"Bóng ma" khủng bố trở lại
Các phần tử khủng bố như một "bóng ma" đang trở lại ám ảnh nước Mỹ trong những ngày gần đây khiến Nhà trắng tiếp tục phải đóng cửa nhiều cơ sở ngoại giao ở nước ngoài. Thực tế này cho thấy, dù hàng nghìn tỷ USD đã được chính quyền Oa-sinh-tơn đổ vào những "cuộc chiến chống khủng bố", nước Mỹ vẫn không an toàn.
Các phần tử khủng bố như một “bóng ma” đang trở lại ám ảnh nước Mỹ trong những ngày gần đây khiến Nhà trắng tiếp tục phải đóng cửa nhiều cơ sở ngoại giao ở nước ngoài. Thực tế này cho thấy, dù hàng nghìn tỷ USD đã được chính quyền Oa-sinh-tơn đổ vào những “cuộc chiến chống khủng bố”, nước Mỹ vẫn không an toàn.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 4-8 đã quyết định gia hạn việc đóng cửa 19 đại sứ quán và cơ sở ngoại giao của nước này trên toàn thế giới, do lo ngại về các mối đe dọa tiến công khủng bố được cho là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, 19 đại sứ quán và cơ sở ngoại giao của nước này, phần lớn ở Ðông – Bắc Phi, có khả năng phải đóng cửa đến hết tuần. Trước đó, một số đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ, chủ yếu ở Trung Ðông, đã bị đóng cửa trong ngày 4-8 sau khi nhận được thông tin về một mối đe dọa không được tiết lộ. Nhà trắng cũng khuyến cáo các công dân Mỹ ở nước ngoài, nhất là ở các nước Hồi giáo, đề cao cảnh giác trước những nguy cơ tiến công khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Một số lực lượng quân sự Mỹ ở Trung Ðông cũng đã được đặt trong tình trạng báo động cao trong vài ngày qua. Nguy cơ khủng bố do Mỹ cảnh báo đã buộc một số nước châu Âu như Anh, Ðức và Pháp đóng cửa đại sứ quán ở Thủ đô Xa-na của Y-ê-men, đồng thời khuyến cáo việc đi lại đối với công dân của mình tại các nước này.
“Báo động đỏ” về nguy cơ khủng bố nêu trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các phần tử An Kê-đa và các chi nhánh của mạng lưới khủng bố này đang tiếp tục lên kế hoạch tiến hành các vụ tiến công khủng bố từ nay đến cuối tháng 8. Cụ thể, các vụ tiến công “có khả năng xảy ra ở khu vực Trung Ðông và Bắc Phi, có thể tại bán đảo A-rập hoặc bắt nguồn từ bán đảo A-rập, mục tiêu là các hệ thống giao thông công cộng và những cơ sở hạ tầng du lịch khác”. Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ nhận định, nguy cơ xảy ra tiến công khủng bố hiện nay từ An Kê-đa
và các chi nhánh của tổ chức này là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua. Thượng nghị sĩ X.Cham-blít, thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ nêu rõ, dựa trên những thông tin mà tình báo Mỹ thu thập từ các cuộc trao đổi điện thoại và thư điện tử, nguy cơ khủng bố lần này không kém sự kiện 11-9-2001. Trong khi đó, một Hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho biết, giới chức Mỹ “đã nhận được thông tin cho thấy những thành viên cấp cao của An Kê-đa ở bán đảo A-rập đang thảo luận về một cuộc tiến công lớn”.
Nỗi ám ảnh về nguy cơ khủng bố đã khiến Nhà trắng phải triệu tập cuộc họp cấp cao để bàn giải pháp đối phó. Cuộc họp có sự tham gia của những nhân vật cao cấp nhất trong mạng lưới an ninh của Mỹ, như Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ X.Rai-xơ, Bộ trưởng Ngoại giao G.Ke-ri, Bộ trưởng Quốc phòng C.Hây-gơ và Bộ trưởng An ninh Nội địa G.Na-pô-li-ta-nô, các giám đốc của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI)… Báo chí Mỹ cho rằng, mối lo ngại khủng bố của các quan chức an ninh Mỹ còn xuất phát từ thông tin của tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol báo động về an ninh toàn cầu sau vụ tổ chức khủng bố An Kê-đa đứng sau các vụ phá nhà tù ở nhiều nước gần đây giải thoát hàng trăm tù nhân, cũng như vụ các phần tử đánh bom liều chết sát hại chín người gần lãnh sự quán Ấn Ðộ ở thành phố Gia-la-la-bát của Áp-ga-ni-xtan…
Việc Nhà trắng “đề cao cảnh giác” như trên đã nhận được sự hoan nghênh của Ðảng Cộng hòa đối lập ở Mỹ. Và nhiều nhà phân tích cho rằng, hành động “cẩn tắc vô ưu” này của Nhà trắng ngoài việc nhằm bảo đảm an toàn cho công dân Mỹ, còn giúp chính quyền Ô-ba-ma giảm bớt được các chỉ trích, một khi có những vụ khủng bố đẫm máu xảy ra. Cho tới nay, đảng Cộng hòa vẫn đang đặt vấn đề với Nhà trắng vì sao lại để xảy ra cuộc tiến công khủng bố ngày 11-9-2012 vào lãnh sự quán Mỹ tại Ben-ga-di (Li-bi) làm bốn người Mỹ thiệt mạng, trong đó có Ðại sứ C.Xti-ven. Ðảng Cộng hòa chỉ trích Nhà trắng che đậy những gì đã xảy ra ở Ben-ga-di, trong đó có việc lơ là cảnh giác trước những kẻ tiến công.
Có thể thấy, chính quyền Mỹ đang nỗ lực để ngăn chặn những vụ việc đẫm máu và đáng tiếc như “vụ Ben-ga-di”, hay “vụ 11-9” tái diễn. Tuy nhiên, một khi “bóng ma” khủng bố trở lại ám ảnh nước Mỹ, nó cũng cho thấy một thực tế là dù chính quyền Oa-sinh-tơn đã đổ vào các cuộc chiến tới gần 1,3 nghìn tỷ USD sau vụ “11-9” (theo nghiên cứu của QH Mỹ), thì “lá chắn chống khủng bố” của nước Mỹ vẫn hết sức mong manh. Dù trùm khủng bố Bin La-đen đã bị lực lượng an ninh Mỹ tiêu diệt, những “Bin La-đen mới” lại xuất hiện, bởi những cuộc chiến mà Mỹ “đạo diễn” tại Trung Ðông, Bắc Phi và nhiều nơi khác, luôn là mảnh đất màu mỡ cho sự trỗi dậy của các phần tử khủng bố chống Mỹ. Xem ra, Nhà trắng đang vướng vào “vòng luẩn quẩn” do chính họ tạo ra!
Theo Nhandan
Ý kiến ()