Bước chuyển ở Bình Gia
LSO- Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng hoạt động của nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Bình Gia 3 năm trở lại đây đã có những chuyển biến rõ nét.
Thành viên HTX Chè dưới tán hồi xã Tô Hiệu phát dọn cỏ đồi chè
Phát huy nội lực
Cách đây hơn 3 năm, lĩnh vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX ở huyện Bình Gia thực sự yếu kém. Toàn huyện chỉ có 2 HTX duy trì hoạt động, trong đó chỉ có 1 HTX hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động của các HTX trên địa bàn cũng dần khởi sắc và đã xuất hiện những HTX vươn lên khá mạnh. Trường hợp HTX Dịch vụ vận tải Nông lâm số 1 là một ví dụ.
Ông Bùi Hồng Quang, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập từ năm 2004, sau một thời gian hoạt động trong lĩnh vực nông lâm sản hiệu quả không cao, năm 2006, HTX chuyển hướng sang lĩnh vực khai thác đá. Thời điểm đầu, việc khai thác thô sơ, chủ yếu dùng sức người nên hiệu quả thấp, tiềm ẩn nguy hiểm mất an toàn lao động. Để khắc phục những hạn chế đó, HTX đã phát huy nội lực của các thành viên và vay mượn để đầu tư trang thiết bị máy móc, từng bước mở rộng sản xuất kinh doanh. Đến nay, doanh thu trung bình mỗi năm của HTX trên 1 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 230 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập trên 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với HTX Dịch vụ vận tải Nông lâm số 1, những năm gần đây, một số HTX khác trên địa bàn cũng đã phát huy nội lực vượt khó vươn lên. Trong đó có mô hình chăn nuôi lợn nái của HTX Nà Pái – Giao Thủy, xã Tân Văn; mô hình sản xuất và chế biến chè của HTX Chè dưới tán hồi xã Tô Hiệu; HTX Nuôi trâu sinh sản xã Vĩnh Yên…
Khai thác đá tại HTX Dịch vụ vận tải Nông lâm số 1 huyện Bình Gia
Hỗ trợ của nhà nước
Bên cạnh sự chủ động phát huy nội lực vượt khó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, trong những năm qua, huyện Bình Gia đã hỗ trợ cho các HTX vươn lên, trong đó tập trung hỗ trợ cho các HTX nông – lâm nghiệp (phần lớn các HTX trên địa bàn huyện thuộc lĩnh vực nông – lâm nghiệp). Ông Đào Thế Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Việc hỗ trợ các HTX chủ yếu từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2016 – 2018 với tổng nguồn vốn hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng và năm 2019 dự kiến hỗ trợ cho 5 HTX.
Từ nguồn vốn hỗ trợ, các HTX không chỉ xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế mới mà một số HTX đã có thêm vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; xây dựng được thương hiệu, tem nhãn cho sản phẩm, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Bên cạnh hỗ trợ nguồn lực, huyện Bình Gia còn quan tâm tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các HTX tổ chức sản xuất đúng hướng, đúng bản chất của HTX kiểu mới. Cụ thể, hằng năm, UBND huyện phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã (chủ yếu là các xã điểm xây dựng NTM) tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, tập huấn, trong đó có các nội dung liên quan đến kinh tế hợp tác. Gần đây nhất, lãnh đạo UBND huyện cùng các phòng chuyên môn đã trực tiếp xuống HTX Chè dưới tán hồi xã Tô Hiệu để tháo gỡ cho HTX về cách thức triển khai sản xuất cũng như hoạt động của mô hình HTX.
Từ sự nỗ lực của các HTX, sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực của nhà nước, lĩnh vực kinh tế HTX của huyện đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Từ chỗ chỉ có 2 HTX hoạt động cách đây 3 năm thì hiện nay, trên địa bàn huyện Bình Gia đã có 13 HTX hoạt động. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã thành lập mới 4 HTX (là một trong những huyện có nhiều HTX thành lập mới nhất trên địa bàn tỉnh); doanh thu của các HTX đạt 550 triệu đồng; giải quyết công ăn việc làm cho 213 thành viên và người lao động.
Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Mặc dù số HTX tạo ra nguồn doanh thu lớn chưa nhiều song các HTX trên địa bàn huyện được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các mô hình điểm để từng bước nhân rộng, qua đó góp phần vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Ý kiến ()