Bước chuyển trong nộp thuế điện tử
LSO-Mặc dù còn gặp những khó khăn nhất định, tuy nhiên đến nay, việc kê khai, nộp thuế điện tử trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực.
Cán bộ Chi cục thuế huyện Cao Lộc trao đổi nghiệp vụ thuế điện tử |
Ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình nộp thuế điện tử (NTĐT), ngành thuế Lạng Sơn đã tập trung vào xây dựng, triển khai những giải pháp cụ thể thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, NTĐT trên địa bàn không hề dễ dàng khi mà các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Từ đó dẫn đến nhiều nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến kê khai, NTĐT như: nhiều doanh nghiệp còn hạn chế đầu tư trang thiết bị máy tính, đường truyền thấp; một số còn tâm lý e ngại về mức độ bảo mật, an toàn khi thay đổi phương thức nộp thuế. Nguyên nhân khác nữa, đó là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hầu như không có số dư tài khoản tại các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong năm chỉ phát sinh thuế môn bài nên không muốn tham gia NTĐT.
Khó khăn như vậy, song ngành thuế vẫn quyết tâm đạt mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ kê khai cũng như NTĐT ở mức cao nhất. Mục tiêu đó được cụ thể hóa bằng những việc làm cụ thể, trong đó, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng và triển khai thường xuyên. Ông Nguyễn Đình Quang, Trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế cho biết: Ngoài việc tổ chức tuyên truyền về các cơ chế, chính sách thuế mới, cơ quan thuế còn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện NTĐT thông qua hội nghị tập huấn, qua điện thoại hay trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ tại trụ sở cơ quan thuế.
Qua đó, người nộp thuế nắm bắt thông tin về NTĐT một cách đầy đủ, chính xác hơn để thực hiện. Ví dụ như ở Văn Lãng, mặc dù năm 2015 mới triển khai thực hiện NTĐT nhưng theo số liệu của Chi cục Thuế huyện, đến cuối năm 2015, trên địa bàn huyện đã có 59/62 doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện khai thuế qua mạng và 58/62 đăng ký thành công NTĐT với cơ quan thuế và ngân hàng thương mại; tổng số giao dịch nộp ngân sách là 87 chứng từ với tổng số tiền là 5,1 tỷ đồng.
Hay như tại Đình Lập, một trong những địa bàn mà số doanh nghiệp ít, quy mô nhỏ và cũng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thế nhưng đến hết năm 2015 đã có 6/10 doanh nghiệp đăng ký NTĐT. Và đến nay, trên địa bàn đã có 10 doanh nghiệp đăng ký NTĐT, trong đó có 8 doanh nghiệp đăng ký thành công với ngân hàng.
Cùng với 2 chi cục kể trên, công tác triển khai NTĐT trên địa bàn tỉnh đã được ngành thuế nỗ lực thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nếu như hết năm 2015, toàn tỉnh có 1.187 doanh nghiệp đăng ký NTĐT với cơ quan thuế và 423 doanh nghiệp đã thực hiện NTĐT thì đến nay đã có 1.404 doanh nghiệp đăng ký dịch vụ NTĐT với cơ quan thuế và 1.323 doanh nghiệp đăng ký thành công với ngân hàng thương mại. Một số đơn vị có số người nộp thuế đăng ký NTĐT đạt cao như: Chi cục Thuế thành phố Lạng Sơn 633 NNT; Văn phòng Cục Thuế 237 NNT; Chi cục Thuế Cao Lộc 153; Chi cục Thuế Hữu Lũng là 108 NNT… Về kết quả NTĐT, tính từ khi bắt đầu triển khai (từ năm 2015) đến ngày 24/5/2016, trên địa bàn đã có 921 doanh nghiệp NTĐT với tổng số tiền là gần 360 tỷ đồng.
Từ những kết quả trên cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp NTĐT còn hạn chế so với tỷ lệ kê khai cũng như tỷ lệ đăng ký NTĐT. Tuy nhiên, với những khó khăn khách quan phân tích ở trên, việc ngành thuế đạt được kết quả như vậy trong NTĐT cũng là một con số đáng khích lệ, tạo những chuyển biến quan trọng từ nhận thức đến hành động cụ thể của người nộp thuế. Từ đó là đòn bẩy quan trọng tạo động lực cho ngành thuế tiếp tục phấn đấu đưa tỷ lệ NTĐT vượt cao hơn trong thời gian tới.
ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()