Bốn nước châu Phi vẫn phải đối mặt với nạn đói và bất ổn
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres ngày 12/10 cảnh báo trước Hội đồng Bảo an, trong đó nhấn mạnh mặc dù cộng đồng quốc tế có biện pháp tránh được nạn đói tại 4 quốc gia bị đe dọa song vẫn chưa thể chấm dứt nỗi khổ đau của hàng triệu người.
Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc một lần nữa nhắc lại rằng 9 tháng trước, khoảng 20 triệu người đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn đói ở Nam Sudan, Somalia, Yemen và Đông Bắc Nigeria. Khoảng 100.000 người ở Nam Sudan đã đứng trên bờ vực đói nghèo. Trong bối cảnh đó, ông Guterres bày tỏ mối quan ngại sâu sắc, yêu cầu các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cùng hành động và hỗ trợ khẩn cấp cho các tổ chức nhân đạo và phát triển.
Tổng thư ký ghi nhận rằng cộng đồng quốc tế đã phản ứng nhanh chóng và gần 70% số tiền yêu cầu đã được nhận. Các hoạt động nhân đạo đã được củng cố và các cơ quan, đối tác của họ giờ đây đã giúp gần 13 triệu người mỗi tháng.
Tuy nhiên, theo ông, trong khi chúng ta đã thành công trong việc kiềm chế và giảm thiểu nạn đói thì những đau khổ vẫn còn tồn tại.
Tại Nam Sudan, khoảng 6 triệu người đang bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng hơn 1 triệu người so với đầu năm. “Cho đến khi các cuộc xung đột chưa được giải quyết và quá trình phát triển còn gặp nhiều khó khăn thì các cộng đồng và khu vực sẽ tiếp tục bị tàn phá bởi nạn đói và khổ đau” – Tổng thư ký lưu ý.
Tại Đông Bắc Nigeria, ông Guterres cho biết, ước tính có khoảng 8,5 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo, do tác động từ các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy Boko Haram và hoạt động của lực lượng vũ trang Nigeria.
Tại Somalia, hơn 6 triệu người phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo để duy trì sự sống còn trong một môi trường xung đột và bất ổn. Các khu vực rộng lớn ở miền Nam và miền Trung Somalia vẫn còn hứng chịu các cuộc tấn công của Al-Shabaab, và gần 2 triệu người bị bỏ rơi, không được tiếp cận với viện trợ nhân đạo.
Tại Nam Sudan, nạn đói đã tránh được nhưng tình trạng mất an ninh lương thực lại lên đến mức chưa từng có. Chính phủ và phe đối lập ngăn cản hoạt động nhân đạo, đặc biệt ở các vùng của Ecuador và Upper Nile, và ở một số khu vực phía Nam và phía Tây Wau.
Tại Yemen, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và các đối tác đã tránh được nạn đói bằng cách giúp 7 triệu người vào tháng 8 vừa qua, nhưng hàng triệu người khác tại đây lại tiếp tục chịu đau khổ, trong đó có 700.000 người ở các tỉnh Sadaa, Hajjah, Hudaydah và Ta'ez khó tiếp cận.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, tình trạng xung đột và vi phạm luật pháp quốc tế, đang làm trầm trọng thêm các mối đe dọa, khiến người dân buộc phải chạy trốn. WFP ước tính tình trạng mất an ninh lương thực tăng 1% tương ứng với số người tị nạn tăng 2%. Trong bối cảnh đó, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh cần có sự hỗ trợ nhân đạo và tăng cường luật pháp quốc tế bằng cách đầu tư vào hòa bình và giải pháp lâu dài./.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()