Bước chuyển tích cực của phong trào thể thao quần chúng
Màn đồng diễn múa cờ |
Nhìn vào giai đoạn 2006-2011, công tác TDTT tỉnh nhà đạt được bước khởi đầu quan trọng. Năm 2006, số người luyện tập thể thao thường xuyên chiếm 18,5%; số gia đình thể thao chiếm 6,8%; số câu lạc bộ (CLB) thể thao có 800 CLB. Đến năm 2011, số người luyện tập thể thao thường xuyên đạt 22,5%, tăng 1,24 lần; số gia đình thể thao đạt 11,5%, tăng 1,62 lần; số câu lạc bộ thể thao có 910 CLB, tăng 1,14 lần (so với năm 2006). Giai đoạn này, bình quân mỗi năm, tỉnh tổ chức hơn 1.000 giải thi đấu thể thao quần chúng từ cơ sở đến cấp tỉnh; trong đó có 17 giải đấu cấp tỉnh, 145 giải đấu cấp huyện và hơn 900 cuộc thi đấu cấp xã. Thực hiện mục tiêu phát triển thể thao trong giai đoạn 2012- 2020, tỉnh tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác TDTT, chiến lược phát triển thể thao nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vai trò, tác dụng của TDTT trong việc giữ gìn và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Hoạt động thể thao thời gian qua luôn gắn với việc triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Phong trào thể thao và hoạt động thể thao bước đầu được một số huyện, thành phố gắn với triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Với phương châm: Huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư cho sự nghiệp TDTT, từ năm 2012 đến nay, công tác xã hội hoá (XHH) TDTT đã khơi dậy được sức mạnh to lớn của ngân sách Nhà nước và các tổ chức trong xã hội tham gia đầu tư cho hoạt động TDTT. Tỉnh đã bố trí vốn ngân sách hỗ trợ các xã xây dựng các thiết chế thể thao (TCTT) như: sân chơi, bãi tập, công trình thể thao trong quần thể trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, cụm dân cư, thôn bản, trường học. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư các công trình thể thao và các điểm dịch vụ thể thao, vui chơi, giải trí theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ chế huy động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia xây dựng cơ sở vật chất TDTT. Vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên của các CLB, sân thể thao xã, phường theo mô hình xã hội hóa và hoạt động dịch vụ TDTT. Đến thời điểm này, cả tỉnh có trên 1.000 sân tập như: nhà thi đấu, nhà tập luyện, phòng tập thể thao, phòng tập võ thuật… dành cho các môn thể thao quần chúng. Riêng về sân bãi tập thể thao ở cấp xã, phường và thị trấn, đến nay, toàn tỉnh có 155/226 xã, thị trấn có sân tập thể thao, đạt 73,8%. Cùng với đó là 1.695 nhà văn hoá cấp xã, phường, thị trấn và thôn bản, khu phố khai thác vào phục vụ luyện tập các môn thể thao trong nhà như: bóng bàn, cờ vua, cờ tướng, thể dục thẩm mỹ Aerobic…. tạo nên một hệ thống thiết chế phục vụ cho hoạt động TDTT. Một số đơn vị làm tốt công tác huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng TCTT như thành phố Lạng Sơn, thị trấn Hữu Lũng, thị trấn Đồng Đăng có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà tập, sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo. Công tác xã hội hóa thể thao được xã hội quan tâm, cơ sở TCTT ngày càng phát triển rộng khắp đã kích thích phong trào thể thao quần chúng phát triển lên tầm cao mới. Đến hết năm 2013, tỉnh ta đạt số người luyện tập thể thao thường xuyên 195.300 người, đạt 23,5%; số gia đình thể thao có 22.600 hộ, chiếm 12,5%; CLB không ngừng được kiện toàn và duy trì hoạt động tổ chức thi đấu, giao hữu nhân các ngày kỷ niệm của dân tộc.
Đối với các trường phổ thông, hoạt động giáo dục thể chất và hoạt động ngoại khoá được duy trì đều đặn theo quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo; trên 95% số học sinh đều bảo đảm sức khoẻ thông qua công tác luyện tập TDTT… Hàng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đều bố trí ngân sách tổ chức từ 12-15 giải thi đấu các môn thể thao phong trào, thu hút từ 650-750 vận động viên tham gia dự các giải đấu quy mô cấp tỉnh như: giải Vovinam các lứa tuổi, giải vô địch bóng bàn, giải vô địch cầu lông thanh- thiếu niên, giải bóng đá, giải Aerobic… Qua đó, nhằm tiếp tục khích lệ phong trào thể thao quần chúng phát triển, góp phần đẩy mạnh hơn nữa phong trào rèn luyện sức khoẻ tại cộng đồng dân cư.
Tỉnh ta phấn đấu số người tham gia luyện tập TDTT thường xuyên đến năm 2015 đạt tỷ lệ 24% và năm 2020 đạt 28% (trên tổng dân số); số gia đình luyện tập TDTT đến năm 2015 đạt 12% và năm 2020 đạt 15% số hộ gia đình trong toàn tỉnh; đến năm 2020 đạt 85% số xã, phường có thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và câu lạc bộ TDTT cơ sở. Để đạt mục tiêu trên, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác xã hội hóa thể thao, để phong trào thể thao quần chúng tiếp tục phát triển.
Ý kiến ()