"Bùng nổ" cửa hàng thức ăn nhanh
Đối với nhiều nước, fast food (thức ăn nhanh) thường dành cho những người ít thời gian và ít... tiền, còn Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Trào lưu sử dụng thức ăn nhanh gần đây "bùng nổ" ở các đô thị lớn và có xu hướng ngày càng xâm lấn thị trường thức ăn truyền thống. Không thể phủ nhận sự tiện lợi của thức ăn nhanh khi xã hội ngày càng phát triển, tuy nhiên, nếu lạm dụng đồ ăn này quá mức, sẽ dẫn đến những nguy cơ khó lường.
Hào nhoáng “đồ Tây”
Với hình ảnh hiện đại, sang trọng, sành điệu, các thương hiệu thức ăn nhanh (phần lớn đổ bộ từ nước ngoài) đã và đang chiếm lĩnh một thị phần không nhỏ trong ngành dịch vụ ăn uống Việt Nam, nhất là tại các đô thị lớn. Một số thương hiệu như KFC, Lotteria, Jollibee luôn có mức tăng trưởng hơn 30%/năm. Các thương hiệu này đều đã thiết lập mạng lưới cửa hàng khắp toàn quốc, với hàng trăm cửa hàng. Bất chấp hàng loạt những chuyện bê bối, lùm xùm vừa xảy ra trong thời gian gần đây như tái chế, đóng gói thịt bò, thịt gà ôi thiu, dán nhãn và hạn sử dụng mới rồi cung cấp cho các hãng ăn nổi tiếng trên thế giới và một số nước trong khu vực, các cửa hàng đồ ăn nhanh tại Hà Nội vẫn đắt khách.
Điều kỳ lạ ở chỗ, đối với hầu hết các nước, đồ ăn nhanh thường dành cho những người ít thời gian và ít… tiền, còn ở Việt Nam hoàn toàn ngược lại. Với mỗi suất ăn thấp nhất từ 40 nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng đang ngày càng thu hút nhiều gia đình và đại bộ phận học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên. Đây không chỉ là nơi tụ tập, ăn uống mà còn là chỗ thể hiện đẳng cấp, xu hướng “sính ngoại” của giới trẻ.
Với tiêu chí tiết kiệm cả về thời gian và tiền bạc, đồ ăn nhanh thường được chế biến rất đơn giản, đa phần là chiên, sử dụng thực phẩm rẻ tiền, trong đó phổ biến nhất là gà công nghiệp, vốn vắng bóng trong mâm cơm của nhiều gia đình từ lâu. Chưa kể, người tiêu dùng Việt Nam đang phải bỏ ra khoản tiền cao gấp hai đến ba lần so với các món ăn truyền thống Việt Nam, như phở, bún, xôi hay cơm bình dân. Chị Nguyễn Thanh Tâm, trú tại tập thể C3 Nghĩa Tân (Hà Nội) đứng đợi mua cho con một chiếc bánh hăm-bơ-gơ tại cửa hàng Lotteria Nguyễn Khánh Toàn cho biết: Loại đồ ăn này, trẻ em ăn thấy ngon đầu lưỡi, nhưng tôi thấy thịt bò chiên đầy dầu, bơ, khoai tây chiên quá nhiều dầu, nước sốt,… thật sự không tốt cho sức khỏe, ăn thường xuyên rất dễ bị béo phì.
“Biết vậy, nhưng do cháu nhà tôi rất thích ăn nên cũng đành phải chiều theo. Cả tuần cháu đã ăn xôi, bún, phở, hủ tiếu nên cuối tuần mình cho đổi vị. Ăn ít chắc không sao, còn chất lượng thì… khuất mắt trông coi, tiệm nào chả như tiệm nào”, chị Tâm cho biết.
Sức hút ngày càng mãnh liệt từ các quán ăn nhanh đã khiến không ít các nhà văn hóa, xã hội học tỏ ra lo lắng. TS Trịnh Hòa Bình (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết: “Tâm lý phổ biến hiện nay của người dân nói chung và giới trẻ nói riêng là chuộng “đồ Tây”, tất nhiên trong đó có thức ăn “Tây”. Việc sử dụng “đồ Tây” được xem như một phương tiện thể hiện đẳng cấp, phong cách sành điệu so với người chung quanh. Truyền thống ẩm thực Việt Nam khác xa phương Tây, thức ăn nhanh khi xuất hiện trên thị trường đã tạo nên sự khác biệt. Người dân tò mò, muốn thử xem món ăn này như thế nào? Tâm lý được ăn ở một nhà hàng sang trọng, đẳng cấp rõ ràng đã chi phối không nhỏ tới một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ. Tiếp đến là việc phản ứng tâm lý theo kiểu “dây chuyền” cũng là một tác nhân khiến cho giới trẻ đổ xô tới các cửa hàng thức ăn nhanh”.
Đánh trúng tâm lý tiêu dùng
Có thể nói, các thương hiệu thức ăn nhanh đã đánh trúng tâm lý tiêu dùng “sính ngoại”, “tâm lý đám đông” của một thị trường dồi dào người tiêu dùng trẻ. Với tiềm lực tài chính, các thương hiệu ngoại không khó để lựa chọn những vị trí đắc địa, đầu tư mạnh tay trang trí nội – ngoại thất cũng như quảng bá, marketing,… nhằm thu hút khách hàng. Đương nhiên, toàn bộ các chi phí đó, khách hàng đều phải “cõng”.
Trong khi đó, với chi phí bỏ ra liệu người tiêu dùng có thật sự được thụ hưởng thức ăn có chất lượng, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm? PGS, TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, “fast food” là thuật ngữ chỉ thức ăn có thể được chế biến và phục vụ cho người ăn rất nhanh chóng. Nó được thể hiện bởi ba đặc điểm về cửa hàng, thực phẩm và phương thức kinh doanh. Trong đó, cửa hàng là các quán, ki-ốt, xe đẩy, gánh hàng, mẹt hàng,… bày bán ở các đường phố, bến xe, chợ, siêu thị, khu du lịch.
Thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay như bánh mỳ, xúc xích, pizza, khoai tây chiên, xăngđuých, hăm-bơ-gơ, gà rán, kem, nước lon, và phương thức bán đem đi thường không có phòng ăn, nhà ăn hoặc chỗ ngồi, nguy cơ mất an toàn và có thể gây tổn hại tới sức khỏe người tiêu dùng là rất cao. Không thể phủ nhận những tiện ích như giúp người ăn tiết kiệm thời gian, lựa chọn khẩu vị nhanh nhưng do đồ ăn nhanh được chế biến sẵn, nếu chế biến, bảo quản không tốt, đúng quy trình sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, việc sử dụng đồ ăn nhanh thường xuyên sẽ tăng cảm giác thèm ăn bởi mùi, vị, màu do AGE (hợp chất đường đạm; chất glycosyl hóa) chất được hình thành ngay từ khi chế biến sẽ dẫn tới làm tăng các biến chứng và nguy cơ bệnh tật, tăng tốc độ lão hóa trong cơ thể như nguy cơ ung thư, đái tháo đường, bệnh tim mạch, đường ruột, ảnh hưởng tới khứu giác, dễ gây nghiện, thúc đẩy tăng cân, béo phì,… Do vậy, người tiêu dùng không nên ăn thức ăn nhanh thường xuyên, biết cách tẩy chất AGE bằng cách dùng thực phẩm chức năng để trung hòa, phân hủy và tăng đào thải chất AGE ra ngoài cơ thể.
Cũng theo PGS, TS Trần Đáng, về mặt cảm quan, chất lượng thực phẩm rất khó phân biệt, do đó, người tiêu dùng cần phải cảm nhận và so sánh giữa các hãng cung cấp thức ăn nhanh với nhau. Trong đó, cần lưu ý vị trí, địa điểm, phong cách phục vụ, giấy chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm,… để lựa chọn và sử dụng thức ăn có uy tín; tránh sử dụng hàng rong, xe đẩy, hàng hóa không rõ địa điểm, nguồn gốc nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân.
Không thể lơ là Các hãng cung cấp thức ăn nhanh có uy tín thường có các quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Tuy nhiên, không phải thế mà ta lơ là, bởi trên thực tế từng xảy ra nhiều vụ các hãng thức ăn có uy tín nhưng lại bán sản phẩm kém chất lượng, thậm chí mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ quan chức năng cần phải có quy chế kiểm soát chặt chẽ, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi tới tay người tiêu dùng. PGS, TS NGUYỄN DUY THỊNH (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) |
“Giới trẻ là phải thế !” Thỉnh thoảng, nhóm bạn của tôi rủ nhau đổi khẩu vị như gà chiên KFC, gà sốt cay Lotteria, pizza của Pizza Hut, hăm-bơ-gơ tại Burger King… Lễ Tết, sinh nhật, lớp tôi đều chọn các cửa hàng thức ăn nhanh để ăn uống, tán gẫu, bởi “giới trẻ là phải thế!”. Vừa ăn, vừa chơi, không gian đẹp mà giá không “chát”, chỉ đến cửa hàng thức ăn nhanh. LÊ TUẤN ANH Sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()