Bù đắp lỗ hổng kiến thức hậu đại dịch
Tình trạng học sinh, sinh viên thiếu hụt kiến thức trong thời đại dịch Covid-19 đang là mối lo của nhiều quốc gia. Nếu không kịp thời bù đắp lỗ hổng kiến thức, không chỉ tương lai của các em bị ảnh hưởng mà điều này còn gây ra nhiều hệ lụy xã hội đáng lo ngại khác.
Theo trang Project Syndicate, các trường học trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã mở cửa trở lại sau một thời gian dài đóng cửa do đại dịch Covid-19. Giờ đây, khi các phụ huynh thở phào nhẹ nhõm vì con em của họ có thể đến trường học trực tiếp thì nhà trường và giáo viên lại đang lo lắng tìm cách giải quyết những hậu quả đáng kể mà đại dịch Covid-19 gây ra cho ngành giáo dục.
Trong thời gian đại dịch, nhiều trường học đã triển khai phương pháp học trực tuyến. Hình thức học từ xa này thực tế kém hiệu quả hơn so với việc học trực tiếp trên lớp, đặc biệt tại các nước đang phát triển.
Học sinh tại một trường học ở Thái Lan. Ảnh: UNICEF |
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Pich Chantra, 53 tuổi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Techo Hun Sen Chraing Chamres, tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia cho biết: “Nỗi lo lắng lớn nhất của tôi khi trường học đóng cửa là rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ không có khả năng mua sắm trang thiết bị học trực tuyến cho con em họ. Toàn bộ đội ngũ giáo viên ở trường đã nỗ lực rất nhiều trong việc tiếp cận để giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, khi trường học mở cửa trở lại, tôi nhận thấy rằng, một số em vẫn bị tụt hậu rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt là những em mà gia đình không thể hỗ trợ việc học của con”.
Thầy Pich Chantra cũng cho biết, hiện trường đang tổ chức phụ đạo cho các em để bù đắp kiến thức thiếu hụt. Trường cũng tăng cường sự phối hợp giữa giáo viên và gia đình để giúp các em bắt kịp bạn bè.
Trong khi đó, chia sẻ về những khó khăn khi học tập tại nhà trong bối cảnh đại dịch, Heng Nuthchoarvy, học sinh Trường Tiểu học Techo Hun Sen Chraing Chamres cho biết: “Việc học trực tuyến không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đôi khi điện thoại có thể mất mạng. Em đã cố gắng để theo kịp chương trình học, nhưng việc học trực tuyến không hiệu quả bằng học trên lớp. Em rất lo lắng mình sẽ bị tụt lại phía sau so với các bạn”.
Tình trạng mà Heng Nuthchoarvy gặp phải không hiếm. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trung bình các học sinh và sinh viên tại châu Á mất nửa năm học hiệu quả do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nếu không có biện pháp khắc phục, vấn đề thiếu hụt kiến thức của học sinh và sinh viên sẽ làm giảm năng suất lao động của họ trong quá trình làm việc, kéo theo mức thu nhập giảm tổng cộng 3,2 nghìn tỷ USD tính theo tỷ giá năm 2020, tương đương 13% GDP của các nước đang phát triển ở châu Á năm 2020.
Chính phủ các nước đã công bố nhiều biện pháp kích thích để thúc đẩy nền kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng chưa đến 3% nguồn quỹ này được dành cho giáo dục và hơn 200 triệu học sinh tại nhiều quốc gia không có đủ phương tiện để học tập từ xa.
Các nghiên cứu cho thấy mức độ ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn học tập không đồng đều, khiến việc khắc phục trở nên khó khăn hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ em gái và học sinh nghèo là đối tượng gặp nhiều khó khăn khi học tập trực tuyến, do ít được tiếp cận với máy tính, internet, thiếu sự hỗ trợ của phụ huynh hoặc người lớn, cũng như thiếu môi trường học tập thích hợp tại nhà.
Bên cạnh đó, nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng do gia đình gặp khó khăn về kinh tế thời kỳ đại dịch. Điều đó sẽ dẫn tới mức thu nhập sau này của học sinh, sinh viên thuộc nhóm 20% hộ gia đình nghèo nhất ở các quốc gia châu Á giảm 1/3 so với nhóm 20% số gia đình giàu nhất, tương ứng mức thu nhập trong cuộc đời họ giảm 47%. Ước tính thu nhập trong tương lai của các nữ sinh cũng sẽ thấp hơn 28% so với mức của nam sinh.
Trong bối cảnh năm học mới tại nhiều nước châu Á sẽ bắt đầu trong vài tháng tới, chính phủ các nước cần khẩn trương khắc phục tình trạng hổng kiến thức bằng cách củng cố lại các hệ thống trường học và bảo đảm mạng lưới an sinh xã hội.
Trước hết, các nhà trường cần bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch để tránh tình trạng học sinh, sinh viên lại gián đoạn việc học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần áp dụng phương pháp giảng dạy có mục tiêu, phù hợp với trình độ của từng học sinh và sinh viên, đồng thời theo dõi thường xuyên sự tiến bộ của các em.
Quan trọng hơn cả là cải thiện cơ hội học tập cho đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng cách thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội. Các chương trình bữa ăn học đường và hỗ trợ chi phí giáo dục có thể giảm tỷ lệ bỏ học và khuyến khích những học sinh đã nghỉ học trở lại trường.
Sau cùng, các nhà hoạch định chính sách tại châu Á cần xây dựng hệ thống giáo dục mang tính linh hoạt và có khả năng phục hồi nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp. Không ai có thể dám chắc rằng sẽ không xuất hiện một đại dịch tương tự trong tương lai.
Do vậy, các quốc gia trong khu vực phải trang bị khả năng chuyển sang hình thức học từ xa trong thời gian ngắn, theo đó, tất cả nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh cần được chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng này.
Ý kiến ()