Bước chuyển chiến lược
Anh vừa công bố báo cáo về tầm nhìn của nước Anh thời hậu Brexit, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây được xem là một trong những bước chuyển trong chính sách đối ngoại của Luân Đôn, nhằm hiện thực hóa chiến lược “nước Anh toàn cầu” giai đoạn hậu Brexit.
Tài liệu Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh, được Thủ tướng B.Giôn-xơn công bố trước Quốc hội Anh mới đây, vạch ra các chính sách về an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Anh thời hậu Brexit. Nhấn mạnh đây là bản đánh giá chính sách toàn diện nhất của Luân Đôn kể từ sau Chiến tranh lạnh, Thủ tướng B.Giôn-xơn khẳng định, chiến lược mới được thiết lập với mục tiêu xây dựng một nước Anh mạnh mẽ, an toàn và thịnh vượng hơn. Trong chính sách mới này, Anh thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo đó nhấn mạnh, khu vực này có ý nghĩa quan trọng đối với Anh.
Đây không phải lần đầu Anh khẳng định vai trò quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại hậu Brexit. Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 12-2020, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Đ.Ra-áp từng nhấn mạnh về triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực này trong tương lai. Giới phân tích nhận định, kinh tế là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy Anh dành sự quan tâm đặc biệt cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mặc dù Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU) theo kịch bản có thỏa thuận, song Brexit vẫn kéo theo nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nước này. Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) vừa công bố các số liệu cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của Anh sang EU, không bao gồm vàng và các kim loại quý hiếm khác, giảm 40,7% trong tháng 1-2021, tháng đầu tiên Anh rời thị trường chung EU sau 47 năm là thành viên của khối. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng gây ra nhiều vết thương cho nền kinh tế “xứ sở sương mù”. Bộ trưởng Tài chính Anh R.Xu-nác mới đây nhận định, nền kinh tế Anh đã trải qua một cú sốc nghiêm trọng do đại dịch.
Trong bối cảnh vừa nỗ lực khống chế dịch bệnh, phục hồi kinh tế, vừa phải lấp đầy những khoảng trống do Brexit tạo ra, Luân Đôn đã lựa chọn thúc đẩy chiến lược “nước Anh toàn cầu”, trong đó việc tăng cường quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được chú trọng. Để hiện thực hóa nỗ lực này, thời gian gần đây, Anh đã thực hiện hàng loạt bước đi để kéo gần khoảng cách với khu vực này. Tháng 2 vừa qua, Anh đã đưa ra đề nghị chính thức về việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia. Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh L.Trớt nhấn mạnh, CPTPP sẽ mở ra cơ hội để các công ty xuất khẩu của nước này tiếp cận thị trường Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh. Trước đó, Anh cũng ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam và Xin-ga-po. Ngoài việc giúp duy trì và thúc đẩy quan hệ thương mại song phương với các nước thời hậu Brexit, các FTA với Xin-ga-po và Việt Nam được đánh giá sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các công ty Anh tiếp cận thị trường rộng lớn của Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN). Bên cạnh đó, Anh cũng đã đề nghị trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Đ.Ra-áp nhấn mạnh, nếu trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, Anh có thể tăng cường các quan hệ đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Việc rời EU đặt ra những thách thức, song cũng mở ra nhiều cơ hội đối với nước Anh. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được kỳ vọng giúp Anh củng cố và tăng cường vị thế của đất nước giai đoạn hậu Brexit.
Ý kiến ()