Chủ nhật, 24/11/2024 23:24 [(GMT +7)]
Bóng đá Việt Nam: Cần lắm những CLB trăm năm
Chủ nhật, 02/10/2011 | 09:29:00 [(GMT +7)] A A
Câu lạc bộ (CLB) là nền tảng của bóng đá. Muốn bóng đá phát triển một cách bền vững, bên cạnh sự thay đổi của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), CLB phải có một cấu trúc để hoạt động ổn định.
|
Ảnh: N.NHẬT |
Dù đã mấy năm không còn Thể Công trên sân cỏ, trên mặt báo, nhưng mãi mãi vẫn có Thể Công trong lòng người.
Mối nguy từ chuyện nháo nhào tan – hợp
Ngày sinh nhật thứ 57 của Thể Công năm nay (23-9), các cựu chiến binh, trong đó có không ít các tướng lĩnh, và đông đảo người hâm mộ lại bày tỏ một nỗi khát khao: có lại Thể Công trong đội hình bóng đá quốc gia. Không chỉ là một đội bóng, Thể Công là một truyền thống, một di sản… Phát triển bền vững là không để mất đi những gì quý báu như thế.
“Số đông CĐV dữ dội này là một phần không thể tách rời, là sức mạnh khó có thể đo lường ở các CLB”
Nhà báo VŨ CÔNG LẬP |
Không chỉ có Thể Công, bóng đá VN đã mất đi bao truyền thống như Cảng Sài Gòn, Tổng Cục Đường Sắt, Công An Hà Nội… Mỗi cái tên là một lối đá, một bảng vàng và lớp lớp những con người. Chúng ta vin vào đổi mới cơ chế để thay tên đội bóng. Nhưng rồi lại thấy ngay trong cùng một cơ chế bóng đá chuyên nghiệp, những cái tên vẫn cứ mất đi, những nháo nhào tan – hợp vẫn là mối nguy cho cái ta muốn xây là truyền thống.
Quân Khu 4 không còn và bây giờ Hòa Phát và ACB Hà Nội cũng mất. Lại cũng nghe nói sẽ có hai Hà Nội: một là CLB Hà Nội, và một là CLB bóng đá Hà Nội. Thật khó cho người hâm mộ khi muốn bày tỏ một tình yêu, khi muốn có một chút gọi là lòng trung thành khi “người tình” của mình luôn đổi họ thay tên, thay hình đổi dáng.
Có lẽ chẳng bao giờ chúng ta có những CLB tuổi thọ trăm năm. Mà như thế, bóng đá VN chẳng thể nào tiến xa được. Vì cái sau không được dựng nên trên cái trước, nối tiếp truyền thống của cái trước, để từ đó lập nên một cuộc trường chinh.
Cấu trúc CLB và những câu hỏi
Chúng ta góp ý rất nhiều cho VFF. Nhưng bóng đá bao giờ cũng bắt đầu từ các đội bóng và với bóng đá chuyên nghiệp đó là các CLB chuyên nghiệp. VFF là người điều hành, nhưng CLB mới là nhà sản xuất. Chúng ta mong muốn điều hành tốt để khuyến khích phát triển những sản phẩm có chất lượng. Nhưng cái chính, cái quyết định vẫn nằm ở các CLB, nhất là khi lập ra được một “liên đoàn các CLB” để tự tham gia và quyết định phần điều hành giải vô địch. Muốn làm được điều ấy, ở CLB cũng cần phải có một cấu trúc rõ ràng, bắt đầu từ chuyện pháp nhân để từ đó khẳng định cấu trúc về tài chính, cấu trúc về quyền lực, cấu trúc về tổ chức và hành động.
Trên thế giới hiện nay, các CLB chuyên nghiệp cơ bản là các công ty cổ phần. Những ai có cổ phần, cổ phần ấy là bao nhiêu, điều này hoàn toàn minh bạch. Như thế, về sở hữu, chúng ta phải nói đến trước tiên là các cổ đông. Và liền sau đó là cơ cấu quyền lực. Người càng nắm nhiều cổ phần thì quyền lực càng lớn.
Nhưng có điều luật nào chi phối để không một cá nhân đơn lẻ nào có quyền quyết định sinh hay diệt cả một CLB? Và có phải chỉ lực lượng kinh tế mới là cổ đông hay không? Nhà nước có đầu tư gì không và nếu có thì thể hiện qua cơ cấu vốn, cơ cấu quyền lực như thế nào? CLB có nên xác định quy chế hội viên hay không? Và nếu có thì hội viên có quyền góp vốn để trở thành cổ đông hay không?… Có lẽ tất cả những vấn đề này nằm trong điều lệ hoạt động của CLB bóng đá, trong tư cách một doanh nghiệp.
Quyền lực trong một CLB bóng đá thể hiện và được thực thi như thế nào? Ai bầu ra các cấp lãnh đạo và các ban lãnh đạo? Vị trí nào là đương nhiên, vị trí nào là bầu ra, vị trí nào là cắt cử? Chức vụ nào là thuê mướn? Báo cáo hoạt động và báo cáo tài chính hằng năm của CLB được trình bày ở đâu, được thông qua như thế nào và nộp cho ai? Ai xét duyệt, ai kiểm tra? Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp bóng đá được xét thế nào và được cấp ra sao?… Các vấn đề như vậy là hiển nhiên trong các doanh nghiệp, ở trên thế giới nhưng có lẽ chưa trở thành thực tế trong các CLB ở nước ta. Có lẽ còn cần một khoảng thời gian nữa, nhưng theo hướng nào và đến lúc nào, chúng ta cần một lộ trình định lượng.
Thật ra, các CLB chuyên nghiệp trên thế giới chỉ là một phần trong toàn bộ hoạt động của các CLB nói chung. Giống như bóng đá chuyên nghiệp chỉ là một phần trong toàn bộ hoạt động bóng đá dù là phần quan trọng nhất. Trong mỗi CLB như vậy, con số hội viên rất đông, lên tới cả trăm ngàn. Rồi người hâm mộ cũng được tổ chức lại, trên phạm vi toàn thế giới, mà con số thành viên lên tới cả triệu. Cái số đông dữ dội này là một phần không thể tách rời, là sức mạnh khó có thể đo lường ở các CLB. Đây cũng là một yếu tố cấu trúc, góp phần giúp vào sự sống còn của CLB. Để cả CLB không bị chết đi chỉ vì sự “đột tử” của một người hay một nhóm người.
Nhân lực ở CLB
Từ hai cấu trúc trên sẽ hình thành cấu trúc hành động. Chủ tịch CLB làm gì? Giám đốc điều hành làm gì? Ai quyết định chọn HLV, quyền của HLV đến đâu? Ai quyết định chuyện mua bán cầu thủ, cả con người lẫn giá cả? Trong trận đấu, ai ngồi ở đâu? Ai chỉ đạo và ai quyết định?… Nghĩa là có trật tự, có thứ bậc, nghiêm cẩn, nhưng ai có phận nấy, chứ không phải ở mỗi CLB chỉ có một người. Thì xem đài, đọc báo, chúng ta đều biết cả, có người như Abramovic, có người như Mourinho, có người như Cruyff, có người như Rummenigge… chứ chẳng ai có thể một mình là tất cả.
Thật ra các ông chủ luôn muốn có những cánh tay, họ muốn có nhiều trợ lý, thậm chí đông đảo như một đội quân… Nhưng lấy đâu ra những người như vậy, những người để họ có thể tin tưởng? Ai làm giám đốc điều hành, ai làm giám đốc kỹ thuật để vừa phát triển bóng đá lại vừa phát triển kinh tế? Đấy là vấn đề nguồn nhân lực. Ai lo chuyện này? Lại nhớ đến Bundesliga, nơi Oliver Kahn đã có bằng quản trị kinh doanh ngay từ khi còn bắt bóng cho Bayern. Hay Uli Hoeness đã là giám đốc nhà máy sản xuất xúc xích từ hơn 30 năm nay, trước khi ông ngồi vào chiếc ghế giám đốc ở Muenchen. Mà đấy là những danh thủ bóng đá lỗi lạc.
Thử tưởng tượng vào một ngày nào đó, ông chủ tịch Barcelona muốn giải tán hay đổi tên CLB này. Hay ông Abramovic lại muốn xóa sổ Chelsea. Họ có làm được theo cái tùy ý của họ hay không? Chắc chắn là không! Điều họ có thể làm, khi chán nản hay thất vọng, là bán đi phần cổ phiếu của mình. Và CLB sẽ sống mãi cho đến khi phải làm thủ tục phá sản, điều mà lịch sử ghi nhận hình như chưa xảy ra. Lý do: cấu trúc CLB không cho phép làm như thế.
Và như thế, chúng ta có quyền mơ về một CLB bóng đá VN dẫu chưa trăm tuổi nhưng không chết yểu. Chúng ta sẽ có một tình yêu bóng đá không phải thay đổi và đó là hạnh phúc.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()