Bước chuyển của giáo dục mầm non
(LSO) – Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, những năm qua, công tác giáo dục – đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là cấp học mầm non.
Các cháu Trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Lạng Sơn trong giờ học trải nghiệm
Bà Vi Thị Giao, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Sau khi Nghị quyết 29 được ban hành, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các đơn vị sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học mầm non cho phù hợp với điều kiện thực tế. Hằng năm, ngành thường xuyên tạo điều kiện cho giáo viên mầm non bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Từ năm 2013 đến nay, hơn 20.000 lượt cán bộ, giáo viên cấp mầm non được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ. Đồng thời, sở tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các trường mầm non đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”; xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện cho trẻ.
Hệ thống trường, lớp mầm non được quan tâm củng cố, phát triển. Nếu như cuối năm học 2013 – 2014 toàn tỉnh mới chỉ có 19 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, thì đến đầu năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh có 40 trường mầm non đạt chuẩn. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 232 trường mầm non (225 trường mầm non công lập; 7 trường mầm non ngoài công lập). Chất lượng cán bộ quản lý và giáo viên ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục. Đối với cấp mầm non, đến nay, 100% cán bộ quản lý và 98,95% giáo viên đạt chuẩn trở lên (tăng 14,7% so với năm 2013).
Trong công tác giáo dục trẻ, các trường thường xuyên phối hợp với gia đình và xã hội để tạo sự đồng thuận trong chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Nhờ đó, trong năm học 2017 – 2018, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 99,5%; tỷ lệ trẻ bán trú, học 2 buổi/ngày đạt gần 100%; 100% trẻ 5 tuổi dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Các cháu Trường Mầm non Tuổi thơ, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn trong giờ thực hành cắt giấy tạo hình
Bên cạnh đó, hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được đổi mới theo định hướng toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm và với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”. Cô giáo Lâm Kim Ánh, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Thực hiện đổi mới giáo dục, nhà trường đã chủ động xây dựng xây dựng môi trường học tập tận dụng tất cả không gian trong và ngoài lớp học với các góc học tập, vui chơi nhằm tạo điều kiện cho trẻ được học, trải nghiệm, khám phá mọi lúc, mọi nơi, hình thành và phát triển kỹ năng sống cho trẻ.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được các nhà trường đặc biệt quan tâm. Đến nay, 100% các trường mầm non có công trình nước sạch. Các trường đều tuân thủ kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm và thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ngày càng được cải thiện. Năm học 2017 – 2018, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ mẫu giáo là 2,7%, giảm 0,2% so với năm học 2016 – 2017; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ mẫu giáo là 3,1%, giảm 0,6% so với năm học trước.
Thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đồ dùng, đảm bảo đủ điều kiện cho việc dạy và học; tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; góp phần phát triển vững chắc bậc học mầm non.
Ý kiến ()