Bước chuyển mạnh trong xây dựng kết cấu hạ tầng ở "Thủ đô kháng chiến"
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, với sự đoàn kết, nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến đã đạt được những thành tựu to lớn. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt 35.512 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, tạo tiền đề và góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, đặc điểm địa hình phức tạp, bị chia cắt, giao thông đi lại khó khăn là yếu tố gây cản trở lớn nhất trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Do đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 – 2015) đã xác định phát triển hệ thống giao thông là một trong bốn khâu đột phá về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nghị quyết đề ra mục tiêu bê tông hóa trên 70% đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển xi măng, ống cống và kinh phí phục vụ công tác quản lý; nhân dân tự nguyện tổ chức giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi, sức lao động, máy móc thiết bị khác (hoặc bằng tiền) để thi công xây dựng. Xuất phát từ chủ trương đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, cộng với công tác tổ chức thực hiện khoa học, quản lý, giám sát chặt chẽ, chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn trở thành một phong trào rộng khắp toàn tỉnh.
Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Tuyên Quang làm được trên 2.750 km đường giao thông nông thôn, vượt kế hoạch đề ra, hoàn thành sớm so với mục tiêu của cả nhiệm kỳ. Tổng nguồn lực huy động thực hiện Đề án bê tông hoá đường giao thông nông thôn đạt trên 1.400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 52%, Nhà nước hỗ trợ 48%. Tỷ lệ thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm đạt 99,6%. Hệ thống giao thông nông thôn đã phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng, góp phần tích cực tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo công ăn, việc làm, xoá đói, giảm nghèo và giải quyết được nhiều vấn đề về kinh tế – xã hội khác. Thành công trong chương trình là nền tảng, động lực để Tuyên Quang đạt kết quả quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cùng với phát triển giao thông nông thôn, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Tuyên Quang huy động nguồn lực hoàn thành xây dựng một số cầu lớn; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị; cơ bản hoàn thành mục tiêu nhựa hoá, bê tông hoá các tuyến đường từ trung tâm huyện đến trung tâm các xã, tạo chuyển biến mạnh về mạng lưới giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng cầu Kim Xuyên (huyện Sơn Dương), cầu Tứ Quận (huyện Yên Sơn), cầu Ba Đạo (huyện Na Hang); xây dựng, cải tạo, nâng cấp 287 km đường quốc lộ, 30 km đường Hồ Chí Minh; 289 km đường tỉnh, 93 km đường đô thị, 227 km đường huyện.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục triển khai sớm việc kết nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai lên Tuyên Quang vào năm 2018; xúc tiến đầu tư xây dựng cầu Tình Húc, cầu Bình Ca vượt sông Lô và hai tuyến đường dọc hai bờ sông Lô để đầu tư phát triển thành phố Tuyên Quang lên đô thị loại 2 vào năm 2018.
Để phát triển công nghiệp, trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Tuyên Quang đã tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Khu Công nghiệp Long Bình An, Cụm công nghiệp Sơn Nam, Cụm công nghiệp An Thịnh… nhằm tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp. Đến nay, đã có 23 dự án công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 13.200 tỷ đồng, trong đó có một số dự án quan trọng như: Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, nhà máy giấy tráng phấn cao cấp, nhà máy xi măng Tân Quang, nhà máy thủy điện Chiêm Hóa, nhà máy thuỷ điện Yên Sơn, 02 nhà máy may xuất khẩu, nhà máy đường Tuyên Quang, nhà máy gang, nhà máy ăngtimon. Nhờ đó, tỉnh Tuyên Quang đã đạt giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) là 6.511,8 tỷ đồng, hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.
Về phát triển du lịch, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 và tập trung thực hiện quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành khu du lịch Quốc gia, khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, khu du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình phát triển du lịch để thu hút đầu tư và khách du lịch. Từ đó, du lịch Tuyên Quang có bước phát triển mạnh đúng định hướng. Năm 2015, tỉnh Tuyên Quang thu hút được trên 1,3 triệu lượt khách, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
![](http://dangcongsan.vn/DATA/0/2016/01/a3-14_28_37_079.jpg)
Tuyên Quang còn tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, phát triển giáo dục mầm non được coi là nền tảng. Nghị quyết số 36 về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn tỉnh với những giải pháp lãnh đạo cụ thể, phù hợp thực tiễn, được toàn xã hội chung tay chăm lo cho thế hệ tương lai của quê hương, đất nước. Chỉ sau hai năm tích cực triển khai, thực hiện, Tuyên Quang có 798 phòng học cho trẻ 5 tuổi (204 phòng học kiên cố, 554 phòng học bán kiên cố, 67 phòng học đạt yêu cầu về diện tích); trong đó, có 317 phòng học được xây mới, 243 phòng được sửa chữa; xây dựng, hoàn thiện 294 phòng vệ sinh cho các lớp mầm non… Năm 2013, Tuyên Quang đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, “về đích” trước 2 năm so với mục tiêu chung của cả nước và là tỉnh miền núi phía Bắc đầu tiên đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, 100% các xã có trường mầm non, tất cả các thôn, bản, liên thôn bản có lớp mầm non; 100% các xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, các cụm xã có trường trung học phổ thông. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Trường Đại học Tân Trào, hoàn thiện đầy đủ các cấp học từ mầm non đến đại học, tạo bước phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh…Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, văn hóa, xã hội đảm bảo phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Đến nay, đại đa số các xã đều có hệ thống trạm y tế, nhà văn hóa; hầu hết các thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng.
Với tầm quan trọng của quy hoạch phát triển đô thị nên từ nhiều năm nay việc quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển đô thị luôn là một nội dung trọng tâm trong chính sách phát triển của tỉnh Tuyên Quang. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chất lượng công tác lập quy hoạch ngày càng được nâng cao. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã từng bước chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng. Bên cạnh các nguồn lực của Nhà nước, tỉnh đã huy động được nguồn lực to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về đầu tư xây dựng. Hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, không gian, cảnh quan, kiến trúc đô thị ngày càng được bảo đảm, thể hiện ngày càng rõ nét sự kết hợp giữa tính hiện đại với bản sắc vùng miền. Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, trong đó điểm nhấn quan trọng phải nhắc đến là Dự án đầu tư xây dựng Quảng trường Nguyễn Tất Thành gắn với Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, mặc dù là tỉnh có xuất phát điểm thấp so với các tỉnh thành trong cả nước, song những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã vận dụng sáng tạo, lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới, lấy tiêu chí cái gì dân được hưởng lợi thì ưu tiên làm trước. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh đạt trên 7.255 tỷ đồng, trong đó vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 854 tỷ đồng. Qua 5 năm thực hiện, đến nay có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng mức bình quân từ 2,8 tiêu chí/xã lên 10 tiêu chí/xã.
Những thành tựu tỉnh Tuyên Quang đạt được trong 5 năm qua, đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, tạo đà cho sự phát triển nhanh hơn trong giai đoạn 2015 – 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tuyên Quang vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: Quy mô kinh tế còn nhỏ, thu hút đầu tư vào một số ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng một số lĩnh vực văn hóa, xã hội còn thấp, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.
Trong nhiệm kỳ mới, tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm, 15 chỉ tiêu chủ yếu và 10 nhóm giải pháp lớn nhằm đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015 – 2020 xác định là nhiệm vụ trọng tâm, làm cơ sở, đòn bẩy cho các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh và sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự ủng hộ, sẻ chia của các tỉnh, thành phố, đồng bào cả nước, nhất định Tuyên Quang sẽ vượt lên phát triển vững chắc, xứng đáng với truyền thống hào hùng của quê hương cách mạng, Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, tỉnh Anh hùng.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()