Bóng đá thế giới thiệt hại 14 tỷ USD vì Covid-19
Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đối với bóng đá thế giới, với thiệt hại ước tính lên tới gần 14 tỷ USD, theo thống kê vừa được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) công bố.
Theo ước tính từ FIFA, doanh thu bóng đá trên khắp thế giới sẽ sụt giảm nghiêm trọng, ngay cả khi các giải đấu đã dần được khởi động trở lại sau các quãng nghỉ chống dịch.
Cơ quan quản lý bóng đá lớn nhất hành tinh ước tính giá trị thương mại của các trận đấu ở cả cấp câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia trong năm 2020 ở mức 46 tỷ USD, và sự hoành hành của dịch Covid-19 được dự báo sẽ thổi bay khoảng 1/3 mức doanh thu này.
Ông Olli Rehn, người đứng đầu Quỹ hỗ trợ ứng phó Covid-19 của FIFA cho biết, con số 14 tỷ USD được tính toán dựa trên kịch bản hiện tại, tức là khi làng túc cầu đang dần khởi động trở lại sau ba tháng gián đoạn kể từ đầu năm. Nhưng sẽ là một kịch bản tồi tệ hơn nhiều nếu đại dịch Covid-19 không kịp thời được ngăn chặn.
“Đó thật sự là một con số khổng lồ và ảnh hưởng tới gần như toàn bộ nền kinh tế bóng đá. Nó đã tạo ra nhiều xáo trộn ở các cấp độ khác nhau với nhiều câu lạc bộ chuyên nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn rất nghiêm trọng”, ông Rehn nói, đồng thời cũng bày tỏ lo ngại khi thành quả phát triển bóng đá ở châu Á và châu Phi đang có nguy cơ bị hủy hoại vì Covid-19.
Vị quan chức cấp cao của FIFA cũng nhấn mạnh, khả năng dịch bệnh sẽ còn có thể tiếp diễn trong năm tới. Do đó, nhằm hỗ trợ các liên đoàn bóng đá thành viên trong bối cảnh khó khăn, FIFA đã thành lập một quỹ hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ USD, để giúp giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch lên hoạt động bóng đá toàn cầu.
Theo đó, mỗi liên đoàn bóng đá quốc gia sẽ được FIFA cung cấp gói hỗ trợ tài chính trị giá một triệu USD, cộng với một khoản hỗ trợ 500 nghìn USD khác dành cho bóng đá nữ tại mỗi quốc gia thành viên. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng nằm trong nhóm được hỗ trợ.
Theo ông Rehn, đã có hơn 150 hiệp hội bóng đá trong tổng số 211 thành viên của FIFA đã đăng ký nhận gói hỗ trợ tài chính này. Ngoài ra, FIFA cũng cho phép các liên đoàn thành viên tiếp cận các khoản vay không tính lãi từ quỹ hỗ trợ nếu cần thiết, với mức vay tối đa có thể lên tới năm triệu USD cho mỗi quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là những phương án tình thế nếu Covid-19 không được kiểm soát trong năm tới. Ông Rehn cũng cảnh báo trong khi bóng đá đang dần trở lại, cũng không thể loại trừ một làn sóng bùng phát thứ hai: “Chúng ta không thể loại trừ những diễn biến tồi tệ hơn và đó sẽ là một kịch bản tồi tệ khác nếu đại dịch tiếp tục diễn biến nghiêm trọng vào năm tới. Bây giờ, chúng tôi chỉ mới đang tính toán dựa trên cơ sở của những diễn biến hiện tại”.
Ý kiến ()