"Bóng ma" suy thoái kinh tế trở lại
"Bóng ma" suy thoái lại ám ảnh kinh tế toàn cầu những ngày gần đây, khi xuất hiện thêm tín hiệu bi quan từ các nền kinh tế lớn. Bức tranh kinh tế thế giới u ám hơn trong bối cảnh những "căn bệnh" cũ chưa dịu bớt, thách thức mới đã xuất hiện. Trong khi đó, "liều thuốc" kích cầu của các chính phủ dường như chưa đủ mạnh và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, có thể phải tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay.Lo ngại về "thể trạng ốm yếu" của kinh tế thế giới, Giám đốc IMF La-gác-đơ phát biểu ý kiến ở Thủ đô Oa-sinh-tơn của Mỹ khẳng định, diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, chính sách tài chính bế tắc tại chính trường Mỹ trong năm bầu cử và sự phát triển chậm lại của các nền kinh tế châu Á đang làm chậm đà phục hồi của kinh tế thế giới. Theo đó, IMF có thể phải tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012. Hôm 27-9, IMF còn khuyến cáo các nền kinh...
Lo ngại về “thể trạng ốm yếu” của kinh tế thế giới, Giám đốc IMF La-gác-đơ phát biểu ý kiến ở Thủ đô Oa-sinh-tơn của Mỹ khẳng định, diễn biến phức tạp của cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, chính sách tài chính bế tắc tại chính trường Mỹ trong năm bầu cử và sự phát triển chậm lại của các nền kinh tế châu Á đang làm chậm đà phục hồi của kinh tế thế giới. Theo đó, IMF có thể phải tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012. Hôm 27-9, IMF còn khuyến cáo các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển cần chuẩn bị tốt để đối phó với các “cú sốc tài chính” từ bên ngoài, bởi các nền kinh tế này ngày càng dễ tổn thương hơn bởi nguy cơ một cuộc suy thoái mới ở Mỹ và châu Âu.
IMF nhấn mạnh các nguy cơ từ kinh tế Mỹ và châu Âu là bởi trong khi các căn bệnh cũ trầm kha của các nền kinh tế này chưa được cải thiện, những thách thức và tín hiệu suy thoái mới lại xuất hiện. Tại Mỹ, nợ công đã vượt mức 1.600 tỷ USD và các chính sách cắt giảm chi tiêu công mà Nhà trắng đề xuất mới đây để cân bằng ngân sách có thể đẩy nền kinh tế nước này lại rơi vào suy thoái. Trong khi, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này quý II năm 2012 chỉ ở mức đáng thất vọng là 1,3%, thấp hơn nhiều so mức dự báo 1,7% của các chuyên gia kinh tế.
Bên kia bờ Thái Bình Dương, tình cảnh của các thành viên “đại gia đình Eurozone” (Khu vực đồng ơ-rô) còn bi đát hơn. Vòng xoáy khủng hoảng vẫn chưa hề dịu bớt ở các khu vực “tâm bão” nợ công như: Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, I-ta-li-a… Thậm chí, tại Hy Lạp, khủng hoảng kinh tế đang dẫn đến khủng hoảng xã hội và gây nên bất ổn khi các cuộc biểu tình quy mô lớn đã biến thành bạo loạn trong tuần qua. Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone, vẫn bất đồng về biện pháp giải quyết “cơn bão nợ” nhất là về việc thiết lập một liên minh ngân hàng tại Eurozone, nhằm giám sát chung các ngân hàng trong khu vực. Và đây cũng là lý do chủ yếu khiến IMF nhận định Eurozone là nguy cơ lớn nhất đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ngay cả “niềm hy vọng” của kinh tế thế giới – nhóm các nền kinh tế mới nổi, giờ cũng chìm trong sa sút. Nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong khoảng ba thập kỷ trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế thứ hai thế giới này có thể đạt 7,3% trong quý III năm nay và tiếp tục đi xuống 7% trong quý tiếp theo, thấp hơn mức dự báo. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ, Bra-xin cũng liên tục giảm tốc và gặp nhiều khó khăn. Kim ngạch ngoại thương của Ấn Độ tính đến tháng 8 vừa qua đã giảm bốn tháng liên tiếp. Trong khi Bra-xin vừa hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012 từ 3% xuống còn 2%. Ở nền kinh tế hàng đầu của “lục địa đen”, Nam Phi, cũng xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực và ngày 27-9, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s đã hạ mức tín nhiệm tín dụng của Nam Phi một bậc, xuống mức Baa1, do những quan ngại về khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị của chính phủ.
Ngoài các “căn bệnh” cũ cản trở kinh tế toàn cầu, thách thức mới còn xuất hiện tại các nước nghèo về tình trạng giá thực phẩm leo thang 20% kể từ tháng 6 vừa qua. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ Trung – Nhật – Hàn; nguy cơ chiến tranh giữa I-ran và I-xra-en, hay tình hình bất ổn tại Xy-ri… cũng đang phủ bóng đen lên kinh tế thế giới. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) hôm 28-9 cho biết, trong tháng 8, sản lượng công nghiệp của đất nước “Mặt Trời mọc” đã giảm 1,3% so với tháng trước đó, trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ giữa nước này với Trung Quốc leo thang.
Điều đáng lo ngại là lần này, “bóng ma” suy thoái kinh tế toàn cầu trở lại khi hầu hết các nền kinh tế lớn dường như đã “hết võ” để chống đỡ. Các nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Mỹ, tới Nhật Bản đã nhiều lần “kê toa, bốc thuốc”, song, căn bệnh của các nền kinh tế dường như không hề thuyên giảm. Tháng 9 vừa qua, hàng loạt “đòn quyết định” đã được các đầu tàu kinh tế thế giới tung ra. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định mua số lượng lớn trái phiếu chính phủ của các nước Eurozone đang ngập trong nợ nần, giúp giảm chi phí vay mượn của các nước này. Trước đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tung vào thị trường gói cứu trợ thứ 3 (QE3), theo đó mỗi tháng chi 40 tỷ USD mua lại các trái phiếu dài hạn có liên quan tới thế chấp. Tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương nước này cũng vừa quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa, nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.
Tuy nhiên, niềm hy vọng vào các biện pháp kích cầu kinh tế đang ngày một hao mòn, bởi đã gần năm năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu bùng phát, thế giới vẫn chưa tìm thấy “liều thuốc đặc trị” nào cho những “căn bệnh” của các nền kinh tế. Và, đây cũng là lý do khiến Phó Tổng thống In-đô-nê-xi-a Bô-ê-đi-ô-nô vừa đưa ra nhận định rằng, thế giới có thể phải tiếp tục đối mặt với khủng hoảng kinh tế trong những năm tới, do đó, tất cả các nhà lãnh đạo cần học hỏi kinh nghiệm trước đây để đối phó hiệu quả với nguy cơ này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()