Thứ 5, 26/12/2024 10:12 [(GMT +7)]
Bóng đá Việt Nam sau Asiad: Lại thêm những bài học
Thứ 7, 20/11/2010 | 16:05:00 [(GMT +7)] A A
Tính đến thời điểm này, cả ĐT bóng đá nữ và ĐT Olympic nam đều đã về nước sau khi thực hiện nhiệm vụ tại Asiad 2010. Tuy nhiên, những thanh âm còn đọng lại từ màn trình diễn ở Quảng Châu rõ ràng vẫn rất đáng để ngẫm…
1. ĐT Olympic nam Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua vòng bảng một kì Asiad. Thoạt nghe, điều này giống như một sự kiện long trời lở đất, đánh dấu một bước tiến dài của nền bóng đá Việt Nam ở sân chơi Châu lục. Thế nhưng, xin nói ngay rằng, hi vọng những nhà làm bóng đá đừng có nhầm tưởng và AQ chính mình như thế. Đúng là chúng ta lần đầu vượt qua vòng bảng. Song cần phải thẳng thắn rằng thành tích đó có được xuất phát từ sự thay đổi thể thức của BTC, chứ không bắt nguồn từ những biến chuyển về chuyên môn của chúng ta.
Đây là kì Asiad đầu tiên cho phép lấy tới 16/24 đội vào vòng knock-out, tức là tăng gấp đôi so với phần lớn các kì Asiad trước đây (thậm chí như kì Asiad 2002 và 2006 còn chỉ có đội đầu bảng cầm chắc vé trực tiếp). Chính nhờ thế mà ĐT Olympic Việt Nam có vinh dự lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua vòng bảng dù chỉ kết thúc vòng bảng với 1 trận thắng cùng hiệu số âm 3. Trong khi 4 năm trước, chúng ta tuy cũng có 3 điểm và hiệu số còn tốt hơn (dương 1) nhưng vẫn bị loại.
BĐVN sẽ còn học hỏi đến bao giờ? Ảnh Dân Trí
2. Phân tích thế để thấy dù có thành tích (lần-đầu-tiên-vượt-qua-vòng-bảng), nhưng đây chẳng phải là sự lột xác khỏi vùng trũng của nền bóng đá nam Việt Nam. Thực tế, ngoại trừ trận mở màn hạ Bahrain 3-1, ở các trận đấu còn lại màn trình diễn của Việt Nam là khá nhạt nhòa. Màn bất ngờ thảm bại 2-6 trước Turkmenistan thì khỏi phải nói; trận thua sát nút trước Iran đơn giản là do đối thủ đã đủ điểm đi tiếp và chẳng muốn bung sức đá. Trận knock-out gặp CHDCND Triều Tiên cũng tiếp tục là một trận đấu mà chúng ta chỉ biết chống đỡ. Cuối cùng đành hài lòng với cái gọi là chỉ thua 0-2 dù chỉ thi đấu có 9 người, mà quên đi rằng những pha vào bóng ác ý như kiểu của Ngọc Anh (dẫn đến thẻ đỏ) đã để lại ấn tượng rất xấu cho bạn bè quốc tế.
Trong bóng đá nói chung và thể thao nói chung luôn duy trì giá trị tuyệt đối. Thắng là thắng, và thua là thua, hàng trăm HCB cũng chẳng giá trị bằng 1 HCV. Thế nên, có lẽ đến lúc chúng ta cần phải bỏ cái tư duy “thua trên thế thắng” hay “thua chấp nhận được”. Còn nếu vẫn muốn tự AQ tinh thần thì rõ ràng màn trình diễn của ĐT bóng đá nữ còn đáng khen ngợi hơn nhiều. Các cô gái dù phải chịu cảnh khốn khó về vật chất gấp trăm lần so với những đồng nghiệp nam, nhưng đã có những khoảnh khắc thăng hoa trước Hàn Quốc (mở tỉ số trước), rồi chỉ để chủ nhà Trung Quốc giành 3 điểm một cách may mắn (bàn thắng duy nhất được ghi ở phút 87 sau 1 sai lầm của ); trước khi chia tay giải bằng chiến thắng 3-0 trước Jordan.
3. Bên cạnh các màn trình diễn của ĐT Olympic nam ở Asiad còn có một chi tiết rất đáng để ngẫm, đó là việc HLV Calisto bất ngờ bỏ ĐTQG để sang Trung Quốc cầm quân. Ban đầu, vị chiến lược gia người Bồ nói rằng ông sẽ không dự Asiad để tập trung chăm bẵm cho ĐTQG. Ấy vậy mà, sau khi Việt Nam có được chiến thắng 3-1 trước Bahrain ở trận mở màn, thày Tô ngay lập tức quay ngoắt 180 độ bỏ ĐTQG giữa bộn bề rắc rối để đến Quảng Châu.
Sự tiền hậu bất nhất của vị chiến lược người Bồ Đào Nha không khỏi khiến người ta ngạc nhiên, băn khoăn. Phải chăng sau cả chục năm bôn ba ở Việt Nam, HLV Calisto ít nhiều cũng đã lây nhiễm tính cách của mảnh đất hình chữ S này? Khi thấy tình hình thuận lợi để làm nên lịch sử thì thày Tô mới xuất hiên, như thể để khẳng định chính tôi chứ không phải bất kì ai khác mới là người tạo nên thành công của đội bóng này (dù ông Phan Thanh Hùng đã cầm quân suốt vài tháng trước đấy). Đồng thời, đây cũng có thể được xem là cơ hội để ông Calisto có thể PR hình ảnh, tên tuổi của mình ra ngoài khu vực Đông Nam Á.
Tất nhiên, mọi thứ vẫn chỉ là suy đoán. Động cơ thực sự của thày Tô thế nào chỉ có trời biết, đất biết và…thày Tô biết. Song có một điều chắc chắn là sự có mặt của HLV Calisto ở Quảng Châu không những giúp ĐT Olympic thăng hoa (nếu không muốn nói là có phần bị khớp hơn thể hiện ở chỗ liên tục mắc sai lầm cá nhân sau trận mở màn), mà còn làm cho ĐT Việt Nam chưa thể khiến ai an tâm, bất chấp việc AFF Cup đã chỉ tính bằng ngày.
4. Hai năm trước, Việt Nam đã lần đầu tiên trong lịch sử bước lên ngai vàng của bóng đá Đông Nam Á. Những tưởng thành công đó sẽ là bệ phóng đưa chúng ta thoát khỏi ao làng. Nhưng sau phút phấn khích nhất thời, bình tĩnh lại ai cũng thấy ở giải đấu đó Việt Nam đã gặp khá nhiều may mắn. Và những gì diễn ra tại Asiad vừa qua càng cho thấy chúng ta đơn giản vẫn chỉ là vùng trũng, dù các CLB không ngừng đốt hàng trăm tỷ, hàng nghìn đồng mỗi mùa giải. Hãy nhìn sang Thái Lan, chẳng vỗ ngực là vua Đông Nam Á, chẳng xưng là có giải VĐQG số 1 khu vực, song ĐT Olympic nước này đã đường hoàng thẳng tiến đến Tứ kết (giành ngôi nhì bảng, hạ Turmekistan ở vòng knock-out, chỉ thua tối thiểu Nhật Bản ở tứ kết).
Chao ôi, đọc bình luận thâm thúy của một fan bóng đá nước nhà trên forum: “Mục tiêu của Thái Lan là Asiad, Asian Cup; còn mục tiêu của Việt Nam là AFF Cup” mà không khỏi thấy chạnh lòng.
Còn những nhà làm bóng đá, các ngài nghĩ gì?
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()