Bóng đá trẻ Việt Nam: Từ vị thế hàng đầu khu vực tới giấc mơ World Cup
Trong nhiều năm gần đây, bóng đá trẻ Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận, cho thấy cách làm đúng hướng nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa.
Từ quyết định lịch sử
Năm 2023, Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra những quyết định quan trọng và có phần táo bạo về bóng đá trẻ. Rõ nhất là việc thành lập 3 đội tuyển trẻ với nhân sự khác nhau để tham dự ASIAD 19, vòng loại U23 châu Á 2024 và giải U23 Đông Nam Á 2023. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử.
Đội tuyển U20 nữ Việt Nam tham dự ASIAD 19. |
Đáng chú ý, tại ASIAD 19, VFF đưa ra chiến lược sử dụng hầu hết các cầu thủ ở độ tuổi U20 – những cầu thủ ít được thi đấu ở V-League. VFF không đặt mục tiêu về thành tích cho đội bóng, mà trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ được thử lửa ở đấu trường châu lục, qua đó có sự trưởng thành.
Rủi ro về thành tích khi VFF chấp nhận chọn những lứa cầu thủ trẻ tuổi hơn so với giới hạn quy định để tham dự các giải đấu. Thực tế thì đội Olympic Việt Nam đã thi đấu không thành công ở đấu trường Á vận hội.
Xác định trao cơ hội cho cầu thủ trẻ cọ xát và phát triển để chuẩn bị cho tương lai, thất bại ở ASIAD 19 lại là điều tốt với Olympic Việt Nam. Từ thất bại này, bóng đá Việt Nam tìm ra con đường thích hợp để hoàn thiện lối chơi, biết mình đang đứng ở đâu để có sự đầu tư phù hợp.
Nhìn lại hành trình tại ASIAD 19, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn nói: “Đúng là chúng tôi có gặp những áp lực từ dư luận khi các đội tuyển chưa thành công về kết quả. Nhưng đây là điều dễ hiểu, người hâm mộ luôn khao khát được chứng kiến các cầu thủ giành chiến thắng. Tuy nhiên, chiến lược bóng đá trẻ mà VFF đang áp dụng hiện nay hoàn toàn đúng đắn. Các cầu thủ trẻ cần nhiều trận đấu quốc tế để nhanh chóng trưởng thành hơn. Bản thân tôi rất vinh dự được đóng góp cho bóng đá Việt Nam theo cách như vậy dù chính mình nhiều thời điểm cũng áp lực và mệt mỏi. Nhưng định hướng World Cup không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai, đó là hành trình dài hơi của bóng đá Việt Nam”.
Ở đâu so với khu vực?
Tại sân chơi khu vực, bóng đá trẻ Việt Nam có vị thế hàng đầu. Dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, U23 Việt Nam có hai lần liên tiếp giành huy chương vàng SEA Games và hai lần vô địch giải U23 Đông Nam Á.
Ở sân chơi châu lục, lần thứ 5 liên tiếp U23 Việt Nam vào vòng chung kết châu Á, từng đứng hạng nhì tại giải U23 châu Á 2018 (Thường Châu, Trung Quốc).
Các đội U19, U17, U15… của Việt Nam cũng thường xuyên tham dự các giải đấu tầm châu lục và vô địch khu vực Đông Nam Á. Thành tích trên cho thấy bóng đá trẻ Việt Nam có vị thế nhất định và có những thành quả từ sự đầu tư đúng hướng.
Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, bóng đá nước nhà đang ở một chu kỳ mới với cả thời cơ lẫn thách thức đan xen. Sau lứa thế hệ vàng làm nên thành công cùng triều đại ông Park Hang-seo, lứa cầu thủ trẻ hiện tại còn nhiều hạn chế về kinh nghiệm thi đấu, thể hình, thể lực…
Tài chính hạn hẹp cũng đã tác động đến nguồn lực đầu tư ở cấp độ câu lạc bộ và cả công tác đào tạo trẻ. Sự vươn lên với trình độ ngày càng xích lại gần nhau của các nền bóng đá trong khu vực cũng khiến sự cạnh tranh khó khăn hơn.
U23 Việt Nam thi đấu không như kỳ vọng tại SEA Games 32. Với đội tuyển quốc gia, đã 2 kỳ AFF Cup liên tiếp chúng ta không thể vô địch. Sau khi ký hợp đồng với VFF, huấn luyện viên Philippe Troussier trao cơ hội cho tối đa các cầu thủ trẻ và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lối chơi của đội tuyển quốc gia, mà rõ nhất là thất bại ở Asian Cup 2023. Đây là giải đấu mà các đội tuyển trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia đều vượt qua vòng bảng, trong khi đội tuyển Việt Nam bị loại sớm.
Hướng tới World Cup
Dù có những thành công và thất bại, dù có khó khăn hay thuận lợi thì phát triển bóng đá trẻ vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi nền bóng đá và bóng đá Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Nhiều cầu thủ trẻ đang được huấn luyện viên Philippe Troussier trọng dụng. |
Ngay từ khi ngồi “ghế nóng”, ông Philippe Troussier đã hướng tới mục tiêu trẻ hóa đội tuyển quốc gia, bất chấp việc có thể không đạt được về mặt thành tích. Gần 100 cầu thủ được chiến lược gia người Pháp triệu tập, để rồi nhào lặn, sàng lọc tìm ra bộ khung mới cho đội tuyển Việt Nam.
Mục tiêu cuối cùng của “Những chiến binh sao vàng” không phải là SEA Games, vòng chung kết U23 châu Á hay ASIAD, mà là World Cup. Mục tiêu này, cũng được VFF đưa vào chiến lược phát triển của mình từ nay tới năm 2030.
Để hiện thực hóa giấc mơ đưa bóng đá Việt Nam có mặt tại sân chơi World Cup, bóng đá Việt Nam đang rất cần những cú hích với việc hợp tác với các quốc gia có nền bóng đá phát triển trên thế giới để tìm kiếm, đào tạo những tài năng trẻ một cách bài bản và có chiều sâu từ sớm.
Để hướng tới World Cup, bóng đá Việt Nam có lẽ cần nhiều hơn nữa những khoản đầu tư và hơn hết là sự kiên nhẫn từ các nhà quản lý bóng đá, cùng người hâm mộ.
Ngoài ra, vai trò của các lò đào tạo, địa phương, các câu lạc bộ cũng đặc biệt quan trọng, bởi cầu thủ trẻ đều chủ yếu được đào tạo từ đây. Nếu các câu lạc bộ vẫn tiếp tục sử dụng nhiều cầu thủ ngoại, cầu thủ nhập tịch tại V-League, trong khi các cầu thủ trẻ bị “bỏ rơi”, thì giấc mơ World Cup còn xa lắm… Mong rằng sẽ có một bước đột phá trong công tác hoạch định tổ chức để các tài năng trẻ được ra sân thường xuyên hơn tại các giải quốc nội, mới mong “những cánh chim” sẽ cứng cáp, rắn rỏi hơn để đương đầu với sóng gió.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()