Bước chuyển trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh Hậu Giang
Hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn đầu tư Ba năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh Hậu Giang đã có bước phát triển mới, hoàn thành việc xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, tạo ra những tiền đề cần thiết, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Công tác xã hội hóa đầu tư đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được tỉnh vận dụng phù hợp thực tế của từng địa phương, từ đó huy động được sự đóng góp của nhân dân vào phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội (KTXH), nhất là ở nông thôn, góp phần tạo diện mạo mới cho Hậu Giang. Về hiệu quả đầu tư cũng được nâng lên đáng kể, nổi bật là tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì trên mức 13%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang huy động được hơn 34 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước đã giảm so với các năm trước (năm 2011: 33%, năm 2012: 27,4% và năm 2013: 28%). Điều này cho thấy, những năm trước, tăng trưởng của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào sự tăng nhanh của vốn đầu tư công, thì nay đang giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn này, mà chú trọng nguồn huy động từ các thành phần kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết: Chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được xác định là khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tỉnh thuần nông Hậu Giang. Trong điều kiện hạ tầng KT-XH còn thấp, nguồn vốn đầu tư hạn chế, tỉnh đã phân định rõ những lĩnh vực nào cần ưu tiên để đầu tư nhiều, phù hợp nhu cầu phát triển của tỉnh. Chẳng hạn như xác định giao thông là “mạch máu” của nền kinh tế, ba năm qua, tỉnh đã ưu tiên phân bổ vốn cao nhất với hơn 3.750 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông. Đã có nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng như: tuyến giao thông Bốn Tổng – Một Ngàn, đường Trần Hưng Đạo, Võ Văn Kiệt, đại lộ Hậu Giang, đường 3/2, cầu 2/9, bến xe Vị Thanh… Hệ thống đường tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện. Nhất là đường nối Vị Thanh -Cần Thơ đã hoàn thành giai đoạn 1, phá thế độc đạo cho thành phố Vị Thanh, cũng như rút ngắn khoảng cách từ Vị Thanh đến Cần Thơ.
Tuyến đường này kết hợp với kênh xáng Xà No (kênh vận tải thủy chiến lược từ Cần Thơ đi Cà Mau), tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Song song đó, tỉnh cũng quan tâm đầu tư gần một nghìn tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Ngoài hạ tầng giao thông, tỉnh cũng ưu tiên đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng cho hạ tầng thương mại. Nhờ vậy đến nay, tỉnh đã có hai siêu thị loại II và 70 chợ, trong đó có 13 chợ đạt danh hiệu chợ văn minh và 13 chợ đạt chuẩn nông thôn mới. Đầu tư hơn ba nghìn tỷ đồng phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hiện đã thu hút được 68 dự án, có 29 dự án đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy là 71,3%. Các hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu; hạ tầng đô thị; hạ tầng nông thôn; cung cấp điện, nước sạch; thông tin; giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ; y tế; văn hóa, thể thao, du lịch; quốc phòng – an ninh… cũng được quan tâm cân đối đầu tư theo mức độ cho phép của nguồn vốn. Có thể nói, các mục tiêu của Chương trình sau ba năm nỗ lực thực hiện đã đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra.
Trong cuộc họp sơ kết ba năm thực hiện kế hoạch KT-XH của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2011-2015 vừa qua, Giám đốc Sở Kế hoạch -Đầu tư Hậu Giang Võ Tá Thắng nhìn nhận: Bên cạnh những kết quả đạt được sau ba năm thực hiện Chương trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Cái khó hiện nay là mức hỗ trợ theo định mức quy định tại Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không đủ để hoàn thành các dự án theo các chương trình, kế hoạch bố trí vốn hằng năm của Trung ương, trong khi nguồn vốn địa phương không có khả năng đối ứng, cho nên nhiều công trình kéo dài thời gian thực hiện hoặc triển khai dở dang, từ đó chưa phát huy hiệu quả từ đầu tư công. Đối với dự toán hằng năm đều được Chính phủ, Bộ Tài chính giao mức vốn đầu tư từ nguồn cân đối ngân sách cho giáo dục và đào tạo, dạy nghề và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, vốn cân đối ngân sách hằng năm hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư cho các ngành khác của tỉnh tương đối lớn, cho nên mức phân bổ trong cân đối không đáp ứng được quy định của Trung ương. Việc triển khai vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia hằng năm luôn gặp khó khăn trong những tháng đầu năm, do Trung ương chưa có quy định về định mức phân bổ, cũng như thông báo mức vốn của giai đoạn để tỉnh chủ động triển khai thủ tục… Về hạn chế, hiện tỉnh còn nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng chưa thực hiện được như các tuyến đường tỉnh, tuyến ô-tô về trung tâm xã, các bệnh viện chuyên khoa tỉnh, công trình văn hóa, thể thao.
Hạ tầng giao thông chưa mang tính kết nối cao, hạ tầng xã hội thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục và các khu vui chơi giải trí cho người dân. Kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển chậm, chưa đồng đều, nhiều công trình hạ tầng nông thôn xuống cấp, chưa có vốn duy tu, nâng cấp… Nguyên nhân của những hạn chế trên là do nhu cầu vốn đầu tư để kiến thiết tỉnh rất lớn so với yêu cầu phát triển, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đang dần thắt chặt, giảm chi đầu tư công, kế hoạch vốn hằng năm phải tập trung xử lý nợ đọng, hạn chế thấp nhất việc triển khai đầu tư mới.
Vấn đề xã hội hóa trong đầu tư chưa mạnh, tình hình kêu gọi thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng bằng các hình thức BT, BOT, PPP còn yếu. Đầu tư trực tiếp nước ngoài còn chiếm tỷ trọng nhỏ, một số dự án lớn về hạ tầng công nghiệp, thương mại của các nhà đầu tư triển khai chậm so với kế hoạch. Trong quản lý đầu tư, năng lực của một số nhà thầu và năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn yếu, tiến độ thi công một số dự án chậm, chi phí đầu tư còn cao; việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa thực hiện nghiêm; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn yếu…
Những giải pháp mang tính căn cơ
Nhằm hoàn thành mục tiêu chương trình đề ra đến năm 2015, tỉnh sẽ tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ cao nhất nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện quá trình tái cơ cấu đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động trong hai năm còn lại của giai đoạn khoảng 27,6 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH. Làm được điều này, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp huy động và sử dụng vốn hiệu quả. Theo đó, tỉnh tăng cường huy động cao nhất các nguồn lực đầu tư, quản lý chặt các nguồn thu và tăng thu để có nguồn thu vượt và kết dư. Rà soát quỹ đất thuộc sở hữu Nhà nước, khai thác quỹ đất tạo vốn đưa vào ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng. Bổ sung, ban hành và thực hiện tốt cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư một số loại hình KT-XH để đẩy nhanh việc thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh thu hút và giải ngân các nguồn vốn FDI, ODA và NGO; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tích cực xã hội hóa đầu tư các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại. Thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng và kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn và thủy lợi; hỗ trợ thích hợp từ ngân sách nhà nước, vốn vay ngân hàng để đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình giao thông nông thôn.
Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, chỉ định thầu. Lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình khác nhau để dồn sức đầu tư cho xã nông thôn mới.
Khai thác quỹ đất hợp lý để tạo vốn xây dựng các công trình hạ tầng đô thị; chú trọng nâng cao năng lực và trách nhiệm của các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn trong khâu khảo sát, thiết kế, lập tổng dự toán, thẩm định nguồn vốn, phê duyệt dự án. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chống thất thoát, lãng phí, xử lý các dự án kém hiệu quả, có dấu hiệu tiêu cực… Nhằm phát huy hiệu quả đầu tư công, UBND tỉnh Hậu Giang đã đề nghị Trung ương phân bổ các nguồn vốn do Trung ương quản lý đáp ứng theo tiến độ triển khai thực tế của các công trình ở địa phương để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện và dẫn luồng đầu tư FDI, NGO, ODA cho tỉnh triển khai các dự án thúc đẩy phát triển KT-XH.
Hỗ trợ vốn ODA để lập dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy, huyện Long Mỹ. Có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các địa phương thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tinh thần Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư vào khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.
Đầu tư 12.230 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới Từ năm 2011-2013, Hậu Giang đã đầu tư 12.230 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, vốn ngân sách 1.789 tỷ đồng, vốn tín dụng 9.900 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp và huy động trong dân 541 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2013, 11 xã điểm của tỉnh đạt bình quân 12-14 tiêu chí. Hiện đã có ba xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy), xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) và xã Tân Tiến (TP Vị Thanh). |
27 dự án ứng phó biến đổi khí hậu Để đầu tư hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, các sở, ngành tỉnh Hậu Giang đã xây dựng và đề xuất 27 dự án ưu tiên, như: Kè chống sạt lở kênh xáng Xà No giai đoạn 2 (đã thực hiện 35%); hệ thống đê bao Vị Thanh -Long Mỹ (đã thực hiện 50%); hệ thống cống nam sông Hậu (thực hiện 20%); hoàn thành hệ thống đê bao vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp và xây dựng hệ thống đê bao vườn cây ăn trái 2.000 ha ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy. Thủy lợi đã khép kín theo tiêu chí nông thôn mới hơn 41 nghìn ha, tổng kinh phí thực hiện 719 tỷ đồng… PV |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()