Bước đột phá ở Đơn Dương
Huyện Đơn Dương nằm trọn trên cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng là vùng đất thuần nông, xuất phát điểm thấp, nhưng từ mấy năm nay, Đơn Dương trở thành điểm tham quan học tập mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và huy động sức dân xây dựng nông thôn mới (NTM).
Chủ trương mới, nguồn lực mới
Về thăm xã NTM Lạc Lâm, chúng tôi được biết, những nghị quyết của Đảng ủy xã và các chi bộ thôn về đẩy mạnh sản xuất các loại rau thương phẩm, làm đường bê tông trong ruộng, lắp điện chiếu sáng đường thôn đều sớm phát huy hiệu quả. Cán bộ, đảng viên xuống cùng người dân tháo gỡ từng khó khăn, ách tắc. Công tác tuyên truyền vận động nhắm vào các mô hình cụ thể, cách làm cụ thể chứ không nói suông. Người dân thấy được lợi ích lâu dài của NNCNC nên quyết tâm chuyển đổi cây trồng, đầu tư mua sắm máy móc, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2011 đến năm 2013, xã Lạc Lâm đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. So với đầu nhiệm kỳ (2010), thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hai lần. Chi hội trưởng nông dân thôn Lập Thành Nguyễn Văn Thìn cho biết: Chủ trương thực hiện NNCNC và NTM của huyện, xã được các đoàn thể trong thôn tích cực hưởng ứng. Hầu hết các hộ trong thôn đều được hỗ trợ vay vốn sản xuất và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn đến nơi đến chốn về sản xuất sạch. Tất cả các vườn rau, vườn ươm của thôn Lập Thành đều được trồng trong nhà lưới màn, phủ màng ni lông, tưới phun tự động. Một số hộ nông dân đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm thiết bị tự động trộn đất, vào bầu đất, gieo hạt … Phong trào sản xuất sạch, trồng giá thể công nghệ cao, ứng dụng châm phân tự động đang phát triển rộng khắp.
Quyết định chọn giải pháp NNCNC thay vì phát triển nông nghiệp theo phương pháp truyền thống được Ban Chấp hành Huyện ủy cân nhắc rất kỹ, vì sự lựa chọn này cần vốn đầu tư lớn, thay đổi toàn diện tập quán canh tác. Tuy nhiên, được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cơ quan tỉnh Lâm Đồng, Huyện ủy tiếp tục chọn hai chương trình trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung vào trồng cây rau chất lượng cao vì Đơn Dương là một vùng có truyền thống chuyên canh cây rau từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Huyện ủy tập trung chỉ đạo phát triển đàn bò sữa và quy hoạch vùng chăn nuôi bò tập trung.
Sau một thời gian không dài, nhiều chương trình phát triển nông nghiệp đem lại thành công hơn cả mong đợi. Giai đoạn 2010 – 2013, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt xa so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hai lần so với đầu nhiệm kỳ, từ 18,3 triệu lên 35,9 triệu/người/năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 12,4%/năm (Nghị quyết đề ra 6%-7%) … Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, cả một vùng rộng lớn trên cao nguyên Lâm Viên khởi sắc.
Sản phẩm nông nghiệp gắn với thị trường
Phong trào phát triển kinh tế sôi động khắp các xã, thị trấn trong huyện. Đàn bò sữa đã tăng lên sáu nghìn con, đem lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ nông dân. Toàn huyện có 71% diện tích trồng rau ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác tăng 80 triệu đồng/ha so với năm 2008, hiện nay đạt trung bình 150 triệu/ha/năm. Trên địa bàn huyện đã có chín cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh rau an toàn, ba cơ sở được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu Rau Đà Lạt. Ngày càng nhiều doanh nghiệp và chủ cơ sở sản xuất đầu tư vào chế biến rau, áp dụng công nghệ rau cấp đông và sấy khô bằng công nghệ sấy lạnh các sản phẩm rau bó xôi, đậu nành, khoai lang nhật, cà phê… Hàng loạt mô hình hợp tác làm ăn mới xuất hiện. Toàn huyện có hơn 6.400 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, số hộ nông dân mua được ô tô từ cây rau và bò sữa không còn là hiếm. Trong số gần năm nghìn tỷ đồng vốn huy động xây dựng NTM thì Nhà nước đầu tư 175 tỷ đồng, còn lại do nhân dân và doanh nghiệp đầu tư. Người dân không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước mà chủ động xây dựng phương án làm ăn.
Bộ mặt nông thôn Đơn Dương đang đổi mới hàng ngày. Đêm đến, một vùng nông thôn rộng lớn từ Đơn Dương đến Đức Trọng rực sáng ánh đèn nhờ hệ thống chiếu sáng cho các vườn rau, hoa. Năm qua tổng thu ngân sách Nhà nước của huyện đạt xấp xỉ 100 tỷ đồng. Những năm tới hứa hẹn đột phá mới khi huyện đang cùng lúc triển khai 55 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 1.300 tỷ đồng, chủ yếu vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Đà tăng trưởng kinh tế nhanh tạo ra tác động đô-mi-nô, thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, xã hội đi lên. Huyện Đơn Dương phấn đấu đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới vào năm 2015.
Vì sao một vùng đất có trình độ dân trí thấp hơn nhiều so với vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ (lao động có trình độ sơ cấp và không có bằng cấp, chưa qua đào tạo chiếm 82,6% tổng số lao động), đảng viên không đông, nông nghiệp vẫn chiếm hơn 56% tỷ trọng kinh tế, mà Đơn Dương đã bứt phá và phát triển vững chắc như hôm nay? Đồng chí Thái On, Bí thư Huyện ủy Đơn Dương chỉ rõ: “Huyện đã chọn những lĩnh vực có thế mạnh để tập trung đầu tư, đặc biệt là truyền thống sản xuất và tay nghề của người dân. Khi xây dựng mô hình để làm điểm, chúng tôi chọn những nông dân thực sự tâm huyết, chịu khó làm ăn, có tay nghề nhưng phải là những người có điều kiện kinh tế khá giả. Đảng viên, cán bộ từ huyện đến xã là người lãnh đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và trực tiếp tham gia phát triển sản xuất, xây dựng NTM”.
Đơn Dương đã bứt lên nhờ vượt bỏ phương thức sản xuất cũ. Không chỉ nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi nữa, mà tìm tòi để có sản phẩm sạch, giá trị cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đơn Dương thật sự là hình mẫu của phát triển kinh tế từ nông nghiệp nhờ có sự chỉ đạo đúng hướng của Đảng và sự nhạy bén với công nghệ của người nông dân.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()