BRICS hợp tác toàn diện và những thách thức không dễ vượt qua
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 tại Goa, thành phố ở miền Tây Ấn Độ đã kết thúc với việc thông qua hàng loạt văn kiện quan trong, thúc đẩy hợp tác toàn diện trong nội bộ khối với mục tiêu góp phần quan rọng vào việc khôi phục nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tham vọng đó đang phải đối diện với nhiều thách thức không dễ vượt qua trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những diễn biến khó lường.
Khẳng định vai trò của BRICS đối với nền kinh tế toàn cầu
Ngày 15/10, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đã khai mạc bằng bữa tiệc xã giao với sự tham dự của lãnh đạo 5 quốc gia thành viên là Tổng thống Brazil Michel Temer, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.
Với chủ đề “Xây dựng các giải pháp phản ứng nhanh, nhiều thành phần tham gia và mang tính tập thể” do nước chủ nhà Ấn Độ đề xướng, trong hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS đã thảo luận về những triển vọng và thách thức đối với tăng trưởng toàn cầu, vai trò của BRICS trong việc dẫn dắt sự tăng trưởng toàn cầu, hợp tác trong BRICS, cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực khác. Bên lề Hội nghị, tại các cuộc thảo luận chung cũng như các cuộc gặp gỡ song phương, các nhà lãnh đạo BRICS cũng trao đổi ý kiến về các vấn đề “nóng” trên toàn cầu, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề chống khủng bố… Đây cũng là dịp để lãnh đạo các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nêu ra những quan điểm riêng cũng như đề xuất các giải pháp cho nhiều vấn đề mà thế giới và khối này đang đối mặt.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm 15% sản lượng kinh tế toàn cầu, tương đương 16.600 tỷ USD. Tổng dự trữ ngoại tệ của các nước BRICS lên tới 4.400 tỷ USD, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 3/4. Cũng theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của năm nước thành viên BRICS đã tăng từ 3.200 tỷ USD năm 2012, lên 3.470 tỷ USD năm 2014. Trong khi đó, thương mại nội khối của BRICS tăng từ 281,4 tỷ USD năm 2012 lên 297 tỷ USD năm 2014. Nhóm BRICS đã trở thành đầu tàu, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính.
Hợp tác toàn diện – động lực và mục tiêu sống còn của BRICS
Hội nghị lần này của BRICS diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong đó có BRICS, tăng trưởng yếu, do vậy đẩy mạnh hợp tác kinh tế nội khối là nội dung quan trọng hàng đầu mà các nhà lãnh đạo 5 nền kinh tế mới nổi này nhất trí nhấn mạnh.
Kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS đã thông qua Tuyên bố về kết quả hội nghị cũng như Kế hoạch hành động chung nhằm thực hiện Tuyên bố trên, trong đó đề ra hoạt động cụ thể của nhóm trong năm tới. Đại diện 5 nước BRICS cũng thông qua Biên bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau trong tạo lập khuôn khổ cho các nghiên cứu nông nghiệp, tình hình của Ủy ban hợp tác thuế quan BRICS, cũng như Biên bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau giữa các học viện ngoại giao 5 nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng các nước thành viên BRICS cần phối hợp trong cuộc chiến chống nạn rửa tiền, tham nhũng cũng như chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Thủ tướng Modi khẳng định cần xây dựng một văn bản pháp lý cũng như có cơ chế nhằm chấm dứt các hành vi rửa tiền và tham nhũng. Ông Modi đồng thời kêu gọi các nước BRICS tăng cường liên lạc trong các vấn đề an ninh và chống khủng bố, đảm bảo cuộc sống yên bình cho người dân. Cụ thể, theo Thủ tướng Ấn Độ, để chống khủng bố, các nước BRICS cần phối hợp hành động; cần cắt đứt mọi nguồn cung tài chính, vũ khí, đào tạo cũng như hỗ trợ chính trị cho những kẻ khủng bố.
Thủ tướng Modi cũng kêu gọi 5 quốc gia thành viên tăng cường quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, đường sắt và thể thao.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất các nước BRICS phát triển cơ chế hợp tác chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như bệnh Ebola, virus Zika…, đồng thời soạn thảo một quan điểm chung nhằm điều chỉnh vấn đề thương mại điện tử.
Theo tuyên bố chung, các nước thành viên BRICS đều nhất trí hợp tác trong mọi vấn đề căn cứ theo luật pháp quốc tế.
Trong tuyên bố, các nước thành viên BRICS nhắc lại quan điểm chung về những biến đổi sâu sắc hiện nay trên thế giới theo hướng chuyển sang trật tự quốc tế đa cực, dân chủ và công bằng trên cơ sở vai trò trung tâm của Liên hợp quốc và tôn trọng luật pháp quốc tế. Năm nước cũng khẳng định cần phối hợp giải quyết các vấn đề toàn cầu và hợp tác thiết thực trên tinh thần đoàn kết, hiểu biết và tin tưởng nhau. Các bên đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực tập thể trong giải quyết các vấn đề quốc tế.
Nhóm 5 nước khẳng định thực thi các nguyên tắc về trách nhiệm, hợp tác và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước để loại bỏ tình trạng áp đặt các biện pháp đơn phương mà không căn cứ vào luật pháp quốc tế. Các nước đồng thời lên án hành động can thiệp quân sự và trừng phạt kinh tế đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như những quy tắc trong quan hệ quốc tế được tất cả công nhận. Các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS nhấn mạnh không một quốc gia nào được tăng cường an ninh của nước mình bằng cách gây bất lợi cho an ninh của các nước khác.
Về vấn đề Syria, các nước thành viên BRICS kêu gọi tất cả các bên quan tâm vấn đề này phối hợp để giải quyết toàn diện một cách hòa bình cuộc xung đột, có tính đến những mong muốn hợp pháp của người dân Syria, trên cơ sở đối thoại dân tộc và tiến trình chính trị, căn cứ theo Thông cáo Geneva ngày 30-6-2012 và các nghị quyết 2254 và 2268 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mà người Syria đang thực hiện. Năm nước cũng kêu gọi đấu tranh chống các nhóm vũ trang mà Liên hợp quốc coi là khủng bố như tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng và nhóm Mặt trận Al-Nusra, vốn được coi là nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở Syria. Các bên thể hiện quan ngại sâu sắc về tình hình tại Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời tuyên bố ủng hộ mọi nỗ lực nhằm tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia trong khu vực đó.
BRICS cũng bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh tại Afghanistan và các hoạt động khủng bố gia tăng đáng kể tại quốc gia Trung Á này. Các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác đa phương cấp khu vực trong vấn đề Afghanistan, trước tiên là các tổ chức như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể….
Cũng trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS còn đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chú ý đến ý kiến của các quốc gia nghèo khó nhất và tăng số lượng đại diện từ các nước nghèo trong hệ thống tài chính này. Năm nước thành viên kêu gọi các hệ thống kinh tế châu Âu thực hiện cam kết của mình và nhường 2 vị trí lãnh đạo trong Hội đồng điều hành IMF cho các nước nghèo. IMF cũng cần tăng tiếng nói và quyền đại diện của các nước thành viên nghèo nhất, bao gồm cả các nước khu vực châu Phi hạ Sahara trong vấn đề cải cách IMF. Các nước thành viên BRICS cũng ủng hộ ý tưởng cải cách IMF.
Năm nước thành viên BRICS còn thông qua Kế hoạch hành động chung nhằm thực hiện Tuyên bố trên trong đó đề ra hoạt động cụ thể của nhóm trong năm tới.
Những thách thức không dễ vượt qua
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng bởi nó đánh dấu mốc tròn 15 năm ra đời và phát triển. Kể từ khi khái niệm “những nền kinh tế mới nổi hàng đầu” ra đời, thế giới đã đặt nhiều sự chú ý cũng như kỳ vọng vào sự phát triển đột phá của nhóm các nước này.
Thực tế, với lợi thế về dân số chiếm 43% tổng dân số toàn cầu và 26% diện tích thế giới, BRICS thực sự có nhiều cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, mỗi nước lại có tiềm năng và thế mạnh riêng: Brazil phát triển mạnh về nông nghiệp; Nga có lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới; Ấn Độ với trình độ phát triển công nghệ thông tin và kho tri thức khổng lồ; Trung Quốc với nguồn nhân lực dồi dào; cùng một Nam Phi có nền kinh tế lớn nhất châu Phi.
Thành tựu nổi bật nhất minh chứng cho sự gắn kết và hợp tác giữa các nước trong BRICS là sự thành lập Ngân hàng Phát triển mới hồi tháng 7-2014. Mô hình ngân hàng này được cho là nhằm đối trọng với các định chế tài chính mà phương Tây chế ngự trong nhiều thập kỷ qua. Các nhà phân tích cho rằng, đây là một bước đi cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu thiết lập một trật tự toàn cầu công bằng hơn.
Tuy vậy, những thành tựu của BRICS vẫn được cho là chưa xứng tầm với tiềm năng của nhóm. Đó là chưa kể, sau 15 năm hình thành, giờ đây BRICS lại đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là do giá dầu mỏ trên thế giới giảm mạnh, khiến kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cũng giảm sút mạnh. Brazil và Nam Phi cùng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép. Bên cạnh những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, còn những bất ổn về chính trị. Ấn Độ tuy có nhiều tiềm năng nhưng chưa thực sự bứt phá, số người nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao trong xã hội. Thêm vào đó, môi trường kinh tế bên ngoài không thuận lợi cũng tác động lớn đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Tất cả những dấu hiệu này đòi hỏi BRICS cần phải có chiến lược mới cho chặng đường tiếp theo nhằm thúc đẩy tăng trưởng các nước thành viên và vực dậy vị thế của nhóm.
Trong bối cảnh đó, hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay được đánh giá là cơ hội để các nước nhìn lại chặng đường đã qua, tìm kiếm giải pháp cho những thách thức và phát huy những thành tích đã đạt được, đồng thời hoạch định chính sách phát triển dài hạn cho khối trong tương lai./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()