Bước đột phá trong lĩnh vực AI
Tổng Giám đốc Exscientia (giữa) thuyết trình tại hội thảo về AI, Ðại học Oxford (Anh).
Bước đột phá quan trọng của ứng dụng AI vào lĩnh vực y dược đạt được trong hợp tác giữa Công ty Exscientia (trụ sở tại Anh) và Tập đoàn dược phẩm Sumimoto Dainippon Pharma của Nhật Bản. Hợp chất mới mang tên DSP-1181 được nghiên cứu và phát triển, với mục đích chữa trị những người bệnh mắc chứng “rối loạn ám ảnh cưỡng chế” (OCD) – rối loạn tâm lý khiến người bệnh thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm căng thẳng. DSP-1181 được lên kế hoạch sẽ thử nghiệm lâm sàng trên người tại Nhật Bản vào tháng 3-2020.
Trong ngành hóa dược, mỗi nghiên cứu, sản phẩm đều đòi hỏi thời gian, công sức và chi phí rất lớn để hoàn thành. Theo phương pháp truyền thống, để nghiên cứu và phát triển thành công một hợp chất, loại thuốc mới có thể mất tới bốn năm rưỡi và chi phí trung bình lên đến 2,6 tỷ USD. Hợp chất DSP-1181 được phát triển hoàn toàn bằng ứng dụng AI. Thuật toán AI của Exscientia được lập trình để tìm kiếm một hợp chất có thể tác động đến não bộ của người bệnh OCD. Nền tảng AI giả lập hàng chục triệu hợp chất khác nhau, sau đó lược bỏ và AI cũng ra quyết định những hợp chất nào sẽ được tạo ra và thử nghiệm. Trên cơ sở đó, các chuyên gia của Exscientia chỉ phải sản xuất và thử nghiệm 350 hợp chất, bằng một phần năm số lượng hợp chất cần được thử nghiệm thông thường và là một hiệu suất vượt trội. Nền tảng AI của Exscientia giúp các nhà khoa học phát triển và tiến tới thử nghiệm DSP-1181 lâm sàng trên người chỉ trong vòng 12 tháng.
Những ứng dụng AI hiện không còn xa lạ với giới chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y dược. Tháng 9-2019, Công ty Insilico Medicine cũng đã thông báo những nghiên cứu đột phá trong liệu trình điều trị sự hình thành mô xơ khi sử dụng công nghệ AI. Trong vòng 21 ngày, AI đã tìm ra một liệu trình khả quan, nhưng mới được thử nghiệm trên chuột bạch. Công nghệ AI còn được áp dụng trong kho tàng kiến thức y khoa và dữ liệu người bệnh nhằm mở rộng liệu pháp điều trị sử dụng những loại thuốc đã có trên thị trường cho nhiều loại bệnh và người bệnh khác nhau. Song, để AI tự phát triển một loại thuốc có hiệu quả và có thể tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người là một bước tiến mới.
Công nghệ AI hứa hẹn có thể thay thế con người thực hiện các nghiên cứu, sáng chế hiệu quả và tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, không ít chuyên gia còn nghi ngại về hiệu quả của các sản phẩm nhờ những thuật toán. Người phát ngôn Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) G.Can nhấn mạnh, FDA cam kết bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho sự phát triển khoa học; để nhận được sự đồng thuận từ FDA, những luận chứng khoa học chứng minh công dụng của dược phẩm là bắt buộc, bất chấp đột phá trong công nghệ tạo ra chúng. Người phát ngôn của Exscientia cũng cho biết, để được phép tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người, giai đoạn 1 ở Nhật Bản, DSP-1181 cũng phải đáp ứng các điều kiện như mọi loại thuốc khác trên thị trường.
Khi công nghệ AI ngày một hoàn thiện, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng máy móc để thay thế con người rút ngắn thời gian, giảm chi phí trong các nghiên cứu, sáng chế có ích cho cuộc sống. Giáo sư A.Hốp-kin, Tổng Giám đốc Exscientia cho biết, các thuật toán đang được áp dụng trong nghiên cứu chữa trị ung thư, bệnh tim mạch hay những bệnh hiếm gặp khác. Ðến cuối thập kỷ này, nhiều khả năng toàn bộ các dược phẩm sẽ được sản xuất dựa trên những ứng dụng AI.
Ý kiến ()