Bốn Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn
Bốn vị trưởng ngành của các bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học - Công nghệ, Giáo dục - Đào tạo sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIII.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được uỷ quyền cũng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp này. Thời gian chất vấn sẽ kéo dài trong 2,5 ngày trong tuần tới, từ sáng ngày thứ năm, 11-6, tới hết buổi sáng ngày thứ bảy, 13-6.
Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tham gia trả lời chất vấn sau kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá XIII.
Theo chương trình, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn dành hai ngày để chất vấn bốn Bộ trưởng, Trưởng ngành và một nửa ngày để Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ phân công) phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiêu chí lựa chọn người trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội sẽ là người phụ trách lĩnh vực có nhiều vấn đề bức xúc, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận quan tâm; hoặc có vấn đề đã được chất vấn nhưng trong thực tế chỉ đạo, điều hành, chuyển biến còn chậm ; hoặc trong lĩnh vực phụ trách chưa có nhiều nội dung bức xúc nổi lên nhưng những kỳ họp gần đây chưa có điều kiện giải trình trước Quốc hội . Ngoài ra, cũng phải bảo đảm bảo hài hòa, phù hợp giữa các lĩnh vực.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất năm vị bộ trưởng là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Công thương; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn bốn người trực tiếp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIII.
Dự kiến, sẽ cónhững nhóm vấn đề cụ thể đối với từng bộ trưởng.
Thứ nhất, đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có các nội dung như tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới; thực trạng “liên kết bốn nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; Giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường.
Thứ hai, đối với Bộ trưởng Công thương sẽ là giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tiếp đó, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ sẽ trả lời các vấn đề liên quan tới giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của ngành khoa học và công nghệ trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hiệu quả sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ.
Cuối cùng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo sẽ thông tin về các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới.
Trong thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, sẽ mời các bộ trưởng, trưởng ngành khác như Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Thông tin và Truyền thông tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.
Công tác chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành theo các nhóm vấn đề để có điều kiện đối thoại sâu, đi đến cùng các vấn đề được quan tâm.
Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, có cơ sở để giám sát việc thực hiện.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, bốn vị bộ trưởng đã tham gia trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu Quốc hội. Đó là các bộ trưởng: Công thương, Nội vụ; Lao động, Thương binh và Xã hội, Giao thông – Vận tải.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()