Bước đột phá về công tác kỹ thuật trong tình hình mới
Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW ngày 29-11-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới có ý nghĩa rất quan trọng, là bước đột phá về sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương đối với công tác kỹ thuật.
Sau khi Nghị quyết 382 được ban hành, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Quân ủy Trung ương đã cụ thể hóa 3 mục tiêu, 4 quan điểm và 8 nhiệm vụ chủ yếu trong nghị quyết để ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Trong nghị quyết đại hội nhiệm kỳ, nghị quyết hằng năm của các cấp ủy đã xác định rõ mục tiêu, nội dung, thời gian, biện pháp thực hiện.
Bảo dưỡng, sửa chữa tăng hạn các thiết bị lẻ trên trực thăng Mi-8 ở Quân chủng Phòng không-Không quân. Ảnh: TRUNG KIÊN |
Thường vụ Quân ủy Trung ương đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kỹ thuật; xây dựng 9 chương trình thực hiện Nghị quyết 382, hai dự án quy hoạch tổng thể cơ sở bảo đảm kỹ thuật (BĐKT), 7 đề án hoàn thiện lý luận về tổ chức và xây dựng ngành kỹ thuật, 22 kế hoạch dài hạn. Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ tổ chức lực lượng của các chuyên ngành kỹ thuật; nội dung phương thức quản lý sửa chữa ở cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; phương thức BĐKT cho TBKT, đặc biệt là BĐKT theo vòng đời cho TBKT mới, hiện đại.
Các đề tài khoa học quân sự cấp Bộ Quốc phòng về công tác kỹ thuật và các chương trình nghiên cứu lý luận tập trung vào những vấn đề: Hoàn thiện tổ chức ngành kỹ thuật Quân đội, đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; tổ chức BĐKT trong phòng tránh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; BĐKT tác chiến chiến lược trên các chiến trường, địa bàn chiến lược, chiến trường bị chia cắt; BĐKT tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; công tác BĐKT tác chiến phòng thủ biên giới; tác chiến phòng thủ biển, đảo; ứng dụng công nghệ thông tin trong BĐKT tác chiến chiến lược, chiến dịch, chiến thuật…
Cùng với đó, tổ chức đảng các cấp đã lãnh đạo tập trung bảo đảm đủ TBKT có chất lượng tốt, đồng bộ, vững chắc; giữ gìn và khai thác, sử dụng tốt TBKT trong quy hoạch, duy trì hệ số kỹ thuật của TBKT làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ). Ngành kỹ thuật toàn quân đã có nhiều giải pháp quyết liệt để bảo đảm kịp thời TBKT đủ số lượng, đúng chủng loại, đồng bộ, chất lượng tốt cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất với hệ số bảo đảm TBKT theo quy định; trọng tâm là các sư đoàn bộ binh đủ quân, các đơn vị làm nhiệm vụ A2, bảo vệ vùng trời, biên giới, biển, đảo… Chỉ đạo thực hiện tốt việc mua sắm, sản xuất TBKT, bảo đảm chất lượng, đồng bộ; triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp quốc phòng; nghiên cứu khai thác hết tính năng kỹ, chiến thuật, duy trì chất lượng của TBKT hiện đại mới mua sắm; từng bước tiếp cận, làm chủ TBKT thế hệ mới và thực hiện các chương trình, dự án cải tiến, hiện đại hóa TBKT.
Hằng năm, tổ chức bảo dưỡng, sửa chữa TBKT đều đạt và vượt từ 1 đến 5% kế hoạch đề ra. TBKT của các đơn vị SSCĐ luôn đủ, đồng bộ, có hệ số kỹ thuật bằng 1. Tỷ lệ đồng bộ các loại TBKT, đạn dược được nâng lên; các loại TBKT có yêu cầu nghiêm ngặt về niên hạn sử dụng được quản lý chặt chẽ, tăng hạn, tăng giờ sử dụng kịp thời để bảo đảm độ tin cậy và an toàn trong khai thác sử dụng; TBKT dự trữ được cất giữ bảo quản tốt, hạn chế xuống cấp, duy trì tiềm lực quốc phòng và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi cần thiết. Hệ thống kho tàng toàn quân từng bước được đầu tư, nâng cấp theo hướng chính quy, thống nhất. Hệ thống cơ sở sửa chữa TBKT toàn quân được quy hoạch theo quan điểm tập trung, hiệu quả, gắn sản xuất với sửa chữa, từng bước hình thành hệ thống cơ sở sửa chữa chính quy, thống nhất, tinh, gọn, mạnh. Hệ thống nhà máy, trạm xưởng tiếp tục được đầu tư chiều sâu công nghệ nhằm nâng cao năng lực sửa chữa TBKT, sản xuất vật tư, phụ tùng thay thế phục vụ cho BĐKT.
Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã tự chủ trong sản xuất đạn chống tăng. Ảnh: SƠN BÌNH |
Lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo; xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tích cực chấn chỉnh hệ thống các trường kỹ thuật, đổi mới công tác huấn luyện đào tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật. Chú trọng nâng cao chất lượng trong huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn; nghiên cứu xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù quân sự, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, lực lượng tàu ngầm…
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, môi trường, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bám sát nhu cầu thực tiễn hoạt động công tác kỹ thuật các cấp, trong đó tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào giải quyết các vấn đề lớn của ngành kỹ thuật: Bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất TBKT có trong biên chế; cải tiến, hiện đại hóa một số loại TBKT; khai thác, làm chủ TBKT mới, hiện đại. Đã triển khai thực hiện 887 đề tài, nhiệm vụ và các chương trình, đề án cấp Nhà nước và Bộ Quốc phòng, gần 7.000 đề tài cấp cơ sở và hơn 10.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật; trong đó, có trên 80% số đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đưa vào ứng dụng thực tiễn tại các đơn vị, phục vụ thiết thực cho công tác bảo đảm trang bị, BĐKT.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 382, một số bài học được rút ra, đó là: Phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp, thường xuyên làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác kỹ thuật. Việc xác định các mục tiêu công tác kỹ thuật phải được tính toán kỹ, trên cơ sở dự báo đúng tình hình và khả năng bảo đảm. Quá trình triển khai, thực hiện phải quyết liệt, kiên trì với mục tiêu đã xác định, có lộ trình và bước đi phù hợp, không nóng vội, chủ quan.
Cùng với đó, xây dựng đồng bộ các chương trình hành động, quy chế, quy định làm cơ sở trong tổ chức thực hiện; tích cực, chủ động củng cố, kiện toàn tổ chức biên chế hệ thống ngành kỹ thuật Quân đội; nghiên cứu đổi mới phương thức và cơ chế BĐKT phù hợp với phương thức tác chiến, sự phát triển của khoa học, công nghệ và TBKT mới. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, gắn công tác kỹ thuật với các cuộc vận động, phong trào thi đua; quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, nhất là số cán bộ, nhân viên đầu ngành, lành nghề để khai thác, làm chủ TBKT hiện đại. Huy động tối đa các nguồn lực phục vụ cho công tác kỹ thuật nhằm duy trì tiềm lực TBKT, bảo đảm đầy đủ, kịp thời TBKT tốt, đồng bộ cho nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện.
Để tạo ra bước đột phá mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo, góp phần nâng cao khả năng SSCĐ, sức mạnh chiến đấu của Quân đội, xây dựng Quân đội hiện đại, cần xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, lộ trình rõ ràng. Đặc biệt, đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác kỹ thuật, bảo đảm kịp thời, đầy đủ TBKT có chất lượng tốt, đồng bộ cho Quân đội, xây dựng ngành kỹ thuật vững mạnh, tinh, gọn, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Tập trung thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án BĐKT; tiếp tục đầu tư, củng cố hệ thống cơ sở sửa chữa các cấp, làm chủ công nghệ sửa chữa các loại TBKT trong biên chế, nhất là trang bị công nghệ cao mới mua sắm. Quy hoạch, xây dựng hệ thống kho tàng kỹ thuật các cấp phù hợp với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Chiến lược quốc phòng; Chiến lược quân sự…
Làm tốt công tác giữ gìn, khai thác, sử dụng TBKT, không để xảy ra các vụ việc mất an toàn, cháy, nổ nghiêm trọng. Nghiên cứu xây dựng và triển khai chương trình sản xuất vật tư kỹ thuật, bảo đảm cho TBKT toàn quân đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Duy trì hệ số kỹ thuật của TBKT làm nhiệm vụ SSCĐ bằng 1. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có khả năng khai thác, làm chủ TBKT hiện đại, phù hợp mục tiêu xây dựng Quân đội hiện đại.
Ý kiến ()