Bước chuyển kinh tế lâm nghiệp
LSO-Nếu như năm 2010, ước tính giá trị sản xuất lâm nghiệp chỉ ở mức 800 tỷ đồng, thì đến nay con số ấy đã xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Thực tế con số này còn kém xa so với tiềm năng phát triển lâm nghiệp của Lạng Sơn. Thế nhưng giá trị sản xuất gia tăng nhanh chóng đã chứng minh hiệu quả của hàng loạt các giải pháp đồng bộ, từ xã hội hóa đến tăng cường ứng dụng khoa học, gắn với chế biến và thị trường.
Ươm giống cây thông trên địa bàn huyện Đình Lập |
Nói đến rừng, anh Hoàng Văn Đào (thôn Hố Vạng, xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng) kể: gia đình tôi trồng keo lai và bạch đàn cao sản, toàn giống mới cả, cứ dăm năm đến kỳ khai thác, người ta đến mua gom cả rừng, chẳng tốn công khai thác. Giá trị thì tùy chất lượng và sản lượng rừng, nhưng trung bình mỗi héc ta được trả giá hơn trăm triệu đồng. Như vạt rừng bạch đàn của gia đình tôi bây giờ, gần 2 ha được định giá khoảng 220 triệu đồng.
Mấy năm nay, chẳng riêng gì nhà anh Đào, các chủ rừng trên địa bàn huyện Hữu Lũng đều có kinh tế khá giả. Cứ theo ước tính sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, thì hiện nay chỉ tính riêng khai thác gỗ nguyên liệu, chủ rừng trong toàn huyện thu hơn 80 tỷ đồng. Mà làm kinh tế rừng thì chỉ mất công, nhọc sức khi trồng, còn chăm sóc càng về sau càng nhàn. Đến kỳ khai thác, các cơ sở chế biến đến tận nơi mua, cạnh tranh từng giá, bởi gỗ nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu, không mua nhanh là hết.
Đó là chỉ tính riêng đến vùng gỗ nguyên liệu tại Hữu Lũng, còn tính rộng trên địa bàn toàn tỉnh với các vùng rừng kinh tế như vùng thông, vùng hồi… thì giá trị cao hơn nhiều. Thống kê của Chi cục Phát triển Lâm nghiệp cho thấy, chỉ tính hoạt động khai thác lâm sản và lâm sản ngoài gỗ (không kể đến chế biến và các hoạt động khác) trung bình mỗi năm toàn tỉnh đạt 790 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2014, con số này là trên 2,3 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2000-2010, khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp, các hộ gia đình có thu nhập từ rừng trung bình khoảng 20-30 triệu đồng/năm, thì giờ đây trung bình là 40-50 triệu đồng/năm, cá biệt có những gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng/năm từ rừng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 36 trang trại lâm nghiệp, tổng doanh thu hàng năm đạt hơn 4,6 tỷ đồng. Ngoài việc củng cố, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, thì rừng sản xuất được đẩy mạnh theo hướng tạo vùng nguyên liệu tập trung với trình độ thâm canh cao. Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: trong những năm qua, một số loại giống mới sinh trưởng nhanh được đưa vào sản xuất như keo lai, bạch đàn lai với phương pháp nhân giống tiên tiến bằng mô, hom… Nếu như trước đây nhiều người còn e ngại về chất lượng cây thông giống, thì từ năm 2013 trở lại đây, cơ quan chuyên môn đã xây dựng được rừng thông giống chuyển hóa tại Đình Lập, đảm bảo chất lượng của cây giống.
Công tác nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất lâm nghiệp tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Trong 3 năm trở lại đây các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hơn 4 nghìn cuộc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các chủ rừng. Đồng thời thực hiện 7 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực lâm nghiệp. Không chỉ xây dựng các mô hình trồng rừng, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các mô hình thí điểm cây lâm sản ngoài gỗ như ba kích, mây nếp, ngân hạnh…
Một trong những điểm nhấn tạo nên bước chuyển vượt bậc của kinh tế lâm nghiệp trong giai đoạn qua là phong trào xã hội hóa nghề rừng đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Trong tổng số hơn 272 tỷ đồng huy động đầu tư cho trồng rừng từ năm 2011 đến nay, thì vốn huy động từ nhân dân, doanh nghiệp lên đến trên 159,2 tỷ đồng, chiếm 58,4%; thực hiện trồng mới 17.000 ha rừng. Mặc dù đã có những bước chuyển vượt bậc, nhưng theo đánh giá của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Minh Thanh, thì giá trị sản xuất ấy vẫn còn thấp so với tiềm năng. Bởi nhiều lý do như hạ tầng giao thông cho khai thác, vận chuyển còn khó khăn; việc nhập nội các loại giống giá trị cao còn hạn chế và thực chất trong giai đoạn hiện nay, phát triển lâm nghiệp vẫn còn nặng về thực hiện chỉ tiêu diện tích trồng mới. Hay nói cách khác phát triển vẫn còn theo chiều ngang, ít có chiều sâu. Đây cũng là nhận định chung của nhiều đại biểu, đại diện cho các ngành khi đánh giá lại phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn 2011-2014.
Ông Hoàng Quang Chinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh: phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục yếu kém, tồn tại đưa kinh tế lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn nữa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành hiện nay. Trong đó để thực hiện tốt yêu cầu đề ra, kim chỉ nam chính là các mục tiêu, giải pháp mà Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2011-2020 đã đề ra, gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()