Bớt nỗi lo tai nạn giao thông do uống rượu bia ngày Tết
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ đầu năm đến nay bệnh viện vẫn ghi nhận nhiều trường hợp chấn thương sọ não rất nặng, rất thương tâm mà chủ yếu do người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia.
Cứ mỗi đợt nghỉ lễ Tết dài ngày, nhiều cơ sở y tế luôn trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân cấp cứu, mà nguyên nhân chủ yếu là tai nạn do rượu bia gây ra.
Thế nhưng, năm nay, với việc Luật phòng phống tác hại của rượu, bia đã chính thức đi vào thực thi kể từ ngày 1/1/2020 cùng với Nghị định 100/CP ra đời nhiều người kỳ vọng đây sẽ là bước đột phá để giảm bớt tình trạng người uống rượu bia điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.
Ẩn họa khôn lường sau những tay lái “ma men”
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mặc dù trong năm 2019 vừa qua, tai nạn giao thông nhìn chung đã giảm, song số vụ tai nạn do rượu bia lại có chiều hương gia tăng.
Con số thống kê cho thấy 11 tháng của năm 2019, toàn quốc xảy ra 15.885 vụ tai nạn giao thông, giảm 935 vụ (giảm 5,56%) so với cùng kỳ 2018, nhưng số vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân uống rượu bia có chiều hướng gia tăng, mức độ hậu quả do người vi phạm nồng độ cồn nặng hơn rất nhiều so với các vụ tai nạn thông thường.
Trong dịp nghỉ Tết dương lịch vừa qua, tại một số bệnh viện như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện E… số trường hợp bị tai nạn giao thông nhập viện liên quan đến rượu, bia vẫn gia tăng.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trong đêm 31/12/2019 và ngày 1/1/2020 đã tiếp nhận 28 trường hợp tai nạn giao thông chủ yếu liên quan đến rượu, bia.
Giáo sư Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E cho hay, trong ngày đầu năm mới 2020, số ca tai nạn giao thông nhập viện có giảm hơn nhiều so với trước. Tuy vậy, tại bệnh viện vẫn ghi nhận trường hợp tai nạn giao thông mà nguyên nhân do rượu, bia gây ra.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ đầu năm đến nay bệnh viện vẫn ghi nhận nhiều trường hợp chấn thương sọ não rất nặng, rất thương tâm mà chủ yếu do người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm, hoặc sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.
Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết lượng bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính tăng lên không chỉ trong dịp Tết, Noel mà cả mùa Đông, bởi đây là thời điểm người dân uống rượu nhiều. Đối tượng ngộ độc có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, kể cả người trẻ, thậm chí là học sinh.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã ghi nhận gia tăng các trường hợp ngộ độc rượu phải nhập viện. Hiện tại, trung tâm đang điều trị cho hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ý thức chậm chạp. Qua khám lâm sàng chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bất tỉnh do ngộ độc rượu. Hiện tại qua quá trình điều trị, bệnh nhân đã tỉnh song sức khoẻ thì còn phải mất thời gian khá lâu mới có thể hồi phục hoàn toàn.
Theo bác sỹ Nguyên, ngộ độc là một ảnh hưởng có hại của bất kỳ chất nào đó đối với sức khỏe của con người. Thực chất, say rượu là ngộ độc rượu, lúc đó bản thân người uống rượu không thể điều khiển được hành vi, lời nói và không làm chủ được vận động. Ngộ độc nhẹ có thể gọi là say, nhưng nặng nữa thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng sống như không thể tỉnh được, không thở được, không đi lại được, hôn mê, hạ huyết áp…
Đặc biệt, người nếu uống nhiều rượu dễ bị tổn thương não, ở những người uống rượu nhiều não sẽ bị teo đi. Đối với người trẻ, nếu uống rượu sớm sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn, tổn thương lâu dài hơn, sẽ nhanh chóng bước vào con đường nghiện ngập, bị tổn thương cơ thể.
Phạt nặng để răn đe
Theo Luật phòng phống tác hại của rượu, bia, có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm.
Dù mới đi vào thực thi và cùng với việc chính phủ ban hành nghị định 100/CP, song dự luật này đã tác động rất lớn đến công tác bảo đảm trật tự-an toàn giao thông, đặc biệt là các mức xử phạt nặng mang tính chất răn đe đối với những người vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Lần đầu tiên, người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt cao nhất tới 600.000 đồng. Với tài xế ôtô, mức phạt tối đa 40 triệu đồng; tài xế xe máy chịu mức phạt 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Các quy định mới này của luật được người dân đồng tình ủng hộ với hy vọng rằng khi luật có hiệu lực sẽ giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông do người điểu khiển phương tiện uống rượu bia gây ra.
Cũng theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì các hành vi cấm được quy định như: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, trong đó cả phương tiện giao thông hai bánh như xe máy điện, xe đạp, xe xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo…
Có ý kiến cho rằng quy định như hiện nay là “cứng nhắc”, khi bất cứ ai được yêu cầu thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn, mà trong hơi thở chỉ có hơi phảng phất mùi bia rượu cũng bị phạt.
Song nhiều chuyên gia cho rằng việc sduwa ra các hình thức kiểm tra cũng như các mức phạt nặng theo quy định của luật là điều vô cùng cần thiết. Tất nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống, tạo lập được thói quen tốt cho người dân thì cũng cần có thời gian, cũng như việc vận động và tuyên truyền qua nhiều hình thức.
Uống rượu bia sau bao lâu thì được lái xe?
Theo bác sỹ Nguyên, về mặt khoa học, bất kể nồng độ cồn ở mức nào, kể cả nồng độ thấp thì cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến thần kinh.Vì vậy, rất khó trả lời chính xác sau khi uống rượu, bia bao lâu thì có thể lái xe. Vì thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính phụ thuộc rất nhiều yếu tố như lượng, loại rượu, sức khỏe của từng người, nồng độ rượu uống, uống càng nhiều thì nồng độ càng cao.
“Thời gian đào thải của rượu bia còn phụ thuộc vào thể trạng, sức khỏe từng người và tùy thời điểm, uống vào lúc đói hay no. Có trường hợp uống rượu lúc đói thì hấp thu rượu càng nhanh, khi có thức ăn thì hấp thu chậm hơn. Do đó, không thể có một đáp án chung cho tất cả mọi người về việc sau bao lâu thì không còn nồng độ cồn trong máu. Chỉ số này mang tính cá thể,” bác sỹ Nguyên phân tích.
Bên cạnh đó, một số trường hợp cá biệt thì phụ thuộc vào sức khỏe cơ thể, cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian nồng độ cồn có trong máu. Không ai giống ai cả. Do vậy, cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu uống để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.
Các bác sỹ tại Trung tâm Chống độc cũng cảnh báo hiện các thức ăn hay một số loại quả lên men cũng có thể có ethanol trong đó. Chẳng hạn như socola, thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng… hay một số đồ uống cũng có thể có một lượng ethanol.
“Chúng ta lưu ý rằng nếu không may ăn phải những đồ ăn, thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông, vì nếu không may kiểm tra vẫn sẽ có một chút ethanol trong hơi thở,” bác sỹ Nguyên cảnh báo./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()