Bước chuyển quan trọng tại Iran
Hôm nay (5/7), cử tri Iran đi bỏ phiếu vòng hai cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 14, với kỳ vọng tổng thống tiếp theo sẽ dẫn dắt đất nước vượt qua hàng loạt thách thức về kinh tế, xã hội và đối ngoại. Kết quả cuộc bầu cử được cho là sẽ tác động nhất định đến chính sách đối nội và đối ngoại của Iran khi các ứng cử viên theo đuổi đường lối chính trị khác biệt.
Cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại Iran diễn ra trong bối cảnh không có ứng cử viên nào đạt được hơn 50% tổng số phiếu bầu cần thiết để giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên diễn ra cách đây một tuần. Đây là kết quả gây bất ngờ bởi trong lịch sử Iran mới có một cuộc bầu cử tổng thống phải tiến hành đến vòng hai là vào năm 2005. Vòng hai cuộc bầu cử năm nay chứng kiến cuộc đua gay cấn giữa hai ứng cử viên có tỷ lệ ủng hộ sát sao trong vòng bỏ phiếu đầu tiên là cựu Bộ trưởng Y tế Masoud Pezeshkian và cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili.
Vòng đua thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khi là cuộc đối đầu giữa hai ứng cử viên theo đuổi các quan điểm khác biệt. Ông Masoud Pezeshkian ủng hộ đường lối cải cách. Nhấn mạnh hiện dòng vốn FDI đổ vào Iran rất thấp so với các nước trong khu vực, ông Pezeshkian khẳng định, lệnh trừng phạt của phương Tây là hòn đá tảng cản trở Tehran phát triển kinh tế.
Theo đó, cựu Bộ trưởng Y tế coi việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là cách để tháo gỡ mạng lưới lệnh trừng phạt, mở đường cho quốc gia gần 90 triệu dân phục hồi nền kinh tế đang suy yếu. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Saeed Jalili theo đuổi đường lối cứng rắn với quan điểm kiên định chống phương Tây và phản đối JCPOA.
Giới phân tích nhận định, dù ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc đua vào ghế nóng, tổng thống tiếp theo của Iran sẽ đối mặt nhiều thách thức. Các nhiệm vụ trọng tâm của tân tổng thống là vực dậy nền kinh tế, cải thiện điều kiện sống của người dân, chống tham nhũng, cũng như thúc đẩy dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, đưa Iran hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu.
Vực dậy nền kinh tế được coi là nhiệm vụ nặng nề hơn cả. Theo giới chuyên gia, Iran vẫn chưa thể chữa lành những vết thương do làn sóng biểu tình bạo lực lan rộng khắp đất nước trong năm 2022-2023. Các cuộc biểu tình đã kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế vốn đang oằn mình trước các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt liên quan chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Iran ghi nhận mức lạm phát lên đến 49% vào năm 2022, khoảng 42% năm 2023, và dự báo có thể giảm xuống 30% trong năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên lên đến hơn 20%. Lạm phát tăng vọt và sự mất giá kỷ lục của đồng rial so với đồng USD gây ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống người dân.
Ngoài ra, Iran cũng đứng trước những thách thức về ngoại giao, nhất là khi tình hình địa chính trị khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, tiến trình đàm phán giữa Tehran và các nước phương Tây liên quan chương trình hạt nhân của nước này tiếp tục bế tắc. Các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh JCPOA không đạt đột phá đáng kể nào kể từ vòng đàm phán gần đây nhất kết thúc vào tháng 8/2022.
Ngay trước cuộc bầu cử hiện nay, Mỹ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, trong khi hồi tháng trước, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã thông qua nghị quyết chỉ trích Tehran thiếu hợp tác với cơ quan này. Các nhà quan sát cho rằng, tìm được tiếng nói chung với Mỹ và các nước phương Tây, tháo gỡ những nút thắt liên quan “hồ sơ hạt nhân” để hướng tới việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ là bài toán khó đối với tổng thống tiếp theo của quốc gia Trung Đông.
Trong bối cảnh Iran đang bị bủa vây bởi hàng loạt thách thức cả trong và ngoài nước, cử tri Iran kỳ vọng, chính quyền của tân tổng thống sẽ mang lại những thay đổi tích cực cho đất nước và cải thiện điều kiện sống của người dân.
Ý kiến ()