Brazil: Hậu Olympic, Rio được tái sinh
Gạt những lời chỉ trích sang một bên, Thế vận hội mùa hè năm 2016 đã khiến thành phố 6 triệu dân này thay đổi sâu sắc: cảng biển tăng năng suất, một hệ thống tàu điện ngầm mới và rất nhiều dự án quy hoạch thành phố lớn và nhỏ.
“Nếu mọi người để ý thì ai cũng đồng ý rằng Olympic đã tạo ra một di sản to lớn cho Rio. Đây là những cải tiến mà phải mất 20, 30 năm người ta mới nhận ra” – Pedro Corea, một nhà sử học, kinh tế học của Brazil cho biết.
Đối với nhiều người, Thế vận hội ngày nay chỉ là cơ hội để tiêu tốn ngân sách, mang lại lợi ích cho các tập đoàn lớn và sự ham hư vinh của các nhà lãnh đạo – mong muốn tăng vị thế trên trường quốc tế. Brazil cũng vậy. Được trao quyền tổ chức Thế vận hội 7 năm trước, khi kinh tế nước này đang vô cùng hưng thịnh, chính phủ Brazil tin rằng đây là một cơ hội đưa nước này ngày càng có tiếng nói trong nền chính trị quốc tế. Gần một thập kỷ sau, Brazil sa vào suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử, Olympic chỉ còn là sự lãng phí và sự bành trướng chính trị không cần thiết.
Thế nhưng, rõ ràng Thế vận hội là một chất xúc tác mạnh mẽ cho sự hồi sinh của Rio cũng như của Brazil. Olympic thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng bằng cả tiền thuế của người dân và đầu tư tư nhân. Đời sống của người dân Rio nhờ đó mà được nâng cao.
Gần 100 dặm đường xe buýt mới được xây tiết kiệm thời gian đi lại cho những người lao động nghèo. Bốn đường hầm và một hệ thống đường sắt hạng nhẹ kéo dài 17 dặm được khai trương vào tháng Sáu. Một đường tàu điện ngầm mới cũng được đưa vào hoạt động 4 ngày trước lễ khai mạc thay thế cho hệ thống tàu điện cũ đã xuống cấp rất nghiêm trọng
Chính quyền thành phố Rio cũng cho biết họ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng 400 trường học và trạm y tế tại các khu phố của người nghèo. Thị trưởng thành phố tuyên bố đây là lợi ích của Thế vận hội.
Lợi ích lâu dài
Những người chỉ trích vẫn cho rằng những lợi ích trên không được phân bố đồng đều mà chỉ tập trung vào các khu vực cao cấp như Barra da Tijuca – nơi làng Olympic đã được xây dựng trong khi đó hàng trăm khu dân cư của người nghèo bị bỏ qua và họ vẫn phải sống trong những ngôi nhà thiếu những nhu cầu cơ bản như nhà vệ sinh, nước sạch.
“Thế vận hội chỉ mang đến những thay đổi, chỉnh trang đô thị và các giao dịch của các công ty xây dựng và những tay chơi bất động sản” – Theresa Williamson, giám đốc điều hành của tổ chức Cộng đồng Xúc tác – nhóm vận động phản đối Olympic 2016.
Tuy nhiên, trong khi tài chính công của Rio đang trong tình trạng vô cùng bi đát: thiếu thốn trường học và bênh viện, tiền lương của nhân viên nhà nước không được thanh toán thì chính Olympic sẽ mang lại lợi ích trong nhiều năm tới.
“Cơ sở hạ tầng xây dựng cho Thế vận hội sẽ phục vụ người dân sau đó” – Barbara Mattos, một nhà phân tích của Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody cho biết.
Eduardo Paes – thị trưởng thành phố Rio de Janeiro gọi đây là cơ hội ngàn năm có một để thu hút đầu tư vào Rio khi mà thành phố này đã suy yếu trong 60 năm qua kể từ khi thủ đô được chuyển từ Rio sang Brasilia.
“Thế vận hội không giải quyết được tất cả các vấn đề của thành phố.” – Ông Paes trả lời phỏng vấn báo chí “Nhưng chúng tôi coi đây là một cơ hội tốt để phát triển thành phố trong 50 năm tới”.
Ông lưu ý rằng ngân sách 12 tỷ đô la dành cho Olympic 2016 thấp hơn so với chi phí của các thành phố chủ nhà khác đáng kể. Thế vận hội London năm 2012 tiêu tốn của Anh 15 tỷ đô la và Thế vận hội mùa đông Sochi tiêu tốn khoảng 51 tỷ đô la của Nga. Hơn thế nữa, theo ông Paes, số tiền dành cho Olympic còn đến từ các công ty xây dựng làng Olympic hay sân gôn Olympic… Trên hết, thành phố đã xây dựng 75.000 nhà ở giá rẻ kể từ năm 2009, mặc dù có nhiều người nghèo bị mất nhà cửa do các dự án liên quan Olympic.
Các nhà phân tích cũng đồng ý với ông Paes rằng Thế vận hội sẽ không khiến Rio ngập trong nợ.
Trong một báo cáo tháng Năm, công ty xếp hạng tín dụng Moody cho biết Olympic sẽ có một tác động đáng kể đến nền kinh tế ốm yếu của thành phố. 7 tỷ đô la dành cho giao thông là khoản tiền đáng để chi tiêu.
Đây là đánh giá trái ngược đối với World Cup 2014 cũng do Brazil tổ chức. Các nhà phân tích cho thấy, 12 sân vận động xây dựng mới hoặc cải tạo là sự lãng phí vì hầu hết không được sử dụng thường xuyên.
Các dịch vụ y tế cũng được cải thiện rất nhiều. Trong các khu phố nghèo, các trạm y tế đã được nhanh chóng sửa chữa để phụ vụ Olympic.
Trong 10 năm tới, các nhà phát triển bất động sản có kế hoạch xây dựng thêm 500 căn hộ giá rẻ mới dành cho người nghèo. “Nếu chúng ta không tổ chức Thế vận hội, tôi không chắc những dự án này sẽ được thực hiện.” Alberto Silva, người phụ trách dự án cho biết. /.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()