Brazil trở thành nước có số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều thứ 5 thế giới
Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm với 1.507.861, 90.201 ca tử vong trong khi trở thành quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều thứ năm thế giới khi Số ca tử vong vượt quá 15.000 người.
Theo trang worldometers.info, tính đến 8h sáng ngày 17/5, toàn thế giới có 4.717.016 ca nhiễm COVID-19 trong đó có 312.990 ca tử vong, 1.810.119 ca bình phục.
Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm với 1.507.861, 90.201 ca tử vong và 339.232 ca hồi phục. Tiếp theo là Tây Ban Nha, Nga, Anh và Brazil.
Mỹ ghi nhận thêm 1.237 ca tử vong trong 24 giờ qua
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, đến sáng 17/5 (theo giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận thêm 1.237 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 90.201 người. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Mỹ là 1.507.861 người.
Như vậy, Mỹ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc và tử vong do bệnh COVID-19 cao nhất trên thế giới.
Số ca tử vong trong ngày tại Pháp tiếp tục giảm, Anh có thêm 468 ca tử vong
Tính đến tối 16/5, số ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Pháp là 27.625 người (tăng 96 ca trong 24 giờ, mức tăng thấp nhất so với 2 ngày trước), bao gồm 17.412 ca trong bệnh viện và 10.213 ca tại viện dưỡng lão và các cơ sở y tế xã hội khác.
Áp lực lên các bệnh viện của Pháp tiếp tục đà giảm từ hơn một tháng qua, với 19.432 bệnh nhân đang nằm viện (giảm 429 ca so với hôm trước), trong đó 2.132 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 71 ca).
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho biết Pháp lấy làm tiếc với “các quyết định đơn phương” về việc mở lại biên giới châu Âu của Tây Ban Nha, Italy và Đức. Ông nhận định việc này “không hỗ trợ những gì chúng ta phải làm để hành động trong đoàn kết” và nhấn mạnh “điều thiết yếu” là các quốc gia phải phối hợp các quyết định trong thời kỳ hậu phong tỏa.
Hầu hết các biên giới trong khu vực Schengen, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh đều bị đóng trong vài tháng qua. Ủy ban châu Âu mong muốn mở lại các đường biên nội khối “một cách không phân biệt đối xử” vào khoảng giữa tháng Sáu tới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nghiên cứu Pháp Frédérique Vidal cùng ngày cho biết việc bào chế một loại vaccine chống COVID-19 có thể sẽ không khả quan trong 18 tháng tới, trái ngược với nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump là có thể vào cuối năm nay.
Phát biểu trên đài Europe 1, Bộ trưởng Vidal xác nhận sự tăng tốc trong quá trình thử nghiệm lâm sàng đã đem đến hy vọng về một loại vắcxin trong vòng 18 tháng, nhưng “sẽ vô lý khi nghĩ rằng có thể tiến triển nhanh hơn thế, trừ khi gây nguy hiểm cho sự an toàn của con người.” Ông cũng đánh giá việc ưu tiên vaccine cho quốc gia này thay vì quốc gia khác “vì lý do tài chính” là “không thể chấp nhận được.”
Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Anh, Bộ Y tế nước này cùng ngày cho biết, trong vòng 24 giờ qua đã có thêm 468 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong được xác nhận mắc bệnh COVID-19 tại Vương quốc Anh lên 34.466 người, tiếp tục dẫn đầu châu Âu về số ca tử vong.
Số liệu trên được cập nhật lúc 5 giờ chiều 15/5 (11 giờ tối cùng ngày theo giờ Việt Nam). Nếu tính cả số ca tử vong còn trong diện nghi vấn, thì tổng số ca tử vong do bệnh COVID-19 tại “xứ sở sương mù” đã vượt quá 40.000 người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 20h15 ngày 16/5 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 ở Anh là 240.161 người, trong đó có 1.559 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Brazil đã vượt quá 15.000 người
Số liệu chính thức cho thấy, đến ngày 16/5 tổng số ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Brazil đã vượt đỉnh 15.000 người, trong khi số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) cũng lên đến đỉnh điểm 230.000 người, đưa nước này trở thành quốc gia có số ca nhiễm SARS-CoV-2 nhiều thứ năm thế giới.
Với 15.633 ca tử vong và 233.142 ca được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2, Brazil – mà Tổng thống quốc gia này, ông Jair Bolsonaro đã coi dịch bệnh này là một “bệnh cúm nhẹ” – đã trở thành “tâm chấn” lây nhiễm ở Mỹ Latinh. Quốc gia Nam Mỹ này cũng đã ghi nhận 816 ca tử vong và 14.919 ca mắc COVID-19 trong 24h qua.
Bất chấp việc gia tăng tổng số người nhiễm SARS-CoV-2, ông Bolsonaro cùng ngày đã tấn công những biện pháp phong tỏa mà một số thống đốc bang đã áp dụng nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Ông nói: “Thất nghiệp, đói kém và nghèo đói sẽ là tương lai của những ai mà ủng hộ sự cách ly hoàn toàn và độc đoán.”
Đức kêu gọi Ba Lan và Cộng hòa Séc sớm mở lại cửa biên giới
Ngày 16/5, Ngoại trưởng Đức Heilko Maas đã kêu gọi Chính phủ Ba Lan và Cộng hòa Séc mở lại cửa biên giới để cho phép hàng hóa lưu thông và người dân các nước được tự do qua lại.
Phát biểu sau cuộc gặp người đồng cấp Luxembourg Jean Asselborn tại một cửa khẩu biên giới nằm giữa thị trấn Perl của Đức và Schengen, thị trấn cực Nam của Luxembourg, Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết Berlin sẽ dừng các biện pháp kiểm soát biên giới với Đan Mạch trong một vài ngày tới và từ ngày 15/6, nước này cũng sẽ không tiến hành kiểm tra tại khu vực biên giới với Pháp, Áo và Thụy Sĩ.
Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh ông hy vọng các biện pháp kiểm soát biên giới mà chính quyền hai nước láng giềng Áo và Cộng hòa Séc đang triển khai cũng sẽ sớm được dỡ bỏ trong thời gian tới.
Hồi đầu tuần, Bộ Nội vụ Ba Lan cho biết nước này sẽ gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới cho tới ngày 12/6, trong khi Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis khẳng định hiện nước này chưa tiến hành cuộc đàm phán nào với Đức để dỡ bỏ các hạn chế đi lại do tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Đức không ổn định như ở các nước láng giềng khác.
Lời kêu gọi trên của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước khu vực châu Âu tiếp tục mở cửa lại biên giới sau nhiều tuần áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mặc dù bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở cửa biên giới trong nội khối Schengen, song Liên minh châu Âu (EU) cũng khuyến nghị rằng biên giới ngoại khối châu Âu vẫn cần đóng cửa ít nhất cho đến giữa tháng Sáu tới nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai.
Italy thông qua sắc lệnh mở cửa trở lại từ ngày 18/5
Sau hơn 2 tháng triển khai lệnh phong tỏa đất nước nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngày 16/5, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo các quán bar, nhà hàng, các cửa hiệu cắt tóc, làm đẹp, các hoạt động thể thao đồng đội, các bảo tàng… sẽ mở cửa trở lại từ ngày 18/5.
Phát biểu sau cuộc họp hội nghị truyền hình giữa chính phủ với chính quyền địa phương, Thủ tướng Conte cho biết chính phủ đã hoàn tất sắc lệnh mới với các quy định cụ thể để mở cửa trở lại từ ngày 18/5.
Thủ tướng Conte cho rằng đường cong dịch bệnh đang rất tích cực, tuy nhiên ông khẳng định: “Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ được tính đến với nhận thức rằng đường cong dịch bệnh có thể tăng trở lại.”
Theo sắc lệnh mới, kể từ ngày 18/5, người dân Italy có thể tự do di chuyển trong vùng mà không cần tự xác nhận lý do di chuyển song phải đảm bảo khoảng cách an toàn 1m.
Những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 hay có các triệu chứng tương tự mắc COVID-19 vẫn không được phép ra ngoài. Trong khi đó, các phòng tập thể dục, bể bơi sẽ mở cửa trở lại từ ngày 25/5 và rạp chiếu phim từ ngày 15/6.
Thủ tướng Conte khuyến cáo người dân luôn đeo khẩu trang trong nhà và khi ra ngoài hoặc tại nơi không đảm bảo khoảng cách an toàn.
Hoạt động tự do đi lại giữa các vùng, cũng như cho phép công dân từ các nước châu Âu tới Italy sẽ bắt đầu từ ngày 3/6. Thủ tướng Conte khẳng định: “Điều này sẽ làm tiền đề cho sự phục hồi du lịch,” tuy nhiên người dân cần thận trọng đặc biệt tại các khu vực tâm dịch như Lombardy, nơi vẫn đang đương đầu với cuộc chiến khó khăn nhất.
Sắc lệnh mở cửa trở lại được chính phủ Italy thông qua trong bối cảnh đường cong dịch bệnh tiếp tục xu hướng tích cực.
Tính đến ngày 16/5, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 224.760 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 31.763 trường hợp và số ca hồi phục là 122.810 ca./.
Ý kiến ()