tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2075/c936f9a17a75e49b19e60058768ac117_L.jpg” border=”0″ alt=”Phụ huynh làm thủ tục đăng ký tuyển sinh cho con tại Trường tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) năm học 2013 – 2014. ” /> Dự kiến, năm học 2013 – 2014 tới đây, tổng số trẻ tuyển sinh vào lớp một trên địa bàn Hà Nội khoảng hơn 125 nghìn, tăng 11 nghìn học sinh so với năm học trước. Nguyên nhân của sự tăng đột biến này là hệ lụy từ năm “heo vàng” 2007 cộng với lượng di dân, dân số tăng cơ học trên địa bàn Thủ đô nên càng làm cho con số này trở nên chênh lệch so với những năm học trước.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống thì đây không phải là điểm bất thường. Ngay sau khi sát nhập Hà Tây về Hà Nội, chúng tôi đã lường trước được nhiều phát sinh trong việc tuyển sinh năm học mới. Cho nên, trong sáu năm vừa qua, Hà Nội đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc chuẩn bị cơ sở vật chất các trường học và chuẩn bị đội ngũ giáo viên nhằm bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh. Năm học này, tiêu chí của ngành GD và ÐT Hà Nội đề ra là dứt khoát không được gây căng thẳng cho các bậc cha mẹ học sinh trong việc tiếp nhận học sinh vào đầu cấp. Ðiểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay là công khai kế hoạch tuyển sinh, thực hiện theo “bốn rõ” gồm: rõ chỉ tiêu, rõ phương thức tuyển sinh, rõ phân tuyến tuyển sinh và rõ về thời gian tuyển sinh. Ðể công khai được những “cái rõ” này thì chính các bậc phụ huynh cùng đồng hành, kiểm soát công việc này cùng với ban chỉ đạo thi và tuyển sinh cấp thành phố từng quận huyện, từng trường. Việc nhận học sinh như thế nào cũng phải công khai minh bạch. Ngoài ra, Sở GD và ÐT yêu cầu các đơn vị trong ngành cần duy trì chủ trương “ba tăng, ba giảm” (ba tăng: tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; ba giảm: giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn). Bên cạnh đó, các phòng GD và ÐT chỉ đạo các trường học phối hợp với UBND các phường, xã thực hiện tốt công tác điều tra số trẻ ở từng độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn để phân tuyến hợp lý, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, kiên quyết không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường, trong khi ở một số trường khác tuyển không đủ chỉ tiêu.
Trong buổi họp giao ban về công tác tuyển sinh mới đây, các quận, huyện đều công bố phương án tuyển sinh bám theo phương án “bốn rõ”. Với những quận có số học sinh đăng ký vào lớp một gia tăng, các phòng GD và ÐT đã lựa chọn cách phân tuyến linh hoạt và tách tuyến trên cơ sở thực tế. Nhờ cách phân tuyến dựa trên căn cứ thực tế, các phường đã cân đối được một phần số lượng học sinh đăng ký. Việc phân tuyến hay tách tuyến cũng chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt. Phần lớn các trường đều có sĩ số học sinh khá cao, từ 45 thậm chí là 60 học sinh/lớp (so với quy định chuẩn là 35 học sinh/lớp). Vì vậy kế hoạch lâu dài là ngành giáo dục tại các quận, huyện cần có sự đầu tư thích đáng về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thì mới hạn chế dần áp lực tuyển sinh đầu cấp, đồng thời nâng cao được chất lượng giáo dục.
Từ ngày 1-7 vừa qua, các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội chính thức bắt đầu tuyển sinh. Qua khảo sát của chúng tôi, năm nay tại các trường không xảy ra tình trạng lộn xộn, ùn tắc ngay từ cổng trường như năm trước. Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B (quận Ba Ðình) Phạm Thị Yến chia sẻ với chúng tôi: Trước khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh, nhà trường đã tổ chức điều tra, nắm được số trẻ chuẩn bị vào lớp một trên địa bàn, cho nên trường hoàn toàn chủ động. Trước khi tuyển sinh một tháng, nhà trường đã thông báo rộng rãi trên loa phát thanh của phường mọi thông tin về tuyển sinh vào lớp một như: thủ tục, ngày giờ tuyển sinh… Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường khoảng hơn 400 học sinh, chia đều cho tám lớp. Ngày tuyển sinh đầu tiên, mặc dù rất đông nhưng các phụ huynh đều phấn khởi vì không phải gặp cảnh tượng chen lấn để nhận hồ sơ. Nhà trường bảo đảm 100% số trẻ đều được nhận hồ sơ. Còn theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Tuyết Mai: Mặc dù năm nay số lượng trẻ vào lớp một tăng mạnh nhưng nhà trường đã có phương án chuyển phòng thể chất và chuyển đổi mục đích sử dụng phòng hội đồng giáo viên thành phòng học cho học sinh. Nhờ vậy, dù số trẻ tăng đột biến nhưng trường vẫn sẽ tiếp nhận hết 100% số trẻ có hộ khẩu ở phường Phương Liệt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, nhất là các lớp có sĩ số khá đông, khoảng 50 đến 55 học sinh/lớp.
Hiện tượng học sinh học trái tuyến vẫn là vấn đề “nóng”, không chỉ của riêng Hà Nội mà còn ở các thành phố lớn. Nguyên nhân của tình trạng học trái tuyến là do môi trường học tập một số trường đúng tuyến chưa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó là phụ huynh học sinh thuận tiện đưa đón con và muốn cho con em mình vào trường “điểm”. Cho nên ngành GD và ÐT Hà Nội chưa bao giờ “cấm” trái tuyến mà chỉ hạn chế trái tuyến. Tuy nhiên, việc học trái tuyến tạo ra nhiều hệ lụy như: học sinh phải đi học xa; làm tăng sĩ số học sinh trên lớp, dễ dẫn đến các bệnh về học đường. Bên cạnh đó, sự tiếp thu bài của học sinh ở lớp đông thường loãng hơn, xa hơn, ồn ào hơn; mật độ tiếp cận học sinh của giáo viên ở lớp sĩ số ít sẽ dày hơn. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh học sinh hãy cho con vào những lớp đúng với chuẩn thiết kế, đúng điều lệ trường học, không nên tạo áp lực không đáng có cho con em mình. Vì kiến thức đối với tiểu học chưa có gì “đao to búa lớn”, các em cần được chơi với bạn bè, giao lưu với giáo viên.
BÊN cạnh việc tuyên truyền thì nhiều năm qua, để giảm bớt tình trạng trái tuyến, ngành GD và ÐT Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách giữa các trường bằng nhiều giải pháp như tạo môi trường cảnh quan sư phạm; không ngừng đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, sửa chữa, xây mới và bổ sung các phòng học… Thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhất là ở những trường vùng khó khăn. Ngoài ra, ngành cũng có chính sách điều động, luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên có năng lực ở một số điểm trường trung tâm về làm hạt nhân các trường khó khăn… Với các cách làm đó, nhiều trường ở vùng khó khăn đã nâng cao được chất lượng, thu hút được học sinh, chiếm được lòng tin của các bậc cha mẹ học sinh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()