Bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở Yên Phong
Một góc khu công nghiệp Yên Phong. Gần Thủ đô Hà Nội, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) có vị thế "ngã năm, mặt tiền". Huyện tiếp giáp Sân bay quốc tế Nội Bài, nằm ở điểm nút giao thông về cảng nước sâu Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh. Từ đây đi Hải Phòng sang Thái Nguyên, lên Lạng Sơn đều thuận lợi.Yên Phong vốn là huyện nông nghiệp, là vùng quê thuần nông của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Yên Phong bên cạnh những tín hiệu lạc quan đã và đang đứng trước những thách thức.Xã Tam Giang, nằm bên sông Cầu, nơi là phòng tuyến sông Như Nguyệt vang danh một thời, được xem là hình ảnh của Yên Phong thu nhỏ. Nơi đây từng nổi danh với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt tơ lụa. Cụ Ngô Văn Thinh tự hào kể chuyện quê hương: Thời bao cấp, có đến hơn 500 hộ Tam Giang làm nghề canh cửi. Tơ lụa, sản phẩm của làng nghề truyền thống Vọng Nguyệt được xuất khẩu sang nhiều nước. Bước vào cơ chế thị trường, nghề tơ lụa nơi đây gần như...
Một góc khu công nghiệp Yên Phong. |
Yên Phong vốn là huyện nông nghiệp, là vùng quê thuần nông của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Yên Phong bên cạnh những tín hiệu lạc quan đã và đang đứng trước những thách thức.
Xã Tam Giang, nằm bên sông Cầu, nơi là phòng tuyến sông Như Nguyệt vang danh một thời, được xem là hình ảnh của Yên Phong thu nhỏ. Nơi đây từng nổi danh với nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt tơ lụa. Cụ Ngô Văn Thinh tự hào kể chuyện quê hương: Thời bao cấp, có đến hơn 500 hộ Tam Giang làm nghề canh cửi. Tơ lụa, sản phẩm của làng nghề truyền thống Vọng Nguyệt được xuất khẩu sang nhiều nước. Bước vào cơ chế thị trường, nghề tơ lụa nơi đây gần như xóa sổ. Thế rồi, một phần ba tổng diện tích của xã được quy hoạch chuyển đổi xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông dân đứng trước “ngã ba, ngã bảy” của lựa chọn mưu sinh. Khi diện tích đất canh tác thu hẹp nhanh, bài toán “lao động, thu nhập” trong khu vực nông thôn đặt ra khá gay gắt. Nhiều lao động hết ruộng rời làng long đong nơi đất khách quê người kiếm sống. Một bộ phận năng động, có vốn, chọn nghề mới tạo thu nhập. Nhiều nghề mới tự phát du nhập vào Yên Phong, ở hàng loạt xã như Đông Phong, Đông Tiến, Yên Trung, Long Châu, Hòa Tiến, Yên Phụ và thị trấn Chờ…
Thời kỳ này, nông thôn Yên Phong kinh tế hộ mở rộng theo lối “nhà nhà làm nghề, mở nghề”. Ngành nghề mới nở rộ ngay tại các khu dân cư. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở tại các thôn, xóm không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và bảo vệ môi trường. Nước thải, khói thải độc từ sản xuất không được xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Người lao động ở đây cũng không được ký hợp đồng, không được đóng bảo hiểm và làm việc trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động, vi phạm Luật Cư trú… là thách thức mới đối với công tác quản lý của chính quyền.
Trong bối cảnh như vậy, Nghị Quyết của Huyện ủy về: Xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp làng nghề giai đoạn 2006 – 2010 và những năm tiếp theo đã đánh dấu thời kỳ mới trong phát triển kinh tế – xã hội ở Yên Phong.
Về nông nghiệp, huyện tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng, vật nuôi. Yên Phong đã hình thành vùng lúa cao sản, quy hoạch vùng sản xuất giống lúa và sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Mặt khác, huyện huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển nghề và làng nghề, tạo lập một số nghề mới ở quy mô làng, xã. Theo đó, hàng loạt các làng nghề và ngành nghề thủ công được du nhập và phát triển trên địa bàn. Nổi bật là nghề cô đúc nhôm, tập trung chủ yếu ở xã Văn Môn, hiện có 200 hộ gia đình làm nghề, thu hút 450 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Nhóm nghề chế biến lương thực phát triển mạnh ở các xã Yên Phụ, Tam Giang. Nghề thu mua, chế biến phế liệu được nhân rộng tại các xã Văn Môn, Long Châu, Đông Phong, thị trấn Chờ. Nghề làm bao bì nhựa ni-lông phát triển mạnh ở các xã Đông Phong, Yên Phụ. Một số nghề mới du nhập đã và đang phát triển mạnh ở huyện như nghề mộc, sản xuất chế biến gỗ mộc tại các xã Trung Nghĩa, Hòa Tiến, Yên Trung, Văn Môn… Nghề mới này đang có hơn hai nghìn hộ sản xuất, kinh doanh, thu hút sáu nghìn lao động trên địa bàn. Yên Phong trở thành đất đa nghề, bước đầu giảm áp lực về việc làm, thu nhập cho một bộ phận nông dân hết ruộng. Đặc biệt khi huyện dành gần một nghìn ha đất nông nghiệp để quy hoạch, xây dựng Khu Công nghiệp Yên Phong I và II.
Công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất CN, TTCN ở Yên Phong thời gian qua là “cú hích” quan trọng, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu và tốc độ phát triển kinh tế – xã hội. Hướng đột phá này đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống của nhân dân trong huyện, thu ngân sách tăng. Các cụm công nghiệp và làng nghề được quy hoạch, mở rộng trên địa bàn toàn huyện tạo điều kiện thuận lợi cho 221 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực CN, TTCN, kinh doanh thương mại.
Khu công nghiệp Yên Phong I có 27 nhà đầu tư, triển khai sản xuất. Trong đó, nổi bật là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong I) giá trị xuất khẩu 10 tháng năm 2012 đạt hơn 9 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước 62 triệu USD. Doanh thu xuất khẩu năm nay của công ty ước đạt hơn 10 tỷ USD. Bên cạnh những đóng góp chủ đạo về giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh, các doanh nghiệp tác động lan tỏa trong giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập đời sống người lao động và dân cư trên địa bàn. Khu CN Yên Phong II đang sẵn sàng cho một số nhà máy công nghệ cao đã đăng ký đi vào sản xuất.
Với lộ trình phát triển thành huyện công nghiệp, Yên Phong dồn sức cho mục tiêu tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các khu, cụm công nghiệp. Huyện đã giải ngân 39 dự án vay vốn Quỹ quốc gia về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Ba năm qua, có gần sáu nghìn lao động trên địa bàn vào làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề. Trường cao đẳng nghề Viglacera cùng một số trường đào tạo dạy nghề khác đã đi vào hoạt động, đào tạo nghề cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp mở trên địa bàn. Trung tâm dạy nghề huyện chủ động phối hợp doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và các trường THPT trên địa bàn định hướng cho các em học sinh chọn nghề và học nghề.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bang cho biết: Yên Phong đang dồn sức cho mục tiêu trở thành huyện công nghiệp vào năm 2015. Tuy nhiên, trong phát triển sản xuất CN, TTCN hiện nay đòi hỏi Yên Phong phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường. Đặc biệt là tình trạng các cơ sở sản xuất xen lẫn trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng, đồng thời đặt ra thách thức trong công tác quản lý Nhà nước, như tại một số làng nghề cô đúc nhôm, tái chế phế liệu, sản xuất đồ gỗ… Huyện cần nỗ lực hơn cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cả về nguồn nhân lực quản lý cấp xã, phường và nguồn lao động có chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()