Bước chuyển mới trên vùng đất bán sơn địa
Là xã kinh tế thuần nông nhưng lại có địa hình bán sơn địa, Hương Nộn, Tam Nông, Phú Thọ chỉ có trên 300ha đất nông nghiệp. Làm thế nào để vừa đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân, vừa phát triển kinh tế mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới là bài toán được cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã cùng tìm lời giải.
Đổi mới từ trong nếp nghĩ
Với diện tích đất nông nghiệp ít thì chỉ có cách duy nhất là nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, mà điều trước tiên là phải có được diện tích “như ý” để triển khai các bước tiếp theo. Do đó, dồn điền đổi thửa là công việc đầu tiên phải được tính đến trong việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao trong xã.
Ngay từ khi cấp trên chưa có chủ trương dồn điền đổi thửa, xã đã vận động các hộ có khả năng phát triển kinh tế trang trại tự dồn đổi để có diện tích trồng trọt, chăn nuôi phù hợp nhất. Chính vì vậy, khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về dồn điền, đổi thửa, Hương Nộn là xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành toàn diện, trong đó đã chuyển gần 100ha ruộng trũng, thùng đào, thùng đấu cho các hộ phát triển kinh tế trang trại. Cùng với đó, xã có cơ chế chuyển giao, tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật, tạo vốn cho các hộ có khả năng phát triển sản xuất trên quy mô lớn, đảm bảo cho các hộ thuần nông thâm canh tăng năng suất, sản lượng cây trồng – vật nuôi.
Đầu năm 2014, xã Hương Nộn thực hiện dồn điền đổi thửa nông nghiệp theo phương thức “rũ ra làm lại”. Nếu trước kia chia bình quân đất tốt, xấu thì nay xác định rõ diện tích loại đất của từng khu dân cư, xác định hệ số tương ứng với các loại đất, lấy đó làm cơ sở thực hiện dồn đổi. Ban chỉ đạo xã xây dựng phương án giao đất đảm bảo “tiện canh, tiện cư”, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng đơn vị, kết hợp với quy hoạch giao thông, thủy lợi theo đề án nông thôn mới đã được phê duyệt.
Theo ông Phan Nguyên Toại, Chủ tịch UBND xã Hương Nộn, xã thực hiện chia lại bằng hình thức gắp phiếu, ưu tiên nhân dân gắp phiếu trước, cán bộ đảng viên gắp phiếu sau, có khu dân cư còn vận động cán bộ, đảng viên nhận chân ruộng, đất xấu. Từ chỗ bình quân 6,4 thửa/hộ, sau dồn đổi bình quân mỗi hộ còn 3,47 thửa, một số khu chỉ còn hơn một thửa/hộ. Đến thời điểm này, 100% số hộ sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn xã Hương Nộn tham gia dồn điền đổi thửa, với tổng diện tích dồn đổi trên 251ha.
Gia đình ông Đỗ Tiến Anh, khu 8, xã Hương Nộn trước có 4 thửa ruộng rải rác tại các xứ đồng. Không ngại khó khăn, ông Anh đã gương mẫu nhận thửa ruộng xấu hơn. Ông Anh cho biết: Nếu như ai cũng muốn nhận ruộng tốt, thuận lợi thì việc dồn điền đổi thửa khó thành công. Nhận ruộng, gia đình tôi chủ động bỏ thêm công sức cải tạo để có thửa ruộng bằng phẳng, rộng hơn 1.800m2, thuận lợi nhiều cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Ở xã Hương Nộn, xuất hiện nhiều trường hợp sau dồn điền đổi thửa đã có được diện tích sản xuất lớn, sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Tiến Sinh ở khu 5; Trần Văn Liên ở khu 3 dồn đổi các diện tích đồng trũng về nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi lợn, gia cầm cho thu nhập 200 – 300 triệu đồng/năm; hộ ông Đặng Văn Thông ở khu 10, Đỗ Đức Bàng ở khu 6 sau dồn đổi đã đầu tư trồng cây hương liệu cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Những điển hình tiên phong
Sau khi dồn điền đổi thửa, ở Hương Nộn đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây hương liệu, rau an toàn có giá trị thu nhập bình quân 250 – 280 triệu đồng/ha. Trong xã có thêm hàng chục hộ nhận đất để phát triển mô hình kinh tế trang trại, đến nay xã có trên 40 hộ làm trang trại cho hiệu quả, hàng chục hộ khác phát triển chăn nuôi quy mô vừa theo hướng bán công nghiệp mỗi năm thu nhập từ 40- 50 đến vài trăm triệu đồng. Đây là những mô hình vừa giải quyết việc làm vừa tạo ra sản phẩm làm giàu ngay từ điều kiện địa phương. Cùng với dồn đổi ruộng đất, xã đã quy hoạch bổ sung 63 tuyến giao thông dài hơn 13km, 21 tuyến kênh mương tưới tiêu dài 5,6km cùng hệ thống bờ lô, bờ thửa phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Được xã tạo điều kiện Hương Nộn có rất nhiều mô hình thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang lại hiệu quả như gia đình anh Bùi Văn Tường ở khu 2 đã nhận 3ha thùng đào nguyên là khu vực sản xuất gạch cũ làm trang trại chăn nuôi lợn, vịt, cá mang lại hiệu quả. Anh cải tạo, chỉnh sửa thành hơn 2ha ao thả cá, xây chuồng trại nuôi trên 2.000 vịt đẻ, trên 50 con lợn và trồng cây cối khác cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Một mô hình mới được xã đưa vào và đang tạo ra thành công đó là trồng hoa nhài. Hiện cả xã đã có 4ha trồng tập trung ở khu 6, 8, 9, 10. Cây hoa Nhài chỉ trồng một lần nhưng lại cho thu hoạch hoa nhiều năm; chi phí chăm sóc không nhiều như trồng lúa. Bà Nguyễn Thị Tính – một hộ nông dân trồng hoa nhài cho biết: “Hoa nhài cho thu hoạch 6 tháng/năm, từ tháng 4 đến tháng 9, mỗi 1kg hoa tươi bán với giá 17.000 – 18.000 đồng, 1 người có thể hái được 4 – 5 kg/ngày trong những lúc nông nhàn là khoản thu nhập cao cho nông dân như chúng tôi. Nhà tôi trồng được hơn một sào, bình quân một năm thu nhập từ 10 – 12 triệu đồng”.
Gia đình ông Đặng Văn Thông ở khu 10 là một trong những hộ đi đầu trồng hoa nhài cho biết, cây hoa nhài dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, vật tư phun thuốc rất ít và cho hiệu quả kinh tế cao. Từ năm thứ 2 cây đã cho thu nhập, trên diện tích 1 sào, gia đình thu trên 30 triệu đồng mỗi năm, cao gấp 12 lần so với trồng lúa. Sau khi thu hoạch, chúng tôi được Công ty Chè Bảo Long – Thanh Sơn có hợp đồng thu mua trực tiếp tại địa phương nên cũng yên tâm đầu ra.
Từ những hiệu quả kinh tế mang lại, đến nay xã Hương Nộn đã có 140 hộ chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa nhài, trên diện tích 5 ha, tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động tại xã. Nhiều hộ gia đình trong xã đầu tư thâm canh tốt còn thu nhập tới 280 – 300 triệu đồng/ha/năm. Nhờ có sự chuyển dịch một phần diện tích lúa sang trồng cây hoa nhài, một số hộ nông dân trong xã điều kiện kinh tế đã phát triển, đời sống vật chất đầy đủ hơn, góp phần giải quyết việc làm cho người dân lúc nông nhàn.
Trên những diện tích trồng lúa, để đảm bảo an ninh lương thực, xã đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng như: Thiên ưu 8, JO2, Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7, Hương thơm số 1… năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha. Xã tập trung trồng các giống ngô lai, ngô biến đổi gen NK66 với năng suất vượt trội đạt 224kg/sào; quy hoạch và thực hiện vùng sản xuất rau quả an toàn; vùng trồng cây hương liệu hoa nhài 7,5ha cho thu nhập từ 185 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
Hương Nộn đã chuyển đổi trên 50ha đất sản xuất 1 vụ lúa kém hiệu quả sang chuyên nuôi trồng thủy sản; khuyến khích xã viên sau dồn đổi ruộng đất, cải tạo lại hệ thống ao hồ để kết hợp nuôi cá với nuôi thủy cầm, nuôi lợn và trồng trọt theo mô hình trang trại tổng hợp, bước đầu có 45 mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập đạt từ 150 – 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, nhiều hộ xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp Hương Nộn có thu nhập và đời sống khá giả nhờ biết thay đổi tư duy trong nếp nghĩ cách làm, điển hình như hộ ông Nguyễn Đức Bàng ở khu 6 đầu tư trồng hoa nhài, hộ ông Lê Đức Thuận ở khu 8 đầu tư sản xuất lúa JO2 kết hợp với chăn nuôi…
Với sự đồng thuận trong nếp nghĩ và cách làm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hương Nộn đã thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một diện tích. Nhiều nông dân trong xã đã trở thành tỷ phú, mua sắm được xe ôtô và các loại máy móc hiện đại phục vụ nông nghiệp, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()