Bước đột phá trong tiến trình phê chuẩn Hiệp ước START mới
Ngày 22-12 (theo giờ địa phương), với sự vận động tích cực của Chính phủ Mỹ, Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (START mới) giữa Mỹ và Nga, với 71 phiếu thuận và 26 phiếu chống.Kết quả cuộc điều tra dư luận Mỹ, do kênh truyền hình CNN tiến hành, cho thấy, hơn 70% số người Mỹ được hỏi đã ủng hộ văn kiện này. Hiệp ước START mới, được gọi là Hiệp ước START- II, để thay thế Hiệp ước START-I được Mỹ và Liên Xô (trước đây) ký kết năm 1991 và đã hết hạn ngày 5-12-2010.Hiệp ước START mới đã được Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép ký tại Thủ đô Pra-ha của CH Séc ngày 28-4-2010 và được trình lên Quốc hội hai nước để phê chuẩn từ đầu tháng 5. Quá trình đàm phán và thông qua Hiệp ước START mới diễn ra căng thẳng và kéo dài, mặc dù cả hai nước rất cần có những cam kết về kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược và hạt nhân. Chính phủ Nga và Mỹ hy...
Kết quả cuộc điều tra dư luận Mỹ, do kênh truyền hình CNN tiến hành, cho thấy, hơn 70% số người Mỹ được hỏi đã ủng hộ văn kiện này. Hiệp ước START mới, được gọi là Hiệp ước START- II, để thay thế Hiệp ước START-I được Mỹ và Liên Xô (trước đây) ký kết năm 1991 và đã hết hạn ngày 5-12-2010.
Hiệp ước START mới đã được Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép ký tại Thủ đô Pra-ha của CH Séc ngày 28-4-2010 và được trình lên Quốc hội hai nước để phê chuẩn từ đầu tháng 5. Quá trình đàm phán và thông qua Hiệp ước START mới diễn ra căng thẳng và kéo dài, mặc dù cả hai nước rất cần có những cam kết về kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược và hạt nhân. Chính phủ Nga và Mỹ hy vọng hai bên sẽ hoàn tất thỏa thuận thay thế START-I đúng thời điểm văn kiện này hết hiệu lực. Nhưng, phải tới vòng đàm phán thứ bảy ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) giữa tháng 9 vừa qua, hai bên mới thỏa thuận nội dung văn kiện này.
Theo những điều kiện của Hiệp ước mới, cả hai nước sẽ cắt giảm đáng kể tiềm năng hạt nhân của mình. Số phương tiện phóng đầu đạn hạt nhân giảm xuống hơn hai lần, con số đầu đạn hạt nhân giảm xuống còn 74% so với giới hạn phân định trước đây trong Hiệp ước START-I. Cụ thể, trong vòng bảy năm tới, hai bên cắt giảm số đầu đạn hạt nhân tối đa của mỗi nước từ 2.200 xuống còn 1.550 và giảm số lượng phương tiện phóng đầu đạn này xuống còn 500 – 1.100 đơn vị, mỗi bên được trữ 6.000 đầu đạn hạt nhân. Nhưng, Mỹ và Nga đều chưa thông báo chính xác đang có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân. Hiệp ước mới có hiệu lực mười năm kể từ ngày Quốc hội hai nước phê chuẩn và có thể gia hạn mỗi lần năm năm. Tại phiên điều trần của Thượng viện Mỹ về START mới, bà Râu-xơ Gốt-te-mô-lơ, chuyên gia kiểm soát vũ khí hạt nhân của Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về kiểm chứng, tuân thủ và thực hiện hiệp ước, nêu rõ, văn kiện này chứa đựng các bước đi 'kiểm chứng rộng rãi'. Nhân vật thứ ba của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ La-ma A-lếch-xan-đơ cho rằng: Với Hiệp ước START mới, người Mỹ được bảo đảm an ninh và an toàn hơn. Tuy nhiên, Tổng thống Ô-ba-ma nói rằng, Hiệp ước START mới không được hạn chế và ảnh hưởng đến hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của Mỹ.
Việc ký kết và thông qua Hiệp ước START mới đánh dấu một bước tiến hợp tác mới giữa Nga và Mỹ trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân, được khởi đầu từ thế kỷ trước. Cả Nga và Mỹ đều có lợi từ việc thực thi những thỏa thuận mới, bởi sẽ tiết kiệm được những khoản kinh phí khổng lồ dành cho các loại vũ khí hạt nhân dư thừa. Với việc giảm thiểu các kho hạt nhân, sự bình ổn và an ninh trên thế giới sẽ được củng cố.
Tại cuộc họp báo ở Nhà trắng ngày 22-12, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma khẳng định, việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn START mới 'đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ tới toàn thế giới'. Hiệp ước START mới là thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng nhất trong gần hai thập kỷ qua và nó sẽ giúp thế giới an toàn hơn. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Giôn Ke-ri tuyên bố: An ninh quốc gia của Mỹ và của cả thế giới sẽ được củng cố với việc thông qua Hiệp ước START mới. Văn kiện này cung cấp cho Mỹ công cụ quan trọng để ứng phó những mối đe dọa trong thời kỳ hạt nhân mới. Về phía Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Xéc-gây La-vrốp, sau khi hoan nghênh việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn Hiệp ước START mới, đã tuyên bố, Mát-xcơ-va cần có thời gian để nghiên cứu các văn kiện của Mỹ trước khi có hành động tương tự. Trước đây, Đu-ma Quốc gia Nga (Hạ viện) tuyên bố sẽ phê chuẩn Hiệp ước START mới sau khi văn kiện này được Thượng viện Mỹ thông qua.
Việc Mỹ và Nga phê chuẩn, thực hiện Hiệp ước START mới được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun và Thủ tướng Đức A. Méc-ken đã ra tuyên bố hoan nghênh việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn START mới và bày tỏ hy vọng những bước tiếp theo hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ tiếp tục được thực hiện. Ngay sau khi Tổng thống Nga và Mỹ ký Hiệp ước START mới hồi tháng 4, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã ra tuyên bố khẳng định, đây là một 'mốc lịch sử quan trọng' trong nỗ lực của các nước và cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy mục tiêu giải trừ hạt nhân và xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân. Tổng Thư ký NATO Phốc Ra-xmu-sen đã nêu rõ: Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc kiểm soát và cắt giảm vũ khí, mở đường cho mục tiêu cắt giảm hơn nữa. Thủ tướng Hy Lạp Gioóc Pa-pan-đrê-u khẳng định, Hiệp ước START mới là một bước tiến rất quan trọng hướng tới hòa bình, an ninh và ổn định trên toàn thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()