Bức tranh trái ngược về tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng 9 tháng
Lý do lợi nhuận của các nhà băng vẫn duy trì tốt là do hoạt động mua bán chứng khoán, hoạt động dịch vụ và tiền gửi không kỳ hạn vẫn tăng đều.
Hàng loạt ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Bức tranh tổng quan cho thấy có sự thay đổi đáng kể vị trí trong bảng xếp hạng.
Nhiều ngân hàng lãi lớn
Mặc dù cũng nằm trong vòng xoáy ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng kết thúc quý 3, hàng loạt ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh với lợi nhuận đa phần đều tăng mạnh, có những ngân hàng lợi nhuận tăng hàng chục lần so với cùng kỳ năm 2020.
Trong các ngân hàng đã công khai số liệu tài chính quý 3, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là nhà băng có lãi lớn nhất với lợi nhuận trước thuế 5.562 tỷ đồng, tăng 40% so với quý 3/2020. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng này báo lãi 17.098 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) có lợi nhuận trước thuế đạt 3.060 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đạt 11.884 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020.
Ở nhóm tầm trung về quy mô tổng tài sản, các ngân hàng cũng lần lượt công bố mức tăng trưởng lợi nhuận rất cao.
Đơn cử, lợi nhuận trước thuế của TPBank tăng 45%; ABBank tăng 68%; VIB tăng 32%, ACB tăng 40%, OCB tăng 50% Một số ngân hàng, lợi nhuận tăng bằng lần như NCB lợi nhuận tăng gần 8 lần trong 9 tháng, MSB tăng 2,5 lần.
Đặc biệt, SeABank công bố lợi nhuận trước thuế quý 3 tăng trưởng 3 chữ số 110% so với cùng kỳ, đạt 974 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, lợi nhuận của SeABank đạt 2.530 tỷ đồng, tăng trưởng tới 123% so với 9 tháng năm 2020.
Nhiều ngân hàng thuộc nhóm cuối về quy mô tổng tài sản cũng ghi nhận mức tăng lợi nhuận mạnh. Đơn cử như ABBank báo lãi quý 3 là 408 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận 9 tháng của nhà băng này đạt 1.556 tỷ đồng, tăng tới 68%. Hay lợi nhuận quý 3 của PGBank gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm trước, đạt 97 tỷ đồng. Sau 9 tháng, ngân hàng nhỏ này báo lãi 272 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.
Lý do lợi nhuận của các nhà băng trên tăng mạnh là trong các mảng kinh doanh thì lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán tăng đột biến, có ngân hàng tăng gấp đến 4,7 lần cùng kỳ. Ngoài ra, lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng. Đặc biệt nhiều ngân hàng tập trung vào chiến lược đẩy mạnh chất lượng tài sản hơn là quy mô, tận dụng nguồn vốn dài hạn chất lượng với chi phí vốn thấp hơn từ ủy thác đầu tư và phát hành giấy tờ có giá, hài hòa cấu trúc huy động và góp phần giảm chi phí vốn đáng kể.
Bên cạnh đó, các nhà băng cũng đưa ra nhiều chương trình miễn phí thanh toán nên đã có lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao. Trong đó phải kể đến Techcombank, đây là ngân hàng có mức CASA cao nhất toàn ngành với tỷ lệ 49% tại thời điểm kết thúc quý 3, tăng so với mức 46,1% của quý trước. Như vậy trong vòng 12 tháng qua CASA tại ngân hàng này đã tăng 59,1% và đạt 155.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 27% và 114,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, trong nhóm “Big 4” mới chỉ có VietinBank công bố lãi 32%, ba ngân hàng còn lại chưa công bố. Trong khi đó, theo ước tính của SSI Research, trong quý 32021, lợi nhuận của Vietcombank chỉ tăng 0,3%. Ước cả năm, Vietcombank tăng lợi nhuận 5,4%. Nguyên nhân doanh thu của ngân hàng bị ảnh hưởng liên tiếp do giảm lãi vay hỗ trợ khách hàn. Trong năm nay, Vietcombank cũng dự kiến giảm 7.100 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ khách hàng.
Trong khi đó, lợi nhuận của Agribank chắc chắn cũng chỉ tăng ở mức rất thấp do ngân hàng này ước tính cắt giảm khoảng 7.000 tỷ đồng lợi nhuận năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ tính khoảng thời gian từ ngày 15/7 đến 31/8, tổng số tiền lãi mà Agribank cắt giảm cho khách hàng đã lên tới 4.726 tỷ đồng, cao nhất trong các ngân hàng.
BIDV cũng là ngân hàng có mức giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng tương tự các ngân hàng còn lại, song do xuất phát từ nền thấp của năm 2020, có thể năm nay, lợi nhuận BIDV tăng trưởng tốt hơn các ngân hàng còn lại.
Nợ xấu nghi ngờ tăng mạnh
Một điểm đáng lưu ý trong quý 3, nợ nghi ngờ mất vốn tại nhiều nhà băng tăng mạnh, có nơi tăng vài lần.
Chẳng hạn, tại LienVietPostBank, tính đến 30/9, nợ nghi ngờ mất vốn đã tăng 2,7 lần so với đầu năm, từ hơn 356 tỷ đồng lên hơn 974 tỷ đồng.
Tại Kienlongbank, nợ nghi ngờ mất vốn cũng tăng 2 lần, từ gần 50 tỷ đồng hồi cuối 2020 lên 102,6 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2021.
Hay tại một nhà băng khác là VietBank, nợ nghi ngờ mất vốn cũng tăng gần 2,6 lần, từ 91,3 tỷ đồng lên gần 236,6 tỷ đồng sau 9 tháng.
Tại Techcombank, sau diễn biến rất tích cực trong nửa đầu năm, nợ xấu trong quý 3/2021 của nhà băng này bất ngờ tăng thêm hơn 710 tỷ đồng, tương đương tăng 63,5% lên 1.819 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gấp đôi lên 443 tỷ đồng; nợ nhóm 3 tăng 83% lên 727 tỷ đồng.
ACB cũng ghi nhận nợ xấu tiếp tục tăng trong quý 3. Tại ngày 30/9, nợ xấu của ngân hàng là 2.822 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối quý 2 và tăng 53% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 201% và 76% trong 9 tháng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% lên 0,85%.
Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, nợ xấu tăng không có gì ngạc nhiên khi mà dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, nhiều tiểu thương không được bán hàng vì giãn cách xã hội…
“Khi người dân, doanh nghiệp quá khó khăn thì việc nợ bị quá hạn là chuyện thường ngày ở huyện,” vị lãnh đạo trên cho hay.
Diễn biến trên cũng thể hiện đúng tình hình, khi mà trước đó, báo cáo trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cũng khẳng định, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1%-7,7% lên xấp xỉ 8%. Ngân hàng Nhà nước đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Chuyên gia Cấn Văn Lực thì phân tích áp lực đối với ngân hàng trong thời gian sắp tới là khó tránh khỏi. Kết quả kinh doanh của ngân hàng 9 tháng qua cơ bản vẫn tốt phần lớn do dư địa của 6 tháng đầu năm. Ba tháng cuối cùng, các vấn đề, trong đó có nợ xấu, có thể sẽ được phản ánh rõ ràng hơn vào kết quả kinh doanh và điều đó chính là áp lực của các ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn.
Bởi vậy, lo ngại nợ xấu và nợ tái cơ cấu, nhiều ngân hàng cũng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng “bộ đệm” chống đỡ dù điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận./.
Ý kiến ()