Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vừa quyết định sẽ thành lập một ngân hàng phát triển chung của khối theo mô hình Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm thúc đẩy kinh tế tại các nước đang phát triển và mới nổi, đồng thời tăng cường liên kết kinh tế, thương mại nội khối và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.Hiện chiếm gần 18% GDP, 15% thương mại và 40% dự trữ ngoại tệ của toàn cầu, nhóm BRICS được coi là động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng. Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đánh giá, tiềm năng kinh tế của năm nước BRICS rất mạnh và nhóm này có thể nằm trong nhóm bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định, không thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng của BRICS trên trường quốc tế. Các nước mới nổi khi thúc đẩy phát triển kinh tế của mình đã dẫn dắt kinh tế toàn cầu phục hồi. Tiếng nói...
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vừa quyết định sẽ thành lập một ngân hàng phát triển chung của khối theo mô hình Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm thúc đẩy kinh tế tại các nước đang phát triển và mới nổi, đồng thời tăng cường liên kết kinh tế, thương mại nội khối và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Hiện chiếm gần 18% GDP, 15% thương mại và 40% dự trữ ngoại tệ của toàn cầu, nhóm BRICS được coi là động lực thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng. Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ đánh giá, tiềm năng kinh tế của năm nước BRICS rất mạnh và nhóm này có thể nằm trong nhóm bốn nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào khẳng định, không thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng của BRICS trên trường quốc tế. Các nước mới nổi khi thúc đẩy phát triển kinh tế của mình đã dẫn dắt kinh tế toàn cầu phục hồi. Tiếng nói và tính đại diện của các nước mới nổi trong các vấn đề quốc tế ngày càng quan trọng, góp phần thúc đẩy một thế giới công bằng, phát triển hơn.
Để tìm kiếm những con đường mới cho sự phát triển và thịnh vượng, tại Hội nghị cấp cao vừa qua ở Thủ đô Niu Đê-li (Ấn Độ), nguyên thủ quốc gia của năm nước BRICS đã ký hai thỏa thuận về giao dịch thương mại bằng đồng nội tệ của các nước, giúp giảm sự phụ thuộc vào các đồng tiền cứng và có thể chuyển đổi như USD, yên Nhật trong các giao dịch giữa các nước BRICS, đồng thời giúp giảm các chi phí giao dịch thương mại nội khối, thúc đẩy thương mại giữa các thành viên trong nhóm. Hội nghị còn nhất trí về các biện pháp nhằm tăng cường liên kết giữa thị trường chứng khoán các nước thành viên, theo đó cho phép các công ty chứng khoán năm nước có thể niêm yết chéo và giao dịch cổ phiếu bằng đồng nội tệ. Các nước BRICS cũng ký thỏa thuận cho phép các ngân hàng phát triển trong khối cho vay bằng đồng nội tệ tiến tới thay thế USD trong các giao dịch nội khối.
Ngoài ra, để có nguồn tài chính cho các dự án phát triển không chỉ tại các nước trong nhóm mà cả ở các nước đang phát triển, các nước thành viên BRICS nhất trí lập một nhóm công tác chung để nghiên cứu xây dựng một ngân hàng phát triển của nhóm. Ngân hàng trên sẽ tài trợ cho các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như cung cấp các khoản vay dài hạn hơn để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giống như cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay ở châu Âu. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với dự trữ ngoại tệ hơn 4.000 tỷ USD mà BRICS đang nắm giữ, ngân hàng phát triển chung này khi được thành lập sẽ có số vốn rất lớn, giúp các nước trong khối phát triển mạnh hơn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm 2012 tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 8,2%, của Ấn Độ là 7%, của Bra-xin, Nga và Nam Phi là hơn 3%. Do đó, trao đổi thương mại bằng đồng tiền riêng của năm nước trên sẽ tác động rất lớn đến USD và ơ-rô, những đồng tiền dự trữ chủ chốt hiện nay. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng BRICS sẽ cần nhiều thời gian để thực hiện dự án đầy tham vọng này, do trước hết phải xác định cơ cấu cũng như cách thức huy động vốn cho ngân hàng chung.
Trong bối cảnh dòng vốn trên thế giới đang thay đổi nhanh chóng trong những năm gần đây, nguyên thủ các nước BRICS bày tỏ lo ngại về chính sách tiền tệ mà các nước phương Tây đang theo đuổi, cho rằng những chính sách này đang gây phương hại cho các nền kinh tế mới nổi. BRICS kêu gọi chống lại các xu hướng bảo hộ, nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hải quan, đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ ổn định giá dầu mỏ đối với quá trình phục hồi kinh tế thế giới.
Với lợi thế chiếm tới 40% dân số thế giới, tiềm năng tăng trưởng thương mại và đầu tư nội khối của BRICS là rất lớn, tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế của khối và nhiều nước đối tác. Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh đà tăng trưởng của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang suy giảm, sự nổi lên của nhóm BRICS đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới và các nhà lãnh đạo năm nước thành viên đang mở ra cơ hội cho các công ty của thị trường mới nổi thách thức các công ty toàn cầu của các nước công nghiệp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()