ năm 2008 trở về trước, năng suất lúa bình quân của huyện ở hai vụ lúa chính chỉ đạt 6,5 tấn/ha; riêng vụ 10 năng suất rất bấp bênh, bình quân 2,6 tấn/ha; tổng cộng bình quân cả ba vụ lúa trong năm trước đây chỉ đạt 15,6 tấn/ha. Việc sản xuất ba vụ lúa trong năm đã làm cho đồng ruộng luôn ở môi trường yếm khí, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, gây hại cho vụ mùa tiếp theo. Từ những hạn chế đó, Phòng NN và PTNT huyện Phú Hòa đã xây dựng mô hình “Cánh đồng chỉ sản xuất hai vụ lúa chính đạt năng suất 16 tấn/ha/năm trở lên hoặc tăng thêm thu nhập sáu triệu đồng/ha/năm”. Từ việc làm thí điểm ở bảy HTX nông nghiệp trong huyện, đến nay, huyện Phú Hòa đã nhân rộng mô hình đến 12 trong số 13 HTX trong huyện.
Trưởng phòng NN và PTNT huyện Phú Hòa Lương Công Dũng cho biết, ngoài một số xã lâu nay năng suất lúa đạt cao như xã Hòa Trị, Hòa Thắng, Hòa Quang, riêng năm nay, tại xã miền núi Hòa Hội, năng suất vượt trội lên đến 16 tấn/ha/năm. Cũng tại địa phương này, một số cánh đồng xây dựng lúa mô hình chuyển đổi chỉ sản xuất hai vụ lúa chính/năm, kế hoạch ban đầu đề ra đạt năng suất 16 tấn/ha/năm, thì năng suất lúa đã đạt gần 17 tấn/ha/năm. Đặc biệt, người trồng lúa đã mạnh dạn đầu tư, đưa những giống lúa mới chất lượng cao thay lúa thịt, góp phần tăng thêm thu nhập sáu triệu đồng/ha/năm.
Giải pháp sử dụng lúa giống
Để có năng suất lúa cao, ngành nông nghiệp Phú Yên luôn chú trọng công tác khảo nghiệm, chọn lọc giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với đặc tính nông học phù hợp trên từng cánh đồng thay thế dần bộ giống đã bị thoái hóa. Giải pháp này giúp nông dân thay thế các loại giống lúa ngắn ngày đã thoái hóa bằng giống lúa mới cấp xác nhận, đồng thời áp dụng các biện pháp thâm canh chăm sóc lúa theo tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng thu nhập. Với các loại giống cấp xác nhận, kết quả lợi nhuận tăng gần 4,5 triệu đồng/ha so với diện tích sản xuất lúa đại trà; nhiều địa phương như Hòa Quang, Hòa Trị, huyện Phú Hòa; phường 5, Hòa Kiến, TP Tuy Hòa; Hòa Bình, Hòa Phong, Hòa Thành huyện Tây Hòa năng suất đạt hơn 18,4 tấn/ha/năm.
Đối với việc sản xuất lúa giống, tỉnh Phú Yên hiện có hai trại sản xuất là Hòa An và Hòa Đồng, mỗi vụ sản xuất, bố trí khảo nghiệm hơn 40 giống lúa nước; khảo nghiệm nhiều bộ giống lúa cạn để thay thế một phần giống lúa cạn địa phương tại các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Công tác chọn lọc, phục tráng các giống lúa có tiềm năng, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, nhằm bảo tồn và duy trì các giống tốt; bố trí diện tích phù hợp cho sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng, cung cấp cho các đơn vị sản xuất giống lúa trong tỉnh.
Theo thống kê của Sở NN và PTNT tỉnh Phú Yên, từ năm 2000 đến nay, nhiều địa phương đã liên tục trồng khảo nghiệm nhiều giống lúa lai, qua đó đã tuyển được một số giống lúa có nhiều ưu điểm và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương, như: Nhị ưu 838, BIO 404, TH 3-3… Giám đốc Sở NN và PTNT Phú Yên Biện Minh Tâm cho biết: “Lúa lai có khả năng thích nghi rộng và chống chịu sâu bệnh tốt; năng suất cao hơn lúa thuần từ 15% đến 30%, thâm canh tốt có thể đạt tám tấn đến 12 tấn/ha”. Một số HTX nông nghiệp đã và đang có chính sách hỗ trợ kinh phí để xã viên sản xuất lúa chất lượng cao. Trong đó, huyện Phú Hòa đã có hơn 100 ha chuyên sản xuất giống do hộ nông dân thực hiện để chủ động nguồn lúa giống tại chỗ và thay thế những loại giống đã bị thoái hóa.
Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đang vận động nông dân sử dụng các loại giống lúa mới và lúa lai cho năng suất, giá trị kinh tế cao để thay thế các loại giống đã thoái hóa; xem đây là một trong những giải pháp tạo được những cánh đồng lúa thu nhập cao. Mỗi năm tỉnh Phú Yên đã mở các chương trình, tập huấn đào tạo cho hơn 2.500 nông dân tự sản xuất giống lúa (chiếm 1% số hộ nông dân sản xuất lúa trên toàn tỉnh); hỗ trợ thành lập tám câu lạc bộ sản xuất giống, có năng lực sản xuất 300 tấn lúa giống cấp xác nhận hoặc tương đương. Do đó, năng lực sản xuất và cung ứng giống lúa cấp xác nhận tại tỉnh Phú Yên tăng từ 200 tấn năm 2005, lên 800 tấn năm 2011, 1.200 tấn năm 2012.
Dẫn đầu toàn tỉnh về việc sản xuất, sử dụng giống lúa xác nhận, giống lúa nguyên chủng là HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp, huyện Tuy An. Nằm ở miền núi, tỷ lệ diện tích đất sản xuất lúa thấp, nhưng nhờ chủ động nguồn nước tưới, HTX đã mạnh dạn đầu tư sản xuất lúa giống đạt hiệu quả. Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp Trần Tấn Khoa cho biết, toàn HTX có 150 ha lúa hai vụ, mỗi vụ dành ít nhất 50 ha sản xuất giống. Riêng HTX nhận đơn đặt hàng thường xuyên của Trung tâm giống cây trồng Phú Yên và một vài đơn vị khác, tùy theo đơn đặt hàng có vụ sản xuất 70 ha lúa giống. Việc sản xuất lúa giống đã trở thành nghề chính của 250 xã viên HTX, mỗi vụ HTX sản xuất cung ứng ra thị trường 250 tấn lúa giống xác nhận. 100% số diện tích áp dụng sạ hàng, sạ thưa và sử dụng giống lúa nguyên chủng. Nhờ áp dụng tiến bộ này, năng suất lúa của HTX Nam An Nghiệp tăng hơn 10 tạ/ha so với cách đây năm năm, lợi nhuận đem lại cho bà con xã viên cũng tăng gấp hai lần – Chủ nhiệm HTX Trần Tấn Khoa nói.
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT), Phú Yên là một trong những tỉnh có diện tích lúa khá lớn ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, nông dân Phú Yên cũng đã đạt đến trình độ thâm canh khá cao. Chính nhờ việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ sạ hàng, sạ thưa trên đồng ruộng, đến việc chọn giống mới chất lượng cao, sản xuất hai vụ lúa chính trong năm…, đã giải quyết được hàng loạt vấn đề về chi phí cho sản xuất và môi trường sinh thái trên đồng ruộng. Điều quan trọng hơn là giúp thay đổi tập quán sản xuất vốn tồn tại từ lâu đời trong nông dân, điều mà trước đây không dễ gì làm được.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ 15, xác định tiếp tục ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đẩy mạnh thâm canh cây trồng, vật nuôi. Thực hiện tốt chiến lược bảo đảm an ninh lương thực, ổn định cơ bản quỹ đất trồng lúa hai vụ, bảo đảm sản lượng lúa đạt hơn 320 nghìn tấn/năm. Để đáp ứng mục tiêu, định hướng đó, tỉnh Phú Yên đã có tờ trình trình Chính phủ đề nghị mở rộng quy mô của dự án khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hòa Quang, huyện Phú Hòa từ 460 ha lên 1.000 ha và đã được Chính phủ đồng ý chỉ đạo Bộ NN và PTNT đưa Khu nông nghiệp công nghệ cao Phú Yên vào quy hoạch tổng thể khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn quốc đến năm 2020. Đây là triển vọng mới để Phú Yên đầu tư phát triển các ứng dụng tiến bộ mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, cải thiện nhanh đời sống người dân vùng nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()