BRICS muốn nâng tầm vị thế toàn cầu
Ngày 13/4/2023, lễ nhậm chức Chủ tịch Ngân hàng phát triển mới (NDB) của cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff chính thức diễn ra. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích để BRICS nâng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.
“Bà đầm thép của Brazil” là mảnh ghép hoàn hảo cho NDB?
Hơn 10 năm trước, vào ngày 15/7/2014, NDB được chính thức thành lập tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 6 với số vốn ban đầu là 100 tỷ USD. Bên cạnh vai trò là một ngân hàng phát triển đa phương của các quốc gia khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), nó còn là công cụ cạnh tranh quan trọng của BRICS với các tổ chức đang kiểm soát hệ thống tài chính, tiền tệ toàn cầu hiện nay như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do Mỹ hậu thuẫn.
Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng, BRICS những năm gần đây đã dần mất đi một số động lực phát triển do nhiều nguyên nhân. Về chủ quan, tăng trưởng kinh tế ở Nga, Brazil, Nam Phi hay thậm chí là Trung Quốc đều chậm lại so với thời điểm NDB ra mắt. Về khách quan, môi trường quốc tế diễn biến không thuận lợi khi đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, căng thẳng leo thang tại các điểm nóng như ở Ukraine, hai bên bờ eo biển Đài Loan (Trung Quốc), hay biên giới Trung-Ấn… khiến môi trường phát triển thiếu ổn định.
Do vậy, BRICS không thể hiện được vai trò trong việc định hình luật chơi, khiến cơ chế này không thể giúp các nước thành viên, nhất là Trung Quốc, Nga củng cố hiệu quả vị thế của mình trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff làm Chủ tịch NDB, hay còn gọi là Ngân hàng BRICS được kỳ vọng là một bước đi có thể chấn hưng BRICS.
Dilma Rousseff sinh năm 1947, khá thẳng thắn và nổi tiếng nóng tính khiến bà có biệt danh “Bà đầm thép” tại chính trường Brazil. Bà còn được đương kim Tổng thống Lula da Silva gọi là “mẹ của PAC” (Chương trình thúc đẩy tăng trưởng trị giá 660 tỉ euro của Brazil) nhằm ám chỉ việc bà lãnh đạo trực tiếp, toàn diện dự án phát triển kinh tế của chính phủ, chịu trách nhiệm chi hàng tỷ đôla trong nâng cấp cơ sở hạ tầng của Brazil. Bà cũng có tư duy đẩy mạnh vai trò của nhà nước trong các lĩnh vực chiến lược như ngân hàng, dầu khí và năng lượng.
Có thể thấy, với tư duy và kinh nghiệm điều hành, quản lý kinh tế dày dặn như vậy, Dilma Rousseff hoàn toàn phù hợp với vai trò “thuyền trưởng con tàu NDB” ngân hàng mà một trong những chức năng trọng tâm là cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển.
Việc bà Dilma Rousseff nhậm chức ngay trong chuyến thăm của Tổng thống Brazil Lula da Silva đến Trung Quốc cũng cho thấy, phía Trung Quốc rất kỳ vọng bà Dilma có thể giúp nước này thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).
Động lực mới nào cho BRICS?
Sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây nhất vào năm 2022, ý tưởng mở rộng nhóm đã được củng cố và dự kiến sẽ có thêm nhiều nước gia nhập BRICS trong năm nay. Ba quốc gia đã chính thức đăng ký gia nhập BRICS (Argentina, Algeria, Iran) và một số quốc gia khác đang xem xét công khai động thái tương tự (Indonesia, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nigeria, Mexico).
BRICS hiện chiếm 31,5% GDP theo sức mua tương đương (PPP) toàn cầu, trong khi tỷ lệ của nhóm G7 đã giảm xuống còn 30%. Các nước BRICS dự kiến sẽ đóng góp hơn 50% GDP toàn cầu vào năm 2030, và với việc mở rộng BRICS thì mục tiêu này gần như chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.
Thứ hai, thương mại song phương giữa các nước BRICS cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ: Kim ngạch thương mại giữa Brazil và Trung Quốc tăng kỷ lục và đạt 150 tỷ USD vào năm 2022; giữa Brazil và Ấn Độ năm 2021 tăng 63%, đạt hơn 11 tỷ USD; Nga đã tăng gấp ba lần xuất khẩu sang Ấn Độ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước (đạt 32,8 tỷ USD); kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga tăng từ 147 tỷ USD năm 2021 lên 190 tỷ USD năm 2022 (khoảng 30%).
Thứ ba, BRICS đang tích cực tạo ra các lựa chọn thay thế cho sự “thống trị” của đồng USD. Hầu như hàng tuần đều xuất hiện một thỏa thuận mới giữa các quốc gia về việc dùng đồng tiền khác USD để giao dịch. Ngay cả Thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa Marco Rubio đã thú nhận vào cuối tháng 3 vừa qua rằng, Mỹ sẽ ngày càng mất khả năng trừng phạt các nước nếu họ giảm sử dụng đồng USD.
Ngay thời điểm này, một đơn vị của BRICS cũng đang tích cực với dự án R5 (Renminbi, Ruble, Reais, Rupee và Rands) để đề xuất loại tiền dự trữ riêng cho 5 quốc gia. Điều này sẽ cho phép các thành viên BRICS dần thúc đẩy hoạt động thương mại song phương không phụ thuộc vào đồng USD, từ đó làm giảm tỷ lệ dự trữ USD quốc tế.
Cuối cùng, BRICS có thể khai thác tiềm năng của Quỹ dự phòng khẩn cấp (CRA) với tổng trị giá 100 tỷ USD để giải cứu các quốc gia vỡ nợ. Trong nhiều thập kỷ, IMF sẽ tận dụng sự tuyệt vọng và thiếu các lựa chọn của quốc gia vỡ nợ để áp đặt chính sách “thắt lưng buộc bụng” (yêu cầu cắt giảm ngân sách nhà nước, tư nhân hóa và các biện pháp tự do thể chế khác), biến nó trở thành một trong những “vũ khí” của Mỹ và Liên minh châu Âu để đảm bảo việc thực hiện chủ nghĩa tự do thể chế ở các quốc gia đang phát triển.
Nguồn: https://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/brics-muon-nang-tam-vi-the-toan-cau-i691134/
Theo cand.com.vn
Ý kiến ()