Bước chuyển sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 18
(LSO) – Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Qua 2 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, nghị quyết đã đi vào cuộc sống và đạt được một số kết quả nhất định.
Cũng như những địa phương khác, đối với Lạng Sơn, thực tế tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo… Chính bởi vậy, việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 18 sẽ giải quyết được những vướng mắc trên.
Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, quán triệt sâu rộng các nội dung đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với tinh thần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, bám sát thực tế, qua 2 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu.
Cán bộ xã Đình Lập, huyện Đình Lập trao đổi nghiệp vụ
Văn Lãng là đơn vị thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh rõ nét nhất trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, những vị trí cán bộ chủ chốt cấp huyện đã thực hiện được như: Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy kiêm Trưởng Phòng Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy kiêm Chánh Thanh tra huyện.
Bà Bế Thị Vẫn, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Văn Lãng cho biết: Ngoài cán bộ chủ chốt cấp huyện, huyện còn thực hiện nhất thể hóa chức danh với các cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn. Chúng tôi cũng đang tính toán đến các phương án kiêm nhiệm chức danh nếu nhân sự đáp ứng đủ các yêu cầu về quy định và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Hay như Hữu Lũng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc sáp nhập thôn, khối phố và tinh giản biên chế. Thực tế, việc thực hiện sáp nhập thôn, khối phố cũng là một thách thức của cấp ủy, chính quyền huyện. Trước những băn khoăn, lo lắng từ phía cán bộ, đảng viên và người dân, lãnh đạo huyện đã sâu sát, tích cực đến cơ sở; các cấp, ngành liên quan vào cuộc mạnh mẽ trong chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Tính đến tháng 3/2019, toàn huyện đã sáp nhập xong 68 thôn thành 34 thôn và nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Đối với tinh giản biên chế huyện cũng đã có những nỗ lực để thực hiện. Ông Nguyễn Văn Tằng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hữu Lũng cho biết: Ngoài việc thực hiện đề án về tinh giản biên chế, trên tinh thần chỉ đạo của cấp trên, huyện thực hiện một cách thận trọng, xem xét kỹ tình hình. Đối với những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, chúng tôi tính toán phương án thay thế.
Đến nay, toàn huyện đã giải quyết tinh giản biên chế được 94 trường hợp, trong đó: cơ quan khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội đã giải quyết được 5 trường hợp; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện giải quyết được 7 trường hợp; các đơn vị sự nghiệp giải quyết được 82 trường hợp.
Không chỉ 2 đơn vị trên, những đơn vị khác trên địa bàn tỉnh cũng đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chung. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 18, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện có kết quả một số nội dung như: nhất thể hóa chức danh; tinh giản biên chế; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn…
Cụ thể: 11/11 huyện, thành phố thực hiện Trưởng Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; 6/11 đơn vị đã thực hiện Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ; 3/11 đơn vị thực hiện Trưởng Ban tổ chức đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ; 1 đơn vị thực hiện Chánh Văn phòng Huyện ủy đồng thời là Chánh Văn phòng HĐND, UBND huyện… Đối với mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND thực hiện được 31/226 xã, phường, thị trấn.
Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, sau khi thực hiện nghị quyết, toàn tỉnh đã giảm được 114 đầu mối. Cụ thể đầu mối trực thuộc sở, ban, ngành tỉnh giảm 28 đơn vị sự nghiệp công lập; trực thuộc các huyện giảm 22 đơn vị; sáp nhập 42 cặp trường cấp tiểu học và THCS các huyện; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các chi cục giảm 22 đơn vị.
Trước khi sáp nhập, toàn tỉnh có 2.313 thôn, khối phố. Sau khi hợp nhất các thôn, khối phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, toàn tỉnh còn 2.026 thôn, khối phố (giảm 287 thôn, khối phố).
Việc thực hiện Nghị quyết 18 được triển khai nghiêm túc, các nội dung thí điểm được chỉ đạo thực hiện thận trọng, chặt chẽ, không làm ảnh hưởng đến kế hoạch, chương trình trọng tâm của các đơn vị. Qua triển khai hoạt động của các đơn vị được thực hiện, bước đầu ổn định, có hiệu quả, tình hình chính trị nội bộ đảm bảo, không có đơn thư liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy.
Việc sắp xếp đã góp phần tinh giản đầu mối, giảm số lượng lãnh đạo, từng bước nâng cao hiệu quả công tác, góp phần giảm chi thường xuyên cho các đơn vị. Việc chỉ đạo khắc phục tình trạng thôn chưa có tổ chức đảng, trưởng thôn chưa phải là đảng viên đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả ban đầu, để bộ máy được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần nỗ lực hơn nữa. Thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục đôn đốc các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện các nội dung nghị quyết, đồng thời chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả
(LSO) – Thực hiện Nghị quyết 18, các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo sát sao, triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Ông Liễu Văn Chiến, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cao Lộc: “Khắc phục tình trạng trưởng thôn, khu, khối phố chưa là đảng viên”.
Thực hiện Nghị quyết 18, Ban Thường vụ Huyện uỷ và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa chủ trương của cấp trên bằng các văn bản chỉ đạo, thực hiện. Một trong những nội dung mà Huyện ủy Cao Lộc đã triển khai và bước đầu đạt được kết quả là khắc phục tình trạng trưởng thôn, trưởng khu, khối phố chưa là đảng viên. Để thực hiện chủ trương này, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành công văn 1033-CV/HU, ngày 13/3/2019 về việc sáp nhập tổ chức đảng, ban công tác mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội ở thôn, khu, khối phố trên địa bàn huyện. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm nội dung này. Đồng thời, giao các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch, lựa chọn nhân sự phù hợp, có kế hoạch phát triển đảng cụ thể đối với nhóm trưởng thôn, khu, khối phố chưa là đảng viên.
Qua một thời gian thực hiện, đến nay, toàn huyện có 117/199 đồng chí trưởng thôn, khu, khối phố là đảng viên, chiếm 58,8%; phấn đấu đến hết năm 2020, toàn huyện sẽ nâng tỷ lệ này lên 80%. Đây là nguồn nhân sự cấp ủy lựa chọn để thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu, khối phố.
Ông Vi Văn Hiến, Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hạ, huyện Lộc Bình: “Triển khai nghiêm túc, tuyên truyền sâu rộng”.
Sau khi Nghị quyết 18 của Trung ương được các cấp triển khai, xã đã nghiêm túc thực hiện. Qua nghiên cứu tình hình thực tế, năm 2018, xã thực hiện sáp nhập thôn Bản Chuổi và Nà Kẹt thành Liên Thôn 1; từ đó xã còn 5 thôn. Lúc đầu, người dân lo lắng việc sáp nhập ảnh hưởng đến đời sống vì mỗi thôn có nếp sinh hoạt riêng. Cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền đến từng hộ dân trong thôn, giải thích cho người dân hiểu được lợi ích sau khi sáp nhập, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bên cạnh đó, xã cũng chủ động thực hiện chủ trương bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Hiện tại, xã có 3/5 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tại các thôn: Bản Đóoc, Bản Hả và Liên Thôn 1.
Để có được kết quả này, chính quyền xã chú trọng công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở cấp mình. Ngoài ra, xã tiến hành rà soát chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm của từng cán bộ để lựa chọn những người có đủ năng lực, phẩm chất, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc. Từ đó, xây dựng phương án sắp xếp và bố trí kiêm nhiệm. Hiện nay, số người hoạt động không chuyên trách ở các thôn trên địa bàn xã đã giảm, trung bình từ 6 đến 8 người/thôn.
Ông Lê Văn Tuyên, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Nà Căm, xã Đề Thám, huyện Tràng Định: “Thuận lợi trong triển khai các chủ trương đến người dân”.
Năm 2019, xã Đề Thám được chọn điểm để thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Được sự tín nhiệm của đảng viên và quân chúng nhân dân thôn Nà Căm, tôi được bầu giữ chức vụ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn.
Thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh, công việc của người kiêm nhiệm cũng nhiều hơn, mỗi khi triển khai nhiệm vụ, tôi đều tổ chức 2 cuộc họp, họp chi bộ và họp thôn. Mặc dù công việc vất vả hơn trước nhưng bản thân cũng có những thuận lợi khi vừa là người tiếp nhận vừa là người tổ chức truyền đạt các định hướng, chủ trương của cấp trên đến quần chúng nhân dân, từ đó nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Đến nay, các công việc, nhiệm vụ của thôn vẫn luôn được thực hiện đầy đủ và kịp thời, có hiệu quả.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát huy trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đề xuất, kiến nghị lên cấp trên những vấn đề còn tồn tại để có những điều chỉnh phù hợp.
Ý kiến ()