Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, một số thị trường truyền thống bị thu hẹp, nhưng năm 2011 tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Nam Định vẫn đạt con số ấn tượng 322,4 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay. Mặt hàng chiếm thị phần chủ yếu trong xuất khẩu của tỉnh là hàng may mặc đạt giá trị 224 triệu USD, tiếp đến là khăn cao cấp các loại 147 triệu USD, ngoài ra là hàng thủ công mỹ nghệ, lâm sản và thịt chế biến đông lạnh. Tính chung trong ba năm (2009-2011), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn tỉnh đạt bình quân hơn 20%, cao hơn mức tăng trưởng đề ra (tăng bình quân 18%/năm).
Theo Sở Công thương tỉnh Nam Định, địa phương hiện có 79 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu trên nhiều lĩnh vực, trong đó, xuất khẩu hàng dệt may vẫn thể hiện thế mạnh, tính cạnh tranh trên thị trường thế giới và khẳng định chỗ đứng vững chắc trong cán cân thương mại của tỉnh. Trên mảnh đất giàu truyền thống dệt may đang hội tụ hơn 30 doanh nghiệp lớn, trong đó có sáu doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, ngành dệt may Nam Định những năm qua ít bị ảnh hưởng và tác động bởi khủng hoảng kinh tế, biến động thị trường. Là trung tâm dệt may lớn của cả nước, có nền tảng sẵn có về cơ sở vật chất, nhất là việc đầu tư chiều sâu đổi mới thiết bị công nghệ, đào tạo lao động gắn với chương trình đưa công nghiệp dệt may về nông thôn, vì vậy hàng dệt may của Nam Định có sức cạnh tranh cao trên thị trường xuất khẩu.
Năm nay, mặc dù sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi sự tác động của lạm phát, giá cả, lãi suất tín dụng, nhưng Công ty cổ phần dệt may Sông Hồng vẫn đạt tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 87 triệu USD. Lãnh đạo công ty cho biết, do sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất khá sớm trong mấy năm qua từ việc chuyển tỷ lệ lớn từ gia công xuất khẩu sang làm hàng FOB (nhập nguyên liệu và xuất thành phẩm), kết hợp tìm kiếm thị trường mới nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi các khó khăn nêu trên. Khi đã có thị trường ổn định, lãnh đạo công ty tiếp tục triển khai việc đa dạng hóa sản phẩm, phát huy sáng kiến, luyện tay nghề, thi thợ giỏi để giảm thời gian làm sản phẩm, nâng cao năng suất, từ đó hạ giá thành sản phẩm để có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường xuất khẩu. Trong những thời điểm khó khăn, công ty có giải pháp thích hợp bảo đảm đời sống cho người lao động, như hỗ trợ 70% tiền thuê nhà trọ, xét ưu đãi 100 nghìn đồng tiền xăng xe/tháng cho lao động có xe máy, ở xa nơi làm việc.
Có thể thấy, để vượt qua khó khăn, giữ vững kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp ở tỉnh Nam Định đều chủ động, nhạy bén trong tính toán, điều chỉnh lại chiến lược sản xuất, cấu trúc lại cơ cấu vốn, cơ cấu nhân lực, cơ cấu sản phẩm, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường mới. Bên cạnh đó là sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của tỉnh, các ban, ngành trong dự báo về thị trường hàng hóa xuất khẩu, tìm kiếm đối tác, giới thiệu sản phẩm. Từ nhiều năm nay, Trung tâm xúc tiến thương mại Nam Định là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp với các Tham tán thương mại, Tùy viên thương mại ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, I-ta-li-a, Vương quốc Anh, Hàn Quốc. Đây là cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, đồng thời giải quyết triệt để các tranh chấp thương mại phát sinh.
Để quá trình thông quan cho đơn vị xuất khẩu diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, Hải quan Nam Định có nhiều cải tiến trong thủ tục giao dịch, cắt giảm hầu hết những khâu trung gian, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Nam Định Nguyễn Sỹ Sâm cho biết, đơn vị thường xuyên cập nhật kịp thời các cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục liên quan hoạt động hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu để một mặt tổ chức cho đơn vị thực hiện đúng quy trình. Mặt khác, hướng dẫn kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ và kinh doanh đúng quy định pháp luật. Thành lập tổ giải quyết vướng mắc ngay tại chi cục để tháo gỡ khó khăn trong thủ tục xuất nhập khẩu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nghiệp vụ, thực hiện thủ tục khai báo từ xa và bước đầu áp dụng quy trình hải quan điện tử để tạo điều kiện thông quan nhanh chóng. Hằng năm, Hải quan Nam Định tổ chức hội nghị đối thoại để lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, cũng như thái độ làm việc của công chức hải quan. Từ lâu nay, ở Hải quan Nam Định đã hình thành cách làm việc rất được các doanh nghiệp hoan nghênh, đó là “Làm hết việc, chứ không làm hết giờ”. Chính vì vậy, hiện nay đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp đến làm thủ tục xuất khẩu tại chi cục (so với năm 2010 tăng hơn 10% số doanh nghiệp xuất khẩu). Số liệu thống kê cho thấy, có 97% số doanh nghiệp thực hiện quy trình khai từ xa, trong đó có ba doanh nghiệp lớn thực hiện hải quan điện tử nên việc thông quan diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Một cách làm hay ở Nam Định tạo bước đột phá trong xuất khẩu, đó là đẩy mạnh xuất khẩu từ địa bàn nông thôn. Đây chính là thế mạnh đầy tiềm năng của vùng đất này với gần một trăm làng nghề tiểu, thủ công nghiệp nổi tiếng, như đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc Quang Trung, Vân Chàng, Xuân Tiến. Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Nam Định hằng năm huy động từ các nguồn vốn số tiền từ hai tỷ đồng trở lên để mở các lớp đào tạo cho chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất địa bàn nông thôn về kỹ năng lãnh đạo, quản lý tài chính, nhân sự, ma-ket-ting. Mỗi năm, có hàng nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề mới, đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao tay nghề, sau đó quay về làm việc tại các làng nghề làm hàng xuất khẩu. Cung cách làm ăn mới đang hiện diện ở các vùng quê Nam Định, đó là sản xuất các sản phẩm gia dụng bằng tre, nứa ghép xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động. Ước tính, có tới hàng chục doanh nghiệp ở các xã Yên Tiến, Yên Hồng (Ý Yên), Liên Minh (Vụ Bản) chuyên sản xuất các mặt hàng này, thu hút gần 5 nghìn lao động nông thôn với thu nhập từ một triệu đến 1,6 triệu đồng/tháng. Với nội lực sẵn có, một số doanh nghiệp đã tiếp cận các thị trường tiềm năng, qua đó xuất khẩu trực tiếp hàng tre, nứa ghép không qua đầu mối trung gian đem lại giá trị xuất khẩu cao, như Công ty cổ phần Najimex Nam Định, doanh thu hằng năm khoảng 10 triệu USD; Công ty gỗ mỹ nghệ, cơ khí, đúc, xây dựng Ý Yên doanh thu mỗi năm đạt gần 7 triệu USD.
Làm gì để tăng cường và giữ vững kim ngạch xuất khẩu trong những năm tới đang là suy nghĩ, trăn trở của lãnh đạo tỉnh cũng như các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Thực tế cho thấy, mức tăng trưởng xuất khẩu những năm gần đây khá ổn định, nhưng chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng hàng xuất khẩu còn thấp. Phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ nên nguồn lực con người, vốn và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trực tiếp, mà vẫn chủ yếu xuất ủy thác qua đơn vị trung gian làm nguồn thu từ xuất khẩu bị phân tán. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường, mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp, mới chỉ dừng lại ở việc thu thập, xử lý thông tin mà chưa có nguồn quỹ để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu đầu tư theo định hướng, đồng thời tạo mối quan hệ gắn bó giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp phục vụ chiến lược mở rộng, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Thời gian qua, một số hộ sản xuất tại làng nghề thủ công bắt tay vào đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm, nhưng hầu hết là tự phát, quy mô nhỏ, lẻ, tính cạnh tranh thấp. Nên chăng, cần hình thành tổ chức hiệp hội làng nghề để có đồng thuận về mặt bằng giá, chia sẻ thị trường, tham gia cạnh tranh với đối tác nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu.
Khắc phục được những vấn đề này, hoạt động xuất khẩu ở Nam Định sẽ thông thoáng, và có tính cạnh tranh cao hơn và điều quan trọng là nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động.
Ý kiến ()