Bùng nổ trong đào tạo nhân lực logistics
Logistics với tốc độ phát triển từ 10-15% mỗi năm, là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tạo ra sự nhảy vọt cho nền kinh tế.
Thời gian gần đây, nhu cầu nhân lực cho ngành này không chỉ tăng mạnh về số lượng mà cũng có những đòi hỏi phải nâng cao về chất lượng.
Chính vì vậy, Mạng lưới câu lạc bộ logistics sinh viên Việt Nam (LCN) đã chính thức được ra mắt. LCN là tổ chức quy tụ những câu lạc bộ về logistics và chuỗi cung ứng thuộc các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo trên khắp cả nước.
Với tôn chỉ kết nối – học hỏi – phát triển, LCN sẽ gắn kết các bạn sinh viên có cùng niềm đam mê về logistics và chuỗi cung ứng, tạo ra một môi trường năng động để sinh viên phát triển toàn diện về kỹ năng cũng như năng lực chuyên môn ngành.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam cho biết: “LCN sẽ giúp các thành viên có thể khắc phục những điểm hạn chế và phát huy những điểm mạnh của mình. Mạng lưới cũng sẽ là một nền tảng kết nối ban đầu để mai này, khi tỏa ra khắp các cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước, các em sinh viên vẫn có thể giúp đỡ nhau trong công việc. Và khi trưởng thành, sẽ quay về hỗ trợ các trường, các thầy cô, các thế hệ sinh viên tiếp theo trong công tác đào tạo, nghiên cứu và học tập về logistics”.
TS. Mai Xuân Thiệu – Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam mong muốn: “LCN sẽ thật sự trở thành cầu nối của các câu lạc bộ, nguồn nhân lực và các doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn của các câu lạc bộ thành viên, đưa ra những giải pháp, hướng đi đúng đắn cho các sinh viên đam mê với ngành này”.
Giới thiệu về LCN, bà Nguyễn Hoài Phương – Chủ nhiệm Mạng lưới chia sẻ, LCN sẽ đem đến môi trường học thuật sáng tạo về logistics cho sinh viên các câu lạc bộ thông qua những buổi giao lưu học thuật, các chuyến tham quan thực tế, các cuộc thi chuyên môn và cơ hội thực tập nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho nguồn nhân lực của ngành.
Đối với doanh nghiệp, LCN sẽ là cầu nối, tạo nên sự gắn kết giữa sinh viên và doanh nghiệp trong ngành; hỗ trợ doanh nghiệp trong các dự án, tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khoảng ba năm trở lại đây được xem là giai đoạn bùng nổ trong đào tạo nhân lực ngành/chuyên ngành logistics. Ở bậc đại học, tính đến tháng 10/2021, Việt Nam đã có 49 trường đại học trong tổng số 286 trường đại học trên phạm vi cả nước tuyển sinh và đào tạo ngành/chuyên ngành logistics với tổng quy mô tuyển sinh là 4.100 chỉ tiêu và tổng số lượng đang theo học tại trường khoảng 7.000 sinh viên.
Ở bậc cao đẳng và trung cấp, tính đến tháng 10/2021, cả nước có 936 trường cao đẳng và trung cấp. Trong số đó, có 54 trường cao đẳng và 11 trường trung cấp đào tạo nghề logistics với chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng là 3.560 sinh viên cao đẳng và 2.815 học sinh trung cấp; gấp gần 2 lần số trường năm 2019 (37 trường và tổng 3.280 chỉ tiêu tuyển sinh) và gấp 3 lần số trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo về logistics năm 2017 (22 trường với tổng hơn 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh).
Các trường này tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng – những nơi có nhu cầu cao về nhân lực logistics phục vụ cho phát triển sản xuất kinh doanh của địa phương với tương ứng 26 và 21 trường. Khu vực Tây Nguyên có điều kiện phát triển kinh tế kém hơn chưa có trường nào đào tạo nghề logistics trong số 61 trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn.
Ý kiến ()