Bước chuyển trong quản lý đất đai ở Lạng Sơn
LSO-Trong gần 8 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 30-CT/TU, ngày 5/6/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy nhanh công tác đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đến năm 2010 và những năm tiếp theo đã thực sự đi vào cuộc sống.
![]() |
Xử lý dữ liệu địa chính tại xã Quốc Khánh (Tràng Định) |
Giai đoạn 1996-2010, việc đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ thủ công dẫn đến chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu, hơn nữa, biến động về đất đai do quá tình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, không được chỉnh lý kịp thời gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại cơ sở.
Bước sang giai đoạn 2011-2015, tỉnh triển khai hàng loạt dự án đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, áp dụng công nghệ hiện đại và thiết bị GPS, số hóa dữ liệu bằng phần mềm ELis đã giúp cho việc đo đạc, lập hồ sở địa chính, cấp giấy, chỉnh lý và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính của tỉnh Lạng Sơn có bước chuyển biến về chất.
Từ năm 2008 đến năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 9 dự án đo đạc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính của 226 xã, phường, thị trấn với diện tích đã đo vẽ đạt hơn 813 nghìn héc ta trên hơn 832 nghìn héc ta tổng diện tích tự nhiên, bằng 97,78%.
Gắn với đó là việc triển khai đồng bộ công tác kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân. Theo đó, từ năm 2008 đến hết 2015, toàn tỉnh đã cấp được hơn 1,2 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, nhóm đất nông nghiệp được hơn 1,1 triệu giấy với diện tích hơn 480 nghìn héc ta, nhóm đất phi nông nghiệp là hơn 97 nghìn giấy trên diện tích hơn 17,8 nghìn héc ta, nhờ vậy nâng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân đạt từ 58% năm 2008 lên 89,95% năm 2015.
Ngoài ra, tỉnh còn tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính bằng phần mềm ELis (như xây dựng, nhập dữ liệu thuộc tính địa chính, dữ liệu không gian địa chính, quét, chụp giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất…) tại 105 xã, đến hết năm 2015 đã cơ bản hoàn thiện xong xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính được 50 xã, phấn đấu hết năm 2016 hoàn thành 55 xã còn lại. Giai đoạn 2017-2020, tỉnh phấn đấu thực hiện xong xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính các xã còn lại trong toàn tỉnh.
Ông Hoàng Văn Toàn, Trưởng phòng Đo đạc, Bản đồ và Viễn thám – Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: đối với các xã đã thực hiện xong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, sở đều chuyển giao sản phẩm cho ba cấp tỉnh, huyện, xã để thống nhất quản lý theo dõi. Với hệ thống cơ sở dữ liệu đã được số hóa, việc quản lý các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng, chỉnh lý biến động đất đai tại cơ sở được thực hiện hết sức thuận lợi. Không những vậy, việc xây dựng xong cơ sở dữ liệu đất đai sẽ hạn chế tình trạng thất thoát hồ sơ tài liệu về đất đai tại cơ quan, tổ chức và trong dân cư, cũng như hạn chế tối đa tình trạng khiếu nại, tranh chấp về đất đai.
CÔNG QUÂN
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()