Brazil tuyên bố hết dịch sốt vàng da
Ngày 6/9, Bộ Y tế Brazil tuyên bố chấm dứt được dịch sốt vàng da, bùng phát từ tháng 12 năm ngoái tại nước này làm ít nhất 261 người tử vong.
Theo thống kê mới nhất của bộ trên, kể từ khi xuất hiện đến tháng 8 vừa qua, đã có 777 trường hợp mắc và 261 trường hợp tử vong. Hiện vẫn còn 213 ca đang theo dõi và 307 ca chưa có kết luận cuối cùng. Khu vực Đông Nam Brazil là nơi có số người mắc sốt da vàng cao nhất, với 764 trường hợp. Với báo cáo không có ca mắc mới kể từ tháng 6 vừa qua, Brazil tuyên bố dập được dịch sốt vàng da gây tử vong cao.
Mặc dù vậy, Bộ Y tế Brazil vẫn kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa và tiêm vaccine mở rộng nhằm ngăn chặn những ca mắc mới. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Brazil đã thông qua chương trình tiêm chủng một liều duy nhất vaccine (vắc-xin) phòng sốt vàng da cho người dân. Nhằm ngăn chặn dịch bùng phát, trong năm nay, chính phủ đã phân phát 36,7 triệu liều vaccine trên toàn quốc. 5 bang nhận được lượng vaccine lớn nhất là Minas Gerais (Mi-nát Giê-rai), Rio de Janeiro, Sao Paulo (Xao Pao-lô), Espirito Santo (E-xpi-ri-tô Xan-tô) và Bahia (Ba-hi-a). Ngoài ra, chính phủ cũng khẳng định những tiến bộ quan trọng mà nước này đã đạt được trong việc phát hiện sớm nguồn gốc phát tán virus (vi-rút) để kịp thời tiến hành các biện pháp diệt muỗi Aedes – nguồn gây bệnh chính với sốt vàng da.
Dịch sốt vàng da bùng phát theo chu kỳ 6-7 năm tại Brazil. Đợt dịch gần đây nhất xuất hiện năm 2009. Mặc dù dự báo dịch sẽ không bùng phát trong năm 2018, song chính phủ nước này vẫn sản xuất 10 triệu liệu vaccine/tháng, xem đây như biện pháp phòng ngừa. Sốt vàng da chỉ truyền qua muỗi đốt và không truyền từ người sang người.
Trong khi đó, theo số liệu mới nhất của WHO công bố ngày 6/9, kể từ khi bùng phát hồi tháng 4 đến nay, dịch tả tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của 2.048 người trong tổng số 612.009 người mắc bệnh. Đây cũng là số người mắc bệnh trong một đợt dịch cao kỷ lục kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Mặc dù tốc độ lây nhiễm dịch được ghi nhận đã chậm lại từ đầu tháng 7, song WHO cảnh báo căn bệnh lây nhiễm qua đường nước sinh hoạt mất vệ sinh tại quốc gia châu Phi này vẫn đang tiếp tục hoành hành với số người nhiễm dịch ước tính 5.000 người mỗi ngày. Theo WHO, sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng sau 2 năm xảy ra cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ và các nhóm nổi dậy dòng Shiite đã khiến toàn bộ hệ thống cấp nước ô nhiễm nặng nề. Đây chính là nguyên nhân làm dịch tả tại Yemen bùng phát mạnh nhất trên thế giới. WHO cho rằng bệnh lây nhiễm với tốc độ nhanh là do điều kiện vệ sinh và nước sinh hoạt xuống cấp nghiêm trọng. Nguồn nước sạch của hàng triệu người trên cả nước đã bị cắt hoàn toàn./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()