Bức xúc trong quản lý, bảo vệ rừng thông phòng hộ quốc lộ 14
Rừng thông phòng hộ, cảnh quan quốc lộ 14 đoạn từ huyện Đác Song đến thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đác Nông đến nay đã hơn 30 năm tuổi. Ngoài chức năng phòng hộ, rừng thông này còn tạo ra cảnh quan khá đẹp cho đoạn đường dài hơn 40 km mà ít nơi nào có được.Thế nhưng, do bất cập trong công tác quản lý, trong những năm qua đã có hàng chục ha rừng thông quý hiếm này bị người dân địa phương chặt phá vô tội vạ và lấn chiếm để làm nhà ở, trồng cây công nghiệp trái phép ngay trong rừng phòng hộ. Thời gian gần đây, một số đơn vị tư vấn nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 còn tự ý "bức tử" rừng thông này, gây bức xúc trong dư luận địa phương.Người dân ồ ạt chặt phá,lấn chiếm rừng thôngRừng thông phòng hộ, cảnh quan quốc lộ 14 đoạn từ huyện Đác Song đến thị xã Gia Nghĩa có diện tích 429,6 ha, được Lâm trường Đác Nông và một số đơn vị thanh niên xung phong trồng từ năm 1978 đến 1984, đến nay nhiều cây đã có đường kính...
Thế nhưng, do bất cập trong công tác quản lý, trong những năm qua đã có hàng chục ha rừng thông quý hiếm này bị người dân địa phương chặt phá vô tội vạ và lấn chiếm để làm nhà ở, trồng cây công nghiệp trái phép ngay trong rừng phòng hộ. Thời gian gần đây, một số đơn vị tư vấn nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 còn tự ý “bức tử” rừng thông này, gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Người dân ồ ạt chặt phá,lấn chiếm rừng thông
Rừng thông phòng hộ, cảnh quan quốc lộ 14 đoạn từ huyện Đác Song đến thị xã Gia Nghĩa có diện tích 429,6 ha, được Lâm trường Đác Nông và một số đơn vị thanh niên xung phong trồng từ năm 1978 đến 1984, đến nay nhiều cây đã có đường kính từ 40 đến 50 cm. Giai đoạn đầu rừng thông này do Lâm trường Đác Nông và Lâm trường
Đác Rung quản lý. Đến năm 2003, rừng thông được giao về cho UBND huyện Đác Song và các xã Đác N’drung, Nâm N’jang, Trường Xuân quản lý. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ nên đã có hàng chục ha rừng thông bị chặt phá và bị người dân lấn chiếm đất làm nhà ở, trồng cây công nghiệp. Trước tình trạng rừng thông bị tàn phá nặng nề, đến năm 2007, UBND tỉnh Đác Nông giao rừng thông phòng hộ này cho Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân và Công ty Lâm nghiệp Đác Song quản lý và bảo vệ, lúc này diện tích rừng thông chỉ còn 343 ha, giảm 86 ha. Trong thời gian hơn ba năm giao cho hai công ty lâm nghiệp quản lý, rừng thông phòng hộ tiếp tục bị người dân chặt phá, lấn chiếm làm cho diện tích giảm mạnh. Giữa năm 2010, UBND tỉnh Đác Nông thu hồi toàn bộ diện tích rừng thông này giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý, bảo vệ đến nay.
Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông Nguyễn Ngọc Tài cho biết: Sau khi được giao quản lý, bảo vệ rừng thông phòng hộ, cảnh quan quốc lộ 14 đến nay, chi cục phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thông, trong đó nhiều lần phối hợp các ngành chức năng của huyện và chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các hộ dân lấn chiếm làm nhà ở và đất sản xuất trái phép trong rừng thông phòng hộ… nhưng do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên việc ngăn chặn vẫn chưa triệt để, rừng thông tiếp tục bị người dân chặt phá và lấn chiếm làm nhà trái phép. Theo thống kê mới nhất của Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song, hiện nay có 219 hộ dân đang lấn chiếm làm nhà trái phép với 120 công trình xây dựng kiên cố và hàng chục ha rừng thông phòng hộ đã bị thay thế bằng cây công nghiệp như cà-phê, hồ tiêu…, diện tích rừng thông đã giảm xuống còn 270 ha. Toàn bộ số hộ dân lấn chiếm làm nhà trái phép này đã bị UBND huyện Đác Song ra quyết định xử lý hành chính, nhưng việc giải tỏa đưa các hộ dân ra khỏi diện tích rừng thông phòng hộ là hết sức khó khăn.
Trưởng Trạm quản lý, bảo vệ rừng thông phòng hộ, cảnh quan quốc lộ 14 (Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song) Nguyễn Phúc Quang cho biết: “Từ năm 2010 đến nay trạm chỉ có bốn cán bộ, nhân viên nhưng lại quản lý, bảo vệ tới 270 ha rừng thông, trải dài 23 km nên không thể quản lý nổi. Trong khi đó, hình thức phá rừng thông ngày càng tinh vi hơn, các đối tượng không chỉ đẽo gốc thông mà còn dùng khoan khoan vào thân cây rồi nhét, bơm thuốc diệt cỏ vào để cây thông chết dần chết mòn, sau đó lấn chiếm đất để dựng nhà, lấy đất sản xuất”.
Với những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thông phòng hộ, cảnh quan quốc lộ 14 như trên, khiến cho rừng thông quý hiếm này ngày càng bị tàn phá nặng nề.
Có hay không tình trạng doanh nghiệp “bức tử” rừng thông?
Không chỉ bị người dân chặt phá, lấn chiếm mà rừng thông phòng hộ này cũng đang bị các đơn vị thực hiện nhiệm vụ nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 lợi dụng để “bức tử”. Cụ thể, quốc lộ 14 đoạn đi qua rừng thông này do Tập đoàn Đức Long Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT. Theo thiết kế được phê duyệt thì mặt quốc lộ 14 chỉ mở rộng 11m. Trong khi đó, vào những ngày đầu tháng 4 vừa qua, các ngành chức năng của tỉnh phát hiện các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công quốc lộ 14 đã tiến hành đánh dấu, bài cây chuẩn bị chặt phá với tổng số 1.095 cây, trong đó có tới 969 cây thông, nhiều nhất là tại Km 821 149, quốc lộ 14 thuộc địa bàn xã Nâm N’jang, huyện Đác Song. Điều đáng quan tâm là trong số những cây thông bị đánh dấu, bài cây để chặt phá, có những cây thông nằm cách xa quốc lộ 14 tới 30 m, thậm chí tại Km 818 573 rừng thông đã bài cây sâu tới 31 m so với đường quốc lộ để thiết kế trạm thu phí.
Điều khiến dư luận bức xúc là trên cả đoạn đường từ thị xã Gia Nghĩa về đến cầu 20, huyện Đác Song dài 25 km, nhiều đoạn không có rừng thông nhưng đơn vị tư vấn không chọn để thiết kế trạm thu phí mà chọn ngay khu vực rừng thông đã hơn 30 năm tuổi, có mật độ cây dày để thiết kế trạm thu phí.
Trước đó vào năm 2010, cũng thực hiện việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14, có nhiều diện tích cây thông quý hiếm đã hơn 30 năm tuổi dọc theo hai bên quốc lộ đoạn qua xã Nhân Cơ, huyện Đác R’lấp, mặc dù nằm cách xa mặt quốc lộ nhưng đều bị chặt phá, gây bức xúc cho người dân địa phương.
Dư luận đặt câu hỏi, liệu các doanh nghiệp, đơn vị và các ngành chức năng ở địa phương đang lợi dụng vào việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14 để “bức tử” rừng thông phòng hộ, cảnh quan quý hiếm này?
Theo Nhandan
Ý kiến ()